Phát biểu khai mạc diễn đàn, bà Dương Phương Thảo, Tham tán Thương mại Đại sứ quán Việt Nam tại Italia cho biết, các sản phẩm TCMN của Việt Nam đa dạng về chủng loại, kiểu dáng, thiết kế, đến từ nhiều vùng miền có đặc trưng văn hóa khác biệt, được sản xuất từ nguyên liệu tự nhiên, khai thác bền vững tại chỗ, hoàn thiện bởi các nghệ nhân tài hoa, được đón nhận với nhu cầu cao trên thị trường quốc tế.
Các sản phẩm TCMN của Việt Nam đã có mặt tại 163 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó Liên minh châu Âu (EU) là thị trường lớn thứ hai sau Mỹ. Tại thị trường Italia, các sản phẩm TCMN của Việt Nam đang ngày càng được quan tâm, với kim ngạch một số nhóm hàng tăng trưởng hai con số như sản phẩm mây tre, cói, thảm.
Chia sẻ tại diễn đàn, Chủ tịch Hội đồng TCMN châu Âu Elisa Guidi cho rằng, xu hướng phát triển xanh của châu Âu là cơ hội lớn cho các sản phẩm TCMN.
Một trong những thách thức của ngành TCMN là vừa phải bảo tồn những di sản, duy trì giá trị văn hóa dân tộc vừa phải phát triển mẫu mã, thiết kế mang tính đương đại, bắt kịp xu thế tiêu dùng thế giới, đặc biệt là nhu cầu của thế hệ trẻ.
Để phát triển hơn nữa, ngành TCMN của Việt Nam cần có các biện pháp truyền thông để người tiêu dùng hiểu đằng sau mỗi sản phẩm là một câu chuyện nghệ thuật của nghệ nhân và để giới trẻ lựa chọn TCMN là một lĩnh vực hướng nghiệp trong tương lai.
Các chuyên gia TCMN Italia nhấn mạnh, TCMN không chỉ là một ngành kinh tế, mà còn là một lĩnh vực văn hóa, giúp bảo tồn, duy trì các giá trị văn hóa truyền thống, và có thể kết hợp để trở thành một ngành gắn kết với du lịch.
Ngành TCMN của Việt Nam chứa đựng đầy đủ các yếu tố quan trọng để thành công hơn nữa và để tiếp tục phát huy cần phát triển ngành dựa trên ba giá trị cốt lõi là bảo đảm tính đương đại, tính bền vững và tính bản sắc, đáp ứng được thị hiếu riêng biệt của các thị trường.