Quan tâm giúp đỡ trẻ em vùng cao

Những ngày này, các tỉnh miền bắc vẫn chìm sâu trong giá rét, những chuyến xe chở đầy quần áo ấm, chăn ấm, bánh kẹo, tất, ủng... của các tổ chức từ thiện, của các nhóm thanh niên tình nguyện đang lên các huyện, xã vùng cao các tỉnh miền núi để chia sẻ những khó khăn với đồng bào dân tộc, đặc biệt là trẻ em nghèo vùng cao. Trong hai ngày 30 và 31-12, đại diện Văn phòng Chủ tịch nước cùng Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam tổ chức thăm và tặng quà Tết cho những trẻ em nghèo khó khăn vùng dân tộc thiểu số của hai tỉnh Lào Cai và Lai Châu. Đây là hai trong số nhiều tỉnh miền núi phía bắc đang phải chịu ảnh hưởng và thiệt hại nặng nề do đợt rét đậm, rét hại kéo dài g&acir

Hơn 1.100 trẻ em vùng dân tộc thiểu số của xã Y Tý, huyện Bát Xát (Lào Cai) và gần 300 trẻ em của Trường Phăng Xô Lin, huyện Sìn Hồ (Lai Châu) đã nhận được những món quà là quần áo ấm, tất, tiền mặt, với tổng giá trị hơn 400 triệu đồng.

Những món quà tuy nhỏ, nhưng ấm áp nghĩa tình do các nhà hảo tâm trên mọi miền Tổ quốc đóng góp, đã và đang đến với trẻ em khó khăn vùng cao, để các em có thể đón Tết ấm áp và vui vẻ.

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho trẻ em, nhất là trẻ em nghèo, trẻ em vùng khó khăn, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, để các em được sống, được hòa nhập và phát triển. Vì vậy, cuộc sống của trẻ em ngày càng được cải thiện tốt hơn, các quyền của trẻ em ngày càng được quan tâm và thực hiện tốt hơn. Tuy nhiên, tình trạng trẻ em nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số bỏ học, trẻ em bị bạo lực, xâm hại, bị tai nạn thương tích, trẻ em vi phạm pháp luật, trẻ em suy dinh dưỡng, thấp còi và nhất là chăm sóc trẻ em bị nhiễm HIV vẫn cần sự quan tâm của cả cộng đồng.

Để trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc thiểu số được học tập, được vui chơi, có cơ hội phát triển bình đẳng như mọi trẻ em khác, thì không chỉ đơn giản là khẩu hiệu của một tháng hành động, là tấm lòng của các nhà hảo tâm giúp đỡ các em mỗi khi lũ lụt, thiên tai xảy ra... mà đòi hỏi chính sách thường xuyên, lâu dài, sự vào cuộc của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương trong việc thực hiện tốt các chủ trương, chính sách bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để mọi cấp, mọi ngành nhận thức sâu sắc, đề cao trách nhiệm trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho trẻ em có cơ hội phát triển. Các doanh nghiệp, doanh nhân, các nhà hảo tâm tiếp tục ủng hộ, giúp đỡ cả về vật chất và tinh thần để trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em khó khăn vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc thiểu số có điều kiện phát triển và hưởng niềm vui trọn vẹn như mọi trẻ em khác.