Những ngày cuối tháng 7/2022, người dân làng Bản Phải, Tú Mịch, huyện Lộc Bình (tỉnh Lạng Sơn) vừa khẩn trương thu hoạch lúa xuân hè, vừa chuẩn bị cấy lúa hè thu. Nhưng nhiều người trong bản vẫn tranh thủ đến hỗ trợ, giúp sức sửa chữa nhà cho gia đình anh Tàng Văn Thân. Anh Thân là con của liệt sĩ Tàng Văn Pai hy sinh trong chiến tranh bảo vệ biên giới phía bắc năm 1979.
Anh Tàng Văn Thân xúc động nói: “Ngôi nhà tôi xây cách đây 25 năm, nay đã xuống cấp. Từ giữa tháng 6 đến nay, hằng ngày cán bộ, chiến sĩ Ðồn Biên phòng Chi Ma và bà con trong bản đến giúp đỡ vận chuyển vật liệu, san nền làm đường, dọn vệ sinh quanh sau nhà. Sau hơn một tháng tu sửa, ngôi nhà đã hoàn thành với diện tích sử dụng 76m2, mái nhà được thay bằng tôn, nền lát gạch hoa, tường nhà được sơn mới... tổng giá trị ngôi nhà hơn 120 triệu đồng. Gia đình được ở trong ngôi nhà mới khang trang nên vui lắm...”.
Ðại tá Lương Mạnh Vông, Chủ nhiệm Chính trị Bộ đội Biên phòng tỉnh Lạng Sơn chia sẻ: Sáu tháng đầu năm 2022, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã xây được ba ngôi nhà tình nghĩa cho các đối tượng chính sách, trị giá hơn 300 triệu đồng. Các cán bộ, chiến sĩ tham gia hơn 200 ngày công lao động giúp san mặt bằng, vận chuyển vật liệu, xây nhà, thăm hỏi, tặng quà, khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho các đối tượng chính sách trị giá hàng trăm triệu đồng.
Theo Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Lạng Sơn Nguyễn Văn Giang, việc xây dựng và sửa chữa nhà ở của hộ người có công được tỉnh đặc biệt quan tâm. Ðến nay, trên địa bàn tỉnh không còn hộ người có công phải ở nhà tạm, nhà dột nát. Riêng trong hai năm 2021-2022, tỉnh hỗ trợ kinh phí xây nhà cho 454 hộ người có công, sửa chữa nhà cho 748 hộ với tổng kinh phí 33.120 triệu đồng. Sáu tháng đầu năm 2022, tỉnh đã hỗ trợ xây mới và sửa chữa 558 hộ, đạt 90,7% kế hoạch năm.
Chúng tôi đến thôn Làng Pẳn, xã Quang Kim, huyện Bát Xát (tỉnh Lào Cai) thăm ông Hoàng A San, dân tộc Giáy là thương binh hạng 3/4, trong căn nhà tình nghĩa được xây vững chắc, rộng rãi. Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc, ông San cùng trung đội dân quân xã Quang Kim chốt chặn ở ngã ba An Quang, chiến đấu dũng cảm và bị thương cả hai chân, mất 41% sức khỏe. Trước đó, vợ chồng ông ở trong ngôi nhà gỗ chật chội, ẩm thấp, sức khỏe giảm sút, thu nhập không ổn định. Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Bát Xát phối hợp chính quyền xã Quang Kim huy động nguồn ngân sách và xã hội hóa xây dựng căn nhà tình nghĩa rộng hơn 50m2, chắc chắn và thoáng đãng, tặng vợ chồng thương binh Hoàng A San ngay trên nền đất ngôi nhà cũ. “Có căn nhà xây vững chắc, rộng thoáng, gia đình yên tâm không lo lũ ống, sạt lở đất vào mùa mưa. Vợ chồng tôi tập trung sản xuất, chăn nuôi cùng với chế độ của Nhà nước, cuộc sống bảo đảm, sức khỏe tốt hơn”-ông San chia sẻ. Huyện Bát Xát hiện có 1.069 người có công, thân nhân người có công với cách mạng, trong đó 329 người là dân tộc thiểu số. Ðến nay, huyện đã hỗ trợ 37 gia đình chính sách là người dân tộc thiểu số xây mới hoặc sửa chữa, nâng cấp nhà ở kiên cố.
Ở nhiều địa phương xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu, tích cực đóng góp cho phong trào đền ơn đáp nghĩa. Ðiển hình như cựu chiến binh Ðồng Quang Hưng, nguyên là Chánh Thanh tra tỉnh Yên Bái, từng tham gia chiến đấu tại chiến trường Tây Nguyên, sau đó qua Campuchia làm nhiệm vụ quốc tế. Thấy hoàn cảnh ông Lê Hồng Cương, phường Ðồng Tâm, thành phố Yên Bái là cựu chiến binh tham gia bảo vệ biên giới phía bắc, do di chứng bệnh bại não, bị liệt hai chân phải đi lại bằng xe lăn, ông Hưng đã vận động các tổ chức thiện nguyện quyên góp gần 60 triệu đồng, xây dựng nhà cấp 4, diện tích hơn 70m2, giúp cựu chiến binh Cương có nơi ở mới. Với tinh thần vì đồng đội, ông Hưng đã vận động quyên góp được hơn 1,3 tỷ đồng, phối hợp chính quyền địa phương xây dựng, tặng 52 nhà tình nghĩa, tặng 75 xe lăn, giúp các đối tượng yếu thế cải thiện cuộc sống.
Kinh tế-xã hội các tỉnh miền núi phía bắc còn hạn chế, thu nhập của người dân nhìn chung còn thấp và thiếu ổn định, trong đó các gia đình chính sách còn nhiều khó khăn. Vì vậy, cấp ủy, chính quyền các địa phương không chỉ quan tâm giúp gia đình chính sách kiên cố hóa nhà ở, mà còn chú trọng đào tạo nghề cho họ.
Ðến huyện Yên Bình (tỉnh Yên Bái) dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ, chúng tôi gặp Bí thư Huyện ủy An Hoàng Linh vừa đi kiểm tra việc duy tu, nâng cấp, tôn tạo nghĩa trang liệt sĩ huyện, lại về xã Phú Thịnh thăm, tặng quà gia đình chính sách và người có công. Trong ngôi nhà xây nằm dưới tán bưởi xanh mát, bà Hoàng Thị Ðức, vui mừng khi được Bí thư Huyện ủy trực tiếp đến trao quà của Chủ tịch nước. Bà Ðức đã ngoài 80 tuổi, đang nuôi dưỡng em gái là Hoàng Thị Ðạt, bị tâm thần phân liệt. Bà Ðức là vợ liệt sĩ Mai Văn Thụ, nhập ngũ năm 1964, hy sinh năm 1968, nhưng đến năm 1972 bà mới nhận được giấy báo tử của chồng. Bà ở vậy, thờ chồng nuôi con gái trưởng thành. Gia đình bà có thu nhập thường xuyên từ chăn nuôi gia cầm và trồng bưởi, cuộc sống ổn định. Hiện, huyện Yên Bình có 742 liệt sĩ, 481 thương binh, 251 bệnh binh, 101 người bị nhiễm chất độc hóa học, một Mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống...
Chị Lò Mùi San ở thôn Tả Trang, xã Quang Kim, huyện Bát Xát (tỉnh Lào Cai) là con dâu của ông Bùi Văn Quyến, người có công với cách mạng. Chị San được xã giới thiệu và tài trợ học nghề sản xuất nông nghiệp tại Trung tâm giáo dục nghề nghiệp huyện Bát Xát. Ðược trang bị kiến thức, kỹ năng thực hành sản xuất, chị tự tin phát triển kinh tế trang trại, nuôi bò, thả cá, trồng quế, trở thành hộ sản xuất giỏi của xã, đời sống vật chất và tinh thần ngày càng cao. Những năm qua, huyện Bát Xát chú trọng đào tạo nghề, tạo việc làm cho các đối tượng người có công, gia đình chính sách là người dân tộc thiểu số ở địa phương. Huyện đã mở 127 lớp đào tạo nghề, với 4.218 học viên, ưu tiên dạy nghề và tạo việc làm cho con em người có công, gia đình thương binh, thân nhân liệt sĩ là người dân tộc thiểu số.
Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Lào Cai Ðinh Văn Thơ cho biết, từ năm 2017 đến nay, tỉnh đã hỗ trợ làm mới nhà ở cho 216 hộ gia đình chính sách, trong đó có hơn 180 nhà cho hộ gia đình chính sách là người dân tộc thiểu số. Ðể tạo nguồn kinh phí xã hội hóa, hằng năm Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh tổ chức ngày vận động, ủng hộ “Quỹ đền ơn đáp nghĩa” được truyền hình trực tiếp tại địa phương, thu hút đông đảo cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và cá nhân ủng hộ kinh phí. Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị, đoàn thể trong tỉnh vận động cán bộ, công chức, hội viên ủng hộ ngày lương vào “Quỹ đền ơn đáp nghĩa” để làm nhà ở kiên cố, an toàn cho gia đình chính sách ở địa phương.