Quản lý phim chiếu trên không gian mạng

Phim chiếu trên mạng (web drama) là thuật ngữ không còn xa lạ trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin hiện nay. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 ngày càng lan rộng với những diễn biến phức tạp, công chúng khó có thể đến rạp thưởng thức phim theo cách truyền thống mà phải nhờ vào các nền tảng trực tuyến, nên web drama đã trở thành lựa chọn của rất nhiều người.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Tuy nhiên, việc quản lý các phim chiếu trên mạng như thế nào cả về nội dung cũng như chất lượng đang là vấn đề được quan tâm, nhất là thời điểm trình Quốc hội về Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) đang đến gần.

Hiện có hàng loạt các ứng dụng để xem phim chiếu trên mạng như Netflix, Apple TV+, Prime Video, Viki, Galaxy Play, FPT Play, Zing TV, MyTVNet,... Có thể nói nhu cầu sử dụng ứng dụng xem phim chiếu trên mạng đang chiếm phần lớn lưu lượng truy cập internet tại các hộ gia đình, và điều này khiến thị trường phim chiếu trên mạng đang diễn ra ngày càng sôi động. Theo số liệu từ Bộ Thông tin và Truyền thông, tính đến tháng 11/2020, Việt Nam có khoảng 35 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ xem trực tuyến với khoảng 14 triệu thuê bao và có tổng doanh thu lên tới 9.000 tỷ đồng.

Trong đó dẫn đầu là nền tảng Netflix, có tới 200 triệu người sử dụng trên toàn thế giới, trong đó tại Việt Nam có khoảng 3,5 triệu người dùng. Các ứng dụng khác ở trong nước như FPT Play hay Galaxy Play cũng liên tục tăng trưởng, cho thấy xu thế chiếu phim trên internet đang phát triển hết sức mạnh mẽ. Chỉ với chiếc điện thoại hay máy tính kết nối mạng thì dù ở bất cứ đâu, người tiêu dùng đều có thể tiếp cận sản phẩm giải trí theo nhu cầu của mình, kể cả xem những bộ phim mới nhất, bất chấp khoảng cách biên giới, địa lý, thành thị hay nông thôn, vùng sâu, vùng xa,...

Tuy nhiên, từ góc độ quản lý văn hóa, sự nở rộ của ứng dụng chiếu phim trên mạng đang gây không ít phiền phức, nhất là khi một số quy định trong các luật liên quan đang dần trở nên lạc hậu, không còn phù hợp thực tế. Bên cạnh những bộ phim hay, chất lượng tốt, thì trên các nền tảng trực tuyến cũng xuất hiện nhan nhản các phim có nội dung thiếu lành mạnh, thậm chí vi phạm luật, lạm dụng hình ảnh bạo lực, khêu gợi, hành vi phản cảm, thậm chí chứa đựng nội dung xuyên tạc về Việt Nam,... gây ảnh hưởng xấu đến nhận thức, tâm lý người xem, nhất là giới trẻ. Câu hỏi rốt ráo cần đặt ra hiện nay là việc kiểm duyệt phim chiếu trên mạng phải giải quyết như thế nào để không bỏ lọt các phim có nội dung thiếu lành mạnh, thiếu tính nghệ thuật và thẩm mỹ, làm phương hại đến người xem?

Trước xu thế gia tăng hoạt động thỏa mãn nhu cầu giải trí bằng xem phim qua các nền tảng trực tuyến, nhiều nước đã điều chỉnh quy định kiểm duyệt phim của họ để phù hợp thực tế. Tại Hàn Quốc, từ năm 2012, các phim hay MV (music video), Game show đều phải chịu sự kiểm duyệt chặt chẽ trước khi được đăng tải trên internet. Các bộ phim sản xuất trong nước và nước ngoài đều phải qua kiểm duyệt, cấp phép của cơ quan quản lý mới được trình chiếu trên mạng.

Ngay cả các trang web hay các ứng dụng xem phim chiếu trên mạng cũng phải được Chính phủ cấp phép mới được hoạt động. Tương tự tại Trung Quốc, các phim muốn đăng tải trên mạng phải được cơ quan nhà nước cấp phép thông qua Hiệp hội dịch vụ Netcast - một cơ quan chuyên trách thuộc Chính phủ được trao quyền để kiểm duyệt, xử phạt các website có dấu hiệu vi phạm.

Thổ Nhĩ Kỳ cũng mạnh tay với Netflix - nền tảng chiếu phim mạng đông người sử dụng nhất thế giới, yêu cầu đơn vị này chặn quyền truy cập với những bộ phim có nội dung mà nước này cho là không phù hợp, không được lưu hành trong phạm vi lãnh thổ của họ. Tuy nhiên ở Việt Nam, hiện vẫn chưa có quy định cụ thể về kiểm duyệt phim chiếu trên mạng. Luật Điện ảnh năm 2006 (sửa đổi bổ sung năm 2009) mới chỉ đề cập tương đối hạn chế và có phần còn sơ sài về việc khai thác, phổ biến phim trên môi trường internet. Trong khi đó, công nghệ đang thay đổi hằng ngày, hằng giờ, đòi hỏi cách thức quản lý kiểm duyệt phim nói chung, phim chiếu trên mạng nói riêng, phải thay đổi cho phù hợp.

Sự bối rối của các đơn vị quản lý, những xử lý còn manh mún, vụn vặt chạy theo từng sự vụ như vẫn thấy lâu nay đã bộc lộ nhiều bất cập. Rõ ràng chúng ta đang đi sau thực tế, mà thực tế đó đang trực tiếp gây ra không ít hệ lụy đối với nhu cầu thưởng thức văn hóa, nghệ thuật của người dân. “Thượng vàng, hạ cám” những sản phẩm được gọi là phim đang đua chen phát hành trên nhiều nền tảng mạng mà không phải chịu một sự kiểm duyệt nào như đối với các phim chiếu rạp hay phim truyền hình.

Không ít cá nhân, tổ chức đã lợi dụng điều này, liên tiếp sản xuất và tung lên môi trường mạng sản phẩm phi nghệ thuật, nội dung phản cảm, không phù hợp thuần phong mỹ tục, vi phạm các nguyên tắc đạo đức, văn hóa, thậm chí vi phạm pháp luật nhằm thu hút sự tò mò của khán giả. Một số phim điện ảnh khi đưa lên chiếu trên mạng vẫn để nguyên những phân đoạn đã bị hội đồng kiểm duyệt cắt bỏ trước đó. Có phim vi phạm quy định về quảng cáo rượu bia. Chưa kể sự thoải mái vô tư khi lồng ghép các đoạn quảng cáo trong phim để thu lợi nhuận. Và vì chưa có quy định cụ thể trong kiểm duyệt, nên rất ít phim chiếu trên mạng thực hiện phân loại khán giả, dán nhãn các lứa tuổi phù hợp, dẫn tới sự nhộn nhạo, hỗn loạn trên môi trường mạng mà khán giả chịu ảnh hưởng nhiều nhất.

Chưa kể, việc thả nổi, không kiểm soát phim chiếu trên mạng còn tạo ra sự thiếu công bằng trong chính thị trường điện ảnh. Trong khi phim chiếu rạp chịu sự kiểm duyệt chặt chẽ của Cục Điện ảnh (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), phim truyền hình chịu sự kiểm duyệt của các đài truyền hình, thì phim chiếu trên mạng gần như không chịu một sự kiểm soát nào. Các vụ việc liên quan phim chiếu trên mạng có biểu hiện vi phạm pháp luật được xử lý gần đây, chủ yếu nhờ sự lên tiếng mạnh mẽ của cộng đồng người xem.

Cơ quan chức năng thường chỉ vào cuộc sau khi có phản ánh của khán giả. Và cho dù vấn đề có được xử lý bằng cách cấm, dỡ bỏ các phim chiếu trên mạng có nội dung không lành mạnh, thì thực tế những phim đó đã tồn tại khá lâu, thậm chí có hàng triệu lượt xem. Hơn nữa, việc xử lý của cơ quan chức năng hiện nay mới chỉ khả thi đối với các nền tảng chiếu phim tại Việt Nam, còn các phim được cung cấp trên các nền tảng xuyên biên giới, có máy chủ ở nước ngoài thì rất khó để can thiệp.

Một thực tế nữa cần nhấn mạnh, hiện nay rất khó để phân định thế nào là “phim” chiếu trên mạng. Có rất nhiều nội dung hiện đang phát trên các nền tảng trực tuyến, dù được gọi là phim, nhưng xét theo tính chất, đặc điểm thể loại thì chưa phù hợp. Trước đây, các tác phẩm điện ảnh thường được đưa lên internet sau khi đã chiếu rạp, nhưng hiện nay, không ít doanh nghiệp kinh doanh điện ảnh đã xem internet là một kênh phát hành. Mới đây, Tập đoàn truyền thông và giải trí Thiên Ngân (Galaxy Media & Entertainment) đầu tư số tiền lên tới 100 tỷ đồng để sản xuất 20 dự án phim bộ độc quyền chỉ chiếu online trên nền tảng Galaxy Play.

Như vậy doanh nghiệp xác định rõ phim mình làm ra chỉ để chiếu trên nền tảng công nghệ, không phát hành ra rạp. Và họ thỏa sức đưa bất cứ nội dung gì vào phim mà không phải chịu áp lực từ phía cơ quan quản lý. Vấn đề cần làm lúc này là phải nhanh chóng hoàn thiện các quy định mang tính pháp lý tạo ra cơ chế phân loại và kiểm duyệt chặt chẽ cho các phim sản xuất chiếu online. Các quy định cũng cần phải chi tiết, chặt chẽ, không tạo ra các kẽ hở để doanh nghiệp lạm dụng quảng cáo, trốn thuế hay đưa những nội dung phản cảm vào phim.

Thời gian qua, Cục Điện ảnh đã tổ chức các hội thảo lấy ý kiến góp ý vào Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) để sớm trình Quốc hội thông qua (dự kiến vào tháng 10/2021), trong đó đã có rất nhiều ý kiến nhấn mạnh vấn đề kiểm soát phim chiếu trên mạng, vì đây là một nội dung mới, có tính chất phức tạp. Nhiều chuyên gia đã đưa ra các phương án bổ sung vào Điều 19 của Dự thảo về phổ biến phim trên không gian mạng.

Hiện có hai phương án được đề xuất là tiền kiểm và hậu kiểm. Tiền kiểm là phim chiếu trên mạng sẽ được kiểm duyệt, cấp phép trước khi lưu hành giống như phim chiếu rạp. Song có điều bất cập là số lượng phim chiếu trên mạng rất nhiều, cơ quan chức năng khó có khả năng lập các hội đồng kiểm duyệt tương ứng. Phương án hậu kiểm nghiêng về tăng cường trách nhiệm tự kiểm soát nội dung theo Luật của nhà sản xuất, đơn vị phát hành phổ biến phim trên mạng.

Theo đó các quy định trong Luật cần phải rất chặt chẽ, yêu cầu sự cam kết cũng như tính chịu trách nhiệm của doanh nghiệp kinh doanh phim chiếu trên mạng, vì việc phổ biến phim đúng với các quy định của Luật là rất quan trọng. Dù theo phương án nào đi nữa cần phải khẳng định rằng việc đề xuất, điều chỉnh các điều khoản chặt chẽ trong Luật Điện ảnh và quy định pháp luật liên quan nhằm quản lý phim chiếu trên mạng là cần thiết, phù hợp với yêu cầu của thực tiễn hiện nay.