Những năm qua, y tế tuyến cơ sở đã làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu của người dân, như: tham gia vệ sinh môi trường, chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em… Tuy nhiên, trong bối cảnh mô hình bệnh tật đang có nhiều thay đổi, nhất là sau đại dịch Covid-19 đòi hỏi y tế tuyến cơ sở cần được quan tâm, đầu tư nhiều hơn nữa.
Tăng khả năng tiếp cận dịch vụ khám, chữa bệnh
Việc bảo đảm cho mọi người dân được tiếp cận các dịch vụ y tế cơ bản là mục tiêu của các quốc gia trong quá trình phát triển. Ðể đạt mục tiêu đó, thời gian qua, Bộ Y tế đang triển khai nhiều giải pháp cụ thể. Theo đó, công tác cải cách thủ tục hành chính được đẩy mạnh ở tất cả các khâu nhằm giảm thời gian chờ đợi của người bệnh. Toàn hệ thống y tế đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong khám, chữa bệnh, nhất là công tác quản lý chất lượng bệnh viện; áp dụng quy trình thuận tiện nhất, giảm phiền hà, giảm yêu cầu thủ tục với người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế… Ðến nay, bệnh viện ở các tuyến, kể cả tuyến huyện sau khi áp dụng bộ 83 tiêu chí đã có sự cải thiện chất lượng khám, chữa bệnh một cách rõ rệt và ngày càng tăng lên. Theo kết quả đánh giá 1.400 bệnh viện trên toàn quốc, điểm trung bình chất lượng bệnh viện ở mức 3,19 (thang điểm 5), trong đó bệnh viện tuyến quận, huyện đạt mức 3,02, con số này thể hiện khoảng cách về chất lượng bệnh viện tuyến dưới đang thu hẹp dần với bệnh viện tuyến trên.
Thời gian qua, ngành y tế cũng tích cực triển khai Ðề án "Khám, chữa bệnh từ xa" giai đoạn 2020-2025 với nhiều thay đổi về phương thức chỉ đạo tuyến. Các thầy thuốc tuyến trên cùng đồng hành với tuyến dưới theo "đội hình 1-4-4-2", nghĩa là một thầy thuốc tuyến trên kết nối, chia sẻ, hướng dẫn cho bốn thầy thuốc tuyến tỉnh, bốn thầy thuốc tuyến huyện và hai thầy thuốc tuyến xã; đồng thời tạo ra các nhóm làm việc theo từng chuyên khoa, tăng cường học hỏi, trao đổi kiến thức. Phương pháp này không chỉ tăng cường đội ngũ bác sĩ cho tuyến dưới mà còn góp phần đẩy mạnh việc nâng cao chất lượng chuyên môn, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân. Ðến nay, có 32 bệnh viện tuyến trên tham gia đề án, trong đó có 25 bệnh viện tổ chức trung tâm khám, chữa bệnh từ xa (chiếm 78%) và thực hiện các cuộc hội chẩn thường quy. Qua số liệu tổng hợp được thì có hơn 10 nghìn ca bệnh và 1.794 buổi hội chẩn đã được diễn ra kết nối hơn 6.000 đầu cầu; 655 ca bệnh nguy kịch đã được cứu sống nhờ hệ thống khám, chữa bệnh từ xa.
Ở tuyến dưới, mặc dù chất lượng dịch vụ y tế hạn chế hơn so với tuyến trên, tuy nhiên, sau khi triển khai Ðề án "Khám, chữa bệnh từ xa", đã có 1.500 bệnh viện tuyến dưới thực hiện kết nối vào mạng lưới qua hệ thống Viettel; hơn 4.000 nhân viên y tế tuyến trên và hơn 15 nghìn nhân viên y tế tại tuyến dưới đã được kết nối, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao kỹ thuật, hỗ trợ nhau trong công tác khám, chữa bệnh và tư vấn. Các cơ sở y tế tuyến dưới đã được hỗ trợ chuyên môn thường kỳ và đột xuất từ các bệnh viện tuyến trên dựa trên nền tảng công nghệ thông tin; góp phần phòng, chống dịch bệnh, giảm tình trạng quá tải cho bệnh viện tuyến trên; nâng cao chất lượng, hiệu quả khám, chữa bệnh và sự hài lòng của người dân. Ngoài những ca hội chẩn thông thường, các ca hội chẩn trực tuyến, cấp cứu trực tuyến với các ca bệnh thuộc nhiều chuyên khoa khác nhau cũng liên tục được triển khai đã góp phần cứu được rất nhiều bệnh nhân ở tuyến dưới một cách kịp thời, hiệu quả. Các đầu cầu đều sẵn sàng hỗ trợ tại bất kỳ thời điểm nào trong ngày, điều này cho thấy tiếp cận với dịch vụ y tế của người dân đã được cải thiện đáng kể, tăng cơ hội cho rất nhiều người mắc bệnh nặng và trước đây gặp khó khăn để cứu chữa.
Tiếp tục bổ sung trang thiết bị y tế, thuốc, nhân lực
Bộ Y tế nêu rõ, việc đầu tư nâng cấp, nâng cao năng lực cho y tế cơ sở, y tế dự phòng trước hết thuộc trách nhiệm của chính quyền địa phương theo các chính sách của Ðảng, Nhà nước và hướng dẫn của Bộ Y tế. Tuy nhiên, bộ sẽ đồng hành cùng các tỉnh, thành phố trong việc huy động các nguồn vốn hợp pháp để phát triển mạng lưới y tế cơ sở, y tế dự phòng. Bảo đảm đủ nhân lực, nguồn tài chính cho hoạt động y tế cơ sở; xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách, chế độ để thu hút nhân lực làm việc tại tuyến cơ sở.
Ngày 30/1/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội. Theo đó, Chương trình có phân bổ gần 14 nghìn tỷ đồng cho ngành y tế để xây mới, cải tạo, nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng, trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh, nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh tại các viện nghiên cứu bệnh viện cấp trung ương gắn với đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực y tế, sản xuất vắc-xin trong nước, thuốc điều trị Covid-19. Bộ Y tế đã tổng hợp nhu cầu của các địa phương, đơn vị và báo cáo cấp có thẩm quyền để thực hiện phân bổ nguồn lực chương trình. Ngoài ra, Bộ Y tế cũng đã đề xuất Chính phủ triển khai các nguồn lực đầu tư từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025; tiếp tục triển khai các dự án đầu tư cho y tế cơ sở từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển châu Á…
Bên cạnh tiếp tục huy động các nguồn lực đầu tư cho y tế cơ sở, y tế dự phòng, thời gian tới, Bộ Y tế sẽ sắp xếp, cơ cấu lại tổ chức bộ máy của y tế cơ sở theo hướng không theo địa bàn hành chính mà theo cụm dân cư để người dân dễ tiếp cận hơn. Xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành chế độ tiền lương, phụ cấp chế độ, đãi ngộ thỏa đáng cho cán bộ y tế ở cơ sở. Ðồng thời, tăng cường nhân lực cho bệnh viện, trung tâm y tế tuyến huyện, trạm y tế xã nhất là vùng đô thị có mật độ dân số lớn; đổi mới chương trình đào tạo chuyển giao kỹ thuật; luân phiên cán bộ từ tuyến trên cho y tế cơ sở, trong đó chú trọng các kỹ thuật, kỹ năng sơ cấp cứu điều trị hô hấp các bệnh viện thông thường; quản lý điều trị các bệnh không lây nhiễm, không để bị động, lúng túng trong tình huống dịch bệnh bùng phát.
Việc đổi mới cơ chế tài chính cũng sẽ được tập trung theo hướng tăng định mức phân bổ ngân sách cho y tế cơ sở, hoàn thiện và triển khai đầy đủ gói dịch vụ y tế cơ bản cho y tế cơ sở bảo đảm được bảo hiểm y tế thanh toán; gói dịch vụ chăm sóc sức khỏe do ngân sách nhà nước chi trả; thực hiện thanh toán bảo hiểm y tế theo định suất. Bảo đảm cung ứng đủ thuốc, vật tư cho y tế cơ sở; đẩy mạnh quản lý một số bệnh không lây nhiễm tại y tế cơ sở.
Bộ Y tế cũng sẽ cùng các bộ, ngành liên quan xây dựng chế độ, chính sách thu hút và ổn định nguồn nhân lực giúp cho đội ngũ y sĩ, bác sĩ, nhân viên y tế huyện yên tâm công tác. Hiện nay, Bộ Y tế đang phối hợp các cơ quan, đơn vị chức năng thuộc Văn phòng Chính phủ xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 56/2011/NÐ-CP của Chính phủ quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại cơ sở y tế công lập. Theo đó, nâng mức phụ cấp 100% áp dụng đối với viên chức đã được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp viên chức y tế, thường xuyên, trực tiếp làm chuyên môn y tế dự phòng; làm chuyên môn y tế tại trạm y tế xã, phường, thị trấn, phòng khám đa khoa khu vực, nhà hộ sinh, trung tâm y tế quận, huyện, thị xã… Mặt khác, tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng đối với nhân viên y tế, bố trí, sử dụng nhân lực hợp lý, trong đó ưu tiên cho những lĩnh vực khó khăn và cho y tế cơ sở. Chỉ đạo người đứng đầu các đơn vị sự nghiệp tạo dựng môi trường làm việc thân thiện, công khai, minh bạch, dân chủ, xây dựng văn hóa công sở tạo điều kiện cho nhân viên y tế gắn bó, tự hào về nghề nghiệp và tự hào về đơn vị công tác...