Quản lý trò chơi điện tử còn lỏng lẻo và hình thức

Bạn đọc viết:

Phan Trung Kiên (quận Đống Đa, Hà Nội):

Không chỉ ở nước ta, trò chơi điện tử (game) nói chung và game online nói riêng là bài toán chưa có hồi kết ở nhiều quốc gia. Tuy nhiên, tại Việt Nam, công tác quản lý các sản phẩm game vẫn còn quá lỏng lẻo, hình thức.

Tôi từng sống và làm việc tại một số quốc gia trong khu vực châu Á và thấy rằng, chính phủ nhiều nước coi game là một trong những vấn đề ảnh hưởng trực tiếp tới sự phát triển kinh tế - xã hội, cần kiểm soát chặt chẽ. Đơn cử như tại Nhật Bản, lực lượng cảnh sát khu vực thường xuyên “đảo” qua các cửa hàng internet, giải trí công cộng. Những khách hàng chơi game chưa đủ tuổi theo quy định hoặc chơi game có hình ảnh khiêu dâm, kích động ở nơi công cộng sẽ bị truy tố trước pháp luật. Ở Trung Quốc, người chơi game online phải đăng ký hồ sơ với căn cước công dân, số điện thoại thật và phải được người chơi khác đã đăng ký thành công trước đó xác nhận đầy đủ. Hàn Quốc - một quốc gia nổi tiếng thế giới về ngành công nghiệp game online, yêu cầu tất cả các nhà phát hành và kinh doanh game phải đặt giới hạn cụ thể về thời gian sử dụng theo ngày; thiếu niên ở độ tuổi đến trường không thể chơi game trong khung giờ đi học...

Trong khi đó, ở nước ta, ngay từ khâu kiểm duyệt thì hầu hết các game chứa hình ảnh nhạy cảm, bạo lực đã không được rà soát kỹ, hoặc dán nhãn cảnh báo game 18+ chỉ để “cho có”. Các tựa game online hầu như chẳng bao giờ bị giới hạn thời gian, ngay cả một học sinh tiểu học cũng có thể đăng ký tài khoản game online rồi say sưa chơi cả ngày. Với chế tài xử phạt còn nhẹ, thiếu tính răn đe nghiêm khắc, chẳng có chủ cửa hàng game - internet công cộng nào từ bỏ lợi nhuận để nhắc nhở khách hàng chưa đủ tuổi cố tình chơi game 18+ hoặc từ chối dịch vụ khi khách hàng ngồi chơi “thâu đêm suốt sáng”. Thực trạng này đòi hỏi sự vào cuộc mạnh mẽ và quyết liệt hơn của các cấp chính quyền, cơ quan chức năng. Đừng để nghiện game trở thành một vấn nạn, gây ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống tinh thần người dân và sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.