Việc kết nạp đảng cho những đảng viên trẻ tuổi đang ngồi trên ghế trường trung học phổ thông là sự ghi nhận những cố gắng, nỗ lực của các thanh niên ưu tú, qua đó, góp phần xây dựng đội ngũ đảng viên trẻ, có tri thức, có trình độ, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có nhiệt huyết cống hiến cho Thủ đô, cho đất nước.
Đây là những tín hiệu đáng mừng của công tác phát triển đảng của Đảng bộ thành phố Hà Nội. Tuy nhiên, so với dư địa và tiềm năng của ngành giáo dục và đào tạo thì kết quả này còn chưa tương xứng. Số liệu của ngành giáo dục và đào tạo Hà Nội cho thấy, toàn ngành có 2.835 trường học các cấp với 138.090 giáo viên, hơn 2,2 triệu học sinh, cùng với đó là gần 1 triệu sinh viên các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn. Thế nhưng 5 năm qua, Đảng bộ thành phố mới kết nạp được 17 học sinh, trong đó chỉ có sáu học sinh ở các trường trung học phổ thông.
Tỷ lệ kết nạp đảng viên mới là sinh viên cũng chỉ chiếm hơn 10% trong tổng số đảng viên được kết nạp. Trong khi đó, yêu cầu phát triển đảng viên trong đội ngũ trí thức, học sinh sinh viên là rất quan trọng, nhất là trong giai đoạn hiện nay, khi thành phố đang huy động mọi nguồn lực để xây dựng Thủ đô đến năm 2030 trở thành thành phố “Văn hiến-Văn minh-Hiện đại”, trung tâm, động lực phát triển vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; hội nhập sâu rộng, có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới theo Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Để thực hiện hiệu quả Chương trình số 01-Ctr/TU của Thành ủy Hà Nội, đạt mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ đảng viên là giáo viên tại khối các trường công lập đạt từ 50% trở lên, khối các trường ngoài công lập đạt từ 20% trở lên, trước hết cần thống nhất nhận thức, việc phát triển đảng trong đội ngũ giáo viên, học sinh trung học phổ thông và sinh viên là rất quan trọng, vừa là nhiệm vụ cấp bách, vừa lâu dài.
Để thực hiện nhiệm vụ này, không chỉ ngành giáo dục, các trường phổ thông trên địa bàn, mà cả cấp ủy các cấp, đảng ủy khối các trường đại học, cao đẳng và đoàn thanh niên các cấp đều phải vào cuộc, đặt chỉ tiêu cụ thể và có giải pháp thực hiện. Về vấn đề này, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong chỉ đạo, các trung tâm bồi dưỡng chính trị quận, huyện, thị xã mỗi năm cần mở ít nhất hai lớp bồi dưỡng nhận thức về đảng cho học sinh theo yêu cầu của các trường trung học phổ thông. Bên cạnh đó, các trường có kế hoạch tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng cho học sinh.
Các tổ chức đảng, nhà trường không hạ thấp tiêu chuẩn, song cũng linh động, không quá khắt khe, mà tạo cơ hội cho các em học sinh có điều kiện và mong muốn được tham gia, trên cơ sở đó lựa chọn, bồi dưỡng và kết nạp được những đảng viên trẻ có sức hút, có khát vọng cống hiến trong thế hệ trẻ.