Lễ hội còn nhiều bất cập
Theo thống kê của Bộ VH-TT&DL thì cả nước có 7.966 lễ hội. Trong đó lễ hội dân gian là 7.039; Còn lại là các lễ hội mang tính chất tôn giáo, lễ hội lịch sử cách mạng và lễ hội mang tính chất du nhập từ nước ngoài về. Nhiều lễ hội kéo dài trong nhiều tháng thu hút được hàng triệu du khách như lễ hội Chùa Hương, lễ hội Yên Tử, Chùa Bà, Phủ Giầy… |
Theo các nhà quản lý, tiềm năng về lễ hội đây là một ưu thế về văn hóa du lịch của Việt Nam. Thế nhưng, mặc dù Quy chế tổ chức lễ hội đã được ban hành từ năm 2001 và đã được phần lớn các địa phương phân cấp quản lý song tình hình mất trật tự, vệ sinh, bắt chẹt, nâng giá dịch vụ đối với khách hành hương vẫn diễn ra phổ biến từ nhiều năm nay mà chưa có cách chấn chỉnh hữu hiệu.
Theo ông Vũ Xuân Thành, Chánh Thanh tra Bộ VH-TT&DL, năm nay, do công tác tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện quy chế lễ hội, giữ gìn sự tôn nghiêm nơi thờ tự chưa thường xuyên nên tại nhiều lễ hội, điểm di tích được xếp hạng cấp quốc gia như Chùa Đồng- Yên Tử, đền Trần Nam Định, chùa Hương… hiện tượng lợi dụng các trò chơi dân gian như chọi gà, đua thuyền, cờ tướng để cá độ, ăn tiền, xin xăm, sóc thẻ, hành nghề mê tín dị đoan vẫn xẩy ra. Một số dấu hiệu manh nha của việc quay trở lại của nạn “đền giả”, “chùa giả” cũng đã xuất hiện trở lại như việc treo biển giả tại suối Giải Oan, suối Tiên tại khu danh thắng Hương Sơn.
Bên cạnh đó, hiện tượng ứng xử thiếu văn hóa như chen lấn, tranh giành chỗ khi hành lễ, rải tiền lẻ khắp các đền, chùa, gài vào gốc cây, cài vào tay tượng, thậm chí thả xuống ga cáp treo, giếng nước, đặt thùng công đức tùy tiện trong nơi thờ tự… xẩy ra phổ biến khiến không gian thờ tự trở nên nhếch nhác, gây phản cảm, ảnh hưởng đến giá trị tốt đẹp của lễ hội.
Thậm chí nhiều nơi có hiện tượng coi lễ hội di tích là nguồn lợi riêng dẫn tới việc nhà chùa, thủ nhang tự ý sửa đền, chùa đã được xếp hạng di tích lịch sử, mua sắm đồ thờ tự, tượng phật đưa vào di tích làm biến dạng di tích, xây dựng trái phép khu vực cần bảo vệ nghiêm ngặt của di tích Đền Bà Chúa Kho, Chùa Tiêu, Bắc Ninh; lăng mẫu Chúa Liễu Hạnh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định; Đền Tiên La, Đền Trần, chùa Thượng Liệt, Thái Bình… cũng đang gây nhức nhối dư luận.
Quản lý tiền “công đức”, “giọt dầu” bằng văn bản pháp quy?
Theo thanh tra Bộ, sở dĩ các tình trạng biến tướng, gây ảnh hưởng tới lễ hội, di tích một phần cũng bắt nguồn từ chính nguyên nhân là chưa quản lý được các nguồn thu chi từ lễ hội và di tích, đặc biệt là nguồn thu từ tiền tài trợ của các nhà hảo tâm, tiền công đức, tiền cung tiến… Hiện nay, mỗi địa phương áp dụng một kiểu quản lý khác nhau đối với nguồn thu này. Nơi thì BQL (BQL) di tích quản lý, nơi thì Sở VH-TT&DL, hội Phật giáo, nhiều nơi thì việc quản lý, tiếp nhận chi tiêu tiền công đức được giao cho thủ nhang, thủ đền quản lý… Vì thế, nguồn tiền này gần như không thể kiểm soát được.
Ông Nguyễn Văn Nha, Phó chủ tịch UBND huyện Vụ Bản, nằm trong BQL Phủ Giầy khẳng định “Không thể quản lý được tiền công đức”. Biện giải cho lý do này, ông Nha cho biết, UBND huyện thành lập BQL di tích sử văn hóa Phủ Giầy nhưng có danh mà không có thực bởi vì bao nhiêu người công đức thì bấy nhiêu người chỉ đưa tâm đến Thủ nhang mà không cần phiếu công đức. Có trường hợp công đức hàng tỷ đồng để duy tu sửa chữa các đệ tứ, đệ nhất… song họ chỉ làm việc với thủ nhang. Nếu BQL đứng ra thu tiền, ghi phiếu thì số tiền công đức của khách cũng chỉ 50.000 100.000 đồng mà thôi. Đây cũng là vấn đề nan giải đối với phần lớn các khu di tích, thắng cảnh nổi tiếng hiện nay.
Mặc dù được đánh giá là xây dựng mô hình quản lý tiền công đức khá minh bạch song BQL khu danh thắng Yên Tử, Đền Hùng, Côn Sơn- Kiếp Bạc vẫn thừa nhận là rất lúng túng với việc nguồn thu từ tiền “giọt dầu”. Chính do không quản lý được số tiền cúng tiến nên cũng dẫn tới tình trạng tu sử di tích còn tùy tiện nhất nhất là tại các di tích do các thủ nhang, thủ đền đứng ra trông nom. Thậm chí nhiều nơi còn xẩy ra tình trạng gia đình hóa di tích, di tích hóa gia đình…
Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Hoàng Tuấn Anh đã yêu cầu các đơn vị liên quan khẩn trương đề xuất các phương án, quản lý các nguồn thu, chi từ lễ hội, đặc biệt là nguồn thu từ tiền công đức, cung tiến để đảm bảo sự minh bạch và sử dụng có hiệu quả các nguồn thu nói trên phục vụ di tích. Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh nhấn mạnh, ở những nơi linh thiêng như đền chùa mà tồn tại tiêu cực là điều không chấp nhận được. Bộ trưởng yêu cầu ngoài việc rà soát lại các quy định hiện hành liên quan tới lễ hội cần xây dựng quy chế sử dụng tiền công đức, “giọt dầu” để đảm bảo công khai minh bạch.
Bên cạnh đó, cũng phải nghiên cứu và đưa ra nhưng quy định cụ thể như: không được đặt tiền lễ, không được rải tiền lẻ tràn lan, mỗi di tích bao nhiêu hòm công đức là đủ. Mỗi năm, các địa phương cần công bố công khai số tiền thu được từ sự đóng góp công đức của người dân bao nhiêu, sử dụng như thế nào… để người dân được biết. Bộ trưởng khẳng định, không thể tiếp tục để tình trạng nguồn thu được từ sự đóng góp thiện tâm của người dân không được đầu tư đúng chỗ. Bên cạnh đó, Bộ VH-TT&DL sẽ kiến nghị Bộ Tài chính xây dựng Thông tư liên tịch hướng dẫn quản lý và sử dụng các nguồn thu này từ lễ hội và di tích để đảm bảo mục tiêu xã hội hóa của lễ hội được thực hiện đúng.