Quán triệt, triển khai Kết luận và Quy định của Trung ương về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng

NDO -

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, xây dựng, chỉnh đốn Đảng là để làm cho Đảng ta ngày càng mạnh hơn; cán bộ, đảng viên gương mẫu hơn; tổ chức đảng có sức chiến đấu cao hơn; đoàn kết nội bộ tốt hơn; gắn bó với nhân dân mật thiết hơn; thúc đẩy thực hiện nhiệm vụ chính trị đạt kết quả cao hơn,… 

Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Kết luận và Quy định của Ban Chấp hành Trung ương về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)
Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Kết luận và Quy định của Ban Chấp hành Trung ương về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Sáng 9/12, Hội nghị cán bộ toàn quốc về quán triệt, triển khai Kết luận và Quy định của Ban Chấp hành Trung ương về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến từ Phòng họp Diên Hồng, tòa nhà Quốc hội đến các đảng ủy trực thuộc Trung ương, các tỉnh ủy, thành ủy, cấp ủy cấp huyện và cơ sở trong cả nước. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự, chủ trì, phát biểu chỉ đạo.

Cùng chủ trì, điều hành hội nghị, có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú.

Dự hội nghị tại các điểm cầu, có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư; Ủy viên Trung ương Đảng; các đảng ủy khối trực thuộc Trung ương; lãnh đạo các ban, bộ, ngành cơ quan Trung ương, các tỉnh ủy, thành ủy, cấp ủy cấp huyện và cơ sở trong cả nước,….

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, làm rõ thêm một số vấn đề, tập trung trả lời 3 câu hỏi: (1) Lâu nay, chúng ta đã từng bàn nhiều, làm nhiều về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; vì sao lần này Trung ương lại tiếp tục bàn và ra Nghị quyết về vấn đề này? (2) Những tinh thần mới, nội dung mới của lần này là gì? (3) Chúng ta phải làm gì và làm như thế nào để thực hiện có kết quả Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 lần này, biến Nghị quyết thành hiện thực sinh động?

Về câu hỏi vì sao Hội nghị Trung ương 4 lần này lại tiếp tục bàn về việc đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Tổng Bí thư nêu rõ, công tác xây dựng Đảng luôn luôn là nhiệm vụ then chốt, có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với sự nghiệp cách mạng nước ta. Bên cạnh những kết quả, thành tích đã đạt được, việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII của Đảng cũng còn những hạn chế, khuyết điểm. Một số cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là người đứng đầu, chưa nhận diện đầy đủ mức độ suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" tại địa phương, cơ quan, đơn vị mình; chưa quyết tâm và có biện pháp chỉ đạo đủ mạnh, còn thụ động, trông chờ vào sự chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên; không thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, chưa gương mẫu, thẳng thắn phê bình, tự phê bình, đấu tranh với những biểu hiện suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", thậm chí còn mắc vào chủ nghĩa cá nhân, cục bộ, lợi ích nhóm, bị cám dỗ bởi lợi ích vật chất; thờ ơ, vô cảm trước khó khăn, bức xúc của nhân dân.

Quán triệt, triển khai Kết luận và Quy định của Trung ương về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng -0
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì và phát biểu chỉ đạo Hội nghị. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Sau khi phân tích tình hình, nhiệm vụ, yêu cầu đặt ra trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Tổng Bí thư nhấn mạnh, trước tình hình đó, đòi hỏi Đảng ta phải tiếp tục nâng cao hơn nữa bản lĩnh và trí tuệ, thực sự "là đạo đức là văn minh"; chúng ta phải nỗ lực hơn nữa trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Đảng ta và hệ thống chính trị nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, ngang tầm nhiệm vụ, đủ sức lãnh đạo xây dựng, phát triển đất nước nhanh và bền vững hơn, trong đó có việc phát huy những tác động tích cực, khắc phục những tác động tiêu cực, mặt trái của kinh tế thị trường, mở cửa, hội nhập quốc tế.

Về tinh thần mới, nội dung mới của Hội nghị Trung ương 4, theo Tổng Bí thư có 4 điểm đáng chú ý:

Một là, Kết luận của Trung ương đã mở rộng, không chỉ trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng mà còn bao gồm cả trong xây dựng hệ thống chính trị; không chỉ đối với đảng viên và các cấp ủy, tổ chức đảng mà còn mở rộng ra cả đối với cán bộ, công chức, viên chức, các cấp chính quyền, các cơ quan, đơn vị trong toàn hệ thống chính trị, nhất là ở các cơ quan thực thi pháp luật, những đối tượng có chức, có quyền, những nơi có nhiều đặc quyền, đặc lợi, kể cả các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đúng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng là: xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện. Cùng với ngăn chặn, đẩy lùi, còn phải chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những hành vi tham nhũng, tiêu cực... Đồng thời, bổ sung, làm rõ hơn hệ thống những biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", "tiêu cực" sát hợp với tình hình mới.

Hai là, mục tiêu được xác định lần này cao hơn và sát hợp hơn với tình hình mới: Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới trong bối cảnh tình hình trong nước, quốc tế đã có nhiều thay đổi như nêu ở trên; và kế thừa, phát huy những kết quả, thành tựu có ý nghĩa lịch sử mà toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã đạt được qua 35 năm đổi mới, trong đó có những kết quả, thành tích rất quan trọng và những kinh nghiệm, bài học đã đạt được trong 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI và 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng,

Ba là, bổ sung, làm rõ, đồng bộ và sắc bén hơn một số nhiệm vụ, biện pháp trong thời gian tới: Kết luận số 21 đã kế thừa, bổ sung, làm rõ hơn và yêu cầu phải tiến hành đồng bộ và quyết liệt hơn nữa nhiều công việc cụ thể, thiết thực, tập trung vào 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp mà Hội nghị Trung ương 4 khóa XII đã đề ra về công tác chính trị, tư tưởng, tự phê bình và phê bình; về cơ chế, chính sách; về kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng; về phát huy vai trò của nhân dân và Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị-xã hội. Đồng thời bổ sung, nhấn mạnh thêm nhóm nhiệm vụ, giải pháp về "Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu gắn với đổi mới, sắp xếp tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả". Bảo đảm nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ; quán triệt sâu sắc vai trò của công tác cán bộ là "then chốt của then chốt", có ý nghĩa quyết định mọi thành công của cách mạng nước ta, cả trước mắt và lâu dài.

Bốn là, bổ sung, hoàn thiện toàn diện hơn các thể chế, thiết chế về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực: Kết luận và Quy định mới được Trung ương ban hành tại Hội nghị lần này là nhằm góp phần quan trọng vào việc kế thừa, bổ sung, phát triển các quy định của Đảng về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo đúng tinh thần kết hợp nhuần nhuyễn giữa xây và chống; giữa xây dựng đạo đức cách mạng và chống chủ nghĩa cá nhân.

Tổng Bí thư nêu rõ, với việc mở rộng nội dung và phạm vi ra toàn hệ thống chính trị, thể chế về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh trở nên toàn diện và đồng bộ hơn. Cùng với các quy định của Đảng, chúng ta còn có hệ thống pháp luật của Nhà nước đang từng bước được hoàn thiện, nhất là pháp luật về cán bộ, công chức; về thi đua khen thưởng; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; khuyến khích, bảo vệ những người dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm với động cơ trong sáng, vì lợi ích chung... Các thiết chế để tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII và Kết luận, Quy định của Hội nghị Trung ương lần này được mở rộng toàn diện và đồng bộ hơn.

Về câu hỏi, phải làm gì và làm như thế nào để thực hiện có kết quả Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 4 lần này về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Tổng Bí thư nhấn mạnh, phải nhận thức thật đầy đủ và sâu sắc mục đích, ý nghĩa, yêu cầu, nội dung của Kết luận và Quy định, nắm vững những tư tưởng chỉ đạo, những công việc phải làm, trên cơ sở đó có sự thống nhất cao về ý chí, quyết tâm, thấy đầy đủ trách nhiệm của mình để gương mẫu, tự giác thực hiện và chỉ đạo, tổ chức thực hiện Kết luận và Quy định trên mỗi cương vị công tác tại địa bàn, lĩnh vực do mình phụ trách; mở đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện. Ngay sau Hội nghị này, các cấp ủy và tổ chức đảng các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị trong toàn hệ thống chính trị cần khẩn trương xây dựng kế hoạch hành động, chương trình học tập, quán triệt và triển khai thực hiện Kết luận, Quy định gắn với tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương, ngành, cơ quan, đơn vị mình. Phải làm rất nghiêm túc, thiết thực; có sự phân công trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể, rõ ràng, chặt chẽ; tránh hời hợt, hình thức.

Phải thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp một cách đồng bộ, toàn diện, đồng thời có trọng tâm, trọng điểm; bao gồm cả việc thực hiện 10 nhiệm vụ nêu trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các nghị quyết, kết luận, chỉ thị, các quy định khác của Đảng và pháp luật của Nhà nước; kết hợp chặt chẽ giữa "xây và chống", "chống và xây". Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; nêu gương những người tốt, việc tốt; ngăn ngừa, cảnh báo, phê phán và xử lý nghiêm những việc làm sai trái; đấu tranh mạnh mẽ chống tham nhũng, hư hỏng, tiêu cực; những hành vi vi phạm kỷ luật Đảng, pháp luật của Nhà nước. Tăng cường công tác giáo dục, rèn luyện, quản lý đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức; làm mạnh hơn nữa, quyết liệt hơn nữa các công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát, kiểm toán, điều tra, khởi tố, truy tố, xét xử... của các cơ quan chức năng; nâng cao sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng; phát huy vai trò giám sát của nhân dân, các đoàn thể, của báo chí và công luận.

Tổng Bí thư yêu cầu, mỗi cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, đặc biệt là người đứng đầu, người chủ trì phải gương mẫu, tự giác làm trước; căn cứ vào Nghị quyết, Kết luận và Quy định lần này, nghiêm túc tự phê bình, kiểm điểm, tự soi lại mình, đơn vị mình, gia đình mình, cái gì tốt thì phát huy, cái gì khiếm khuyết thì tự điều chỉnh, cái gì xấu thì tự gột rửa, tự sửa mình. Mọi đảng viên đều phải làm như vậy, chứ không phải chỉ đứng ngoài mà "phán", hoặc "chờ xem", coi như mình vô can. Việc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình cần được chuẩn bị thật chu đáo, chỉ đạo tỉ mỉ, chặt chẽ; tiến hành nghiêm túc, thận trọng; làm đến đâu chắc đến đó, đạt kết quả cụ thể, thực chất. Hết sức tránh làm lướt, làm qua loa, hình thức, chiếu lệ. Khắc phục tình trạng xuê xoa, nể nang, thậm chí biến cuộc họp tự phê bình và phê bình thành nơi vuốt ve, ca tụng lẫn nhau; đồng thời cũng ngăn chặn, tránh tình trạng lợi dụng dịp này để "đấu đá", "hạ bệ" nhau với những động cơ không trong sáng. Nghiêm khắc xử lý những trường hợp trù dập phê bình và vu cáo người khác. Kinh nghiệm cho thấy, muốn tự phê bình và phê bình có kết quả tốt, điều quan trọng là phải giữ vững nguyên tắc của Đảng, thật sự phát huy dân chủ trong Đảng; người đứng đầu phải gương mẫu làm trước và phải có các hình thức dân chủ để quần chúng đóng góp, phê bình cán bộ, đảng viên và phải nghiêm túc tiếp thu những ý kiến phê bình đúng đắn. Những trường hợp sai phạm nghiêm trọng mà không thành khẩn, không tự giác, tập thể giúp đỡ mà không tiếp thu thì phải xử lý thích đáng.

Tổng Bí thư lưu ý, phải đặt việc thực hiện Kết luận, Quy định của Hội nghị Trung ương lần này và Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong tổng thể thực hiện các nghị quyết khác của Trung ương, của Quốc hội, của Chính phủ..., nói rộng ra là trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị thường xuyên của cả hệ thống chính trị, bảo đảm thúc đẩy việc hoàn thành các nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giữ vững ổn định chính trị, an ninh-quốc phòng, đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại,... chứ không phải "đóng cửa" để chỉnh đốn Đảng. Xây dựng, chỉnh đốn Đảng là để làm cho Đảng ta ngày càng mạnh hơn; cán bộ, đảng viên gương mẫu hơn; tổ chức đảng có sức chiến đấu cao hơn; đoàn kết nội bộ tốt hơn; gắn bó với nhân dân mật thiết hơn; thúc đẩy thực hiện nhiệm vụ chính trị đạt kết quả cao hơn; chứ không phải ngược lại. Quán triệt, xử lý thật tốt mối quan hệ hữu cơ, gắn bó và hỗ trợ lẫn nhau giữa phát triển kinh tế-xã hội là nhiệm vụ trung tâm; xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội.

Tổng Bí thư nêu rõ, xây dựng, chỉnh đốn Đảng là công việc xây dựng tổ chức, xây dựng con người, là công tác con người, rất dễ đụng chạm đến danh dự, lợi ích, quan hệ của con người, đòi hỏi mỗi chúng ta phải tự phê bình, phân tích, mổ xẻ những ưu, khuyết điểm của chính bản thân mình; phải nhận xét, đánh giá về người khác. Nếu không thật tự giác, chân thành, công tâm, khách quan thì rất dễ chủ quan, thường chỉ thấy ưu điểm, mặt mạnh của mình nhiều hơn người khác; trong khi chỉ thấy khuyết điểm, mặt yếu của người khác nhiều hơn mình,... Trước yêu cầu mới của nhiệm vụ cách mạng, trước thực trạng một số yếu kém, khuyết điểm như đã nói ở các phần trên, hơn lúc nào hết, Đảng ta càng phải đặc biệt coi trọng hơn nữa nhiệm vụ xây dựng Đảng như Đại hội XIII và Hội nghị Trung ương 4 lần này đã chỉ ra, tạo bước chuyển thật sự trong công tác này. Điều quan trọng có ý nghĩa quyết định là: Tất cả chúng ta, từ trên xuống dưới, đều phải có quyết tâm rất lớn, có sự thống nhất rất cao, có biện pháp thực hiện quyết liệt, khả thi, chỉ đạo chặt chẽ với một phương pháp tư duy đúng đắn, tỉnh táo, bình tĩnh, không cực đoan, không để các thế lực xấu lợi dụng, xuyên tạc, kích động, phá hoại,...

Quán triệt, triển khai Kết luận và Quy định của Trung ương về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng -0
Đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: THỦY NGUYÊN) 

Tại Hội nghị, đồng chí Trương Thị Mai báo cáo những nội dung chủ yếu trong Kết luận số 21 của Ban Chấp hành Trung ương về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ; Kế hoạch số 03 của Bộ Chính trị về thực hiện Kết luận số 21; Quy định số 37 của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm.

Tình hình thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, từ năm 2016 đến năm 2020, có 25.104 đảng viên suy thoái hoặc có biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" (0,5% tổng số đảng viên) bị xử lý kỷ luật. Trong đó, 15.101 đảng viên suy thoái về đạo đức, lối sống (60%); 8.281 đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị (33%); 1.722 đảng viên biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" (6,9%).

Các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kết luận 21 là: Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác chính trị, tư tưởng, tự phê bình và phê bình; Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu gắn với đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Tập trung hoàn thiện các cơ chế chính sách; phát huy vai trò trách nhiệm của các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội; thực sự dựa vào dân để xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chinh trị trong sạch, vững mạnh,v.v.

Tại hội nghị, đại diện Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Quân ủy Trung ương, Đảng ủy Công an Trung ương; các đồng chí Bí thư tỉnh ủy Đồng Tháp, Sơn La, Đồng Nai, Đắk Lắk, Thành ủy Đà Nẵng phát biểu làm rõ tình hình, kết quả công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng thời gian qua, việc triển khai thực hiện Kết luận số 21 và Quy định số 37 .