Quản lý thị trường trò chơi điện tử

Với rất nhiều tiềm năng, trò chơi điện tử, đặc biệt là trò chơi điện tử trực tuyến được kỳ vọng trở thành một ngành công nghiệp không khói mới của Việt Nam. Tuy nhiên, để đáp ứng được kỳ vọng, lĩnh vực này cần phá bỏ nhiều rào cản, nhất là trong vấn đề quản lý, phát hành.
0:00 / 0:00
0:00
Ảnh minh họa. (Nguồn: Báo điện tử Chính phủ)
Ảnh minh họa. (Nguồn: Báo điện tử Chính phủ)

Việt Nam hiện có khoảng 28,4 triệu người chơi điện tử (game) và doanh thu từ ngành game năm 2021 ước tính đạt 665 triệu USD. Có thể thấy, game đang là một trong những lĩnh vực phát triển nhanh chóng với những đóng góp ấn tượng về mặt doanh thu vào quá trình phát triển kinh tế số.

Theo thống kê của Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông), 50% tựa game mobile được chơi nhiều nhất có nguồn gốc từ Việt Nam; 5/10 game studio hàng đầu châu Á-Thái Bình Dương và Australia là của Việt Nam; 1/25 game tải trên các kho ứng dụng là của Việt Nam. Ngoài ra, Việt Nam hiện có 5 doanh nghiệp góp mặt trong danh sách các công ty game đứng đầu Đông Nam Á và Thái Bình Dương về lượt tải game trên toàn cầu.

Ngành game hiện nay không chỉ tạo ra hàng nghìn việc làm hấp dẫn mà theo ông Lê Quang Tự Do-Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử, game còn là một trong những lĩnh vực hiếm hoi của nước ta xuất khẩu được nội dung số ra thế giới. Đặc biệt, thị trường thể thao điện tử (Electronic Sports-eSports) tại Việt Nam được dự đoán sẽ đạt tốc độ tăng trưởng hằng năm là 28% trong vòng 5 năm tới, trở thành thị trường eSports có mức tăng trưởng cao nhất Đông Nam Á.

Bên cạnh nhiều tiềm năng, lĩnh vực game (nhất là game trực tuyến) cũng đối diện không ít rào cản. Chính sách và khung pháp lý vẫn có những lỗ hổng, khiến một số doanh nghiệp kinh doanh game có thể dễ dàng thực hiện các hành vi “lách luật”. Cụ thể, có tình trạng các doanh nghiệp Việt Nam hợp tác làm trung gian thanh toán cho các trò chơi không phép phát hành qua các kho ứng dụng Apple Store, Google Play...

Trong khi đó, những game không phép gây thiệt hại rất lớn về mặt doanh thu cho thị trường game Việt Nam (doanh thu từ game lậu chiếm khoảng 30% doanh thu toàn thị trường game Việt). Đồng thời, khung pháp lý hiện cũng chưa theo kịp thực tế phát triển, nhất là những xu thế công nghệ mới. Hơn nữa, các quy định hiện nay cũng chưa có các chính sách chuyên biệt để hỗ trợ sự phát triển của ngành game, nhất là game trực tuyến.

Các doanh nghiệp game tại Việt Nam vẫn đang sản xuất, phát hành trò chơi điện tử trên cơ sở hoạt động độc lập, chưa có sự gắn kết. Hơn nữa, mặc dù thị trường game trong nước phát triển mạnh mẽ nhưng lại thiếu hụt nguồn nhân lực.

Trong số game xuyên biên giới phát hành không phép trên các kho ứng dụng, không ít game có nội dung vi phạm pháp luật, nhiều game cờ bạc đổi thưởng, game bạo lực, dung tục, nhạy cảm về chính trị, về chủ quyền biển đảo, xuyên tạc lịch sử,… gây ảnh hưởng, tác động tiêu cực đến tâm lý người chơi và xã hội. Mặt khác, một bộ phận xã hội vẫn còn cái nhìn chưa thiện cảm về tác động tiêu cực của game.

Quản lý thị trường trò chơi điện tử trong bối cảnh thị trường này đang phát triển từng ngày từng giờ thật sự là một bài toán khó, đòi hỏi phải thay đổi tư duy, từng bước tháo gỡ, tiến tới phá bỏ các rào cản.

Trước tiên, cần xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách, khung pháp lý chặt chẽ, hạn chế các hành vi lách luật; kết nối các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này, nhằm nghiên cứu, đổi mới nền tảng công nghệ, tạo ra những game Việt Nam có nội dung lành mạnh, hấp dẫn; có những sân chơi, giải thi đấu chuyên nghiệp nhằm tìm ra những sản phẩm game thu hút người chơi; đẩy mạnh tuyên truyền, thay đổi góc nhìn của một bộ phận xã hội về tác động tiêu cực của game, đồng thời nâng cao ý thức sử dụng dịch vụ trò chơi điện tử trực tuyến của người dân.