Những ý kiến từ Đại hội

Quản lý phát triển xã hội bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh về nhân lực, bảo đảm tiến bộ, công bằng, an sinh xã hội

(Trích tham luận của đồng chí  Đào Ngọc Dung, 
Ủy viên T.Ư Đảng khóa XIII, Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội)

Khảo sát gần đây của Ban Tuyên giáo Trung ương (báo cáo ngày 5-1-2021) về kết quả 5 năm 2016 - 2020 cho thấy niềm tin của nhân dân về chính sách xã hội, bảo đảm an sinh, chính sách người có công tỷ lệ đánh giá tốt chiếm 72%; về xóa đói, giảm nghèo, tạo việc làm tỷ lệ đánh giá tốt chiếm 68%, tăng 13 bậc.

Quản lý phát triển xã hội bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh về nhân lực, bảo đảm tiến bộ, công bằng, an sinh xã hội

Những thành quả đạt được khẳng định chủ trương, chính sách đúng đắn của Ðảng, Nhà nước và tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta; sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt, toàn diện, trực tiếp của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền; sự tham gia tích cực của nhân dân.

Trong thời gian tới, chúng ta cần tập trung xây dựng hệ thống các chính sách xã hội, theo tinh thần Nghị quyết Ðại hội XIII và cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013, phù hợp xu thế phát triển của thời đại, và các chuẩn mực quốc tế bảo đảm ứng phó với các thách thức trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay.

Các báo cáo và văn kiện Ðại hội đã đề cập đầy đủ, toàn diện về định hướng quản lý phát triển xã hội bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh về nhân lực, bảo đảm tiến bộ, công bằng, an sinh xã hội; để đạt mục tiêu phát triển bền vững, chúng tôi đề xuất một số nhiệm vụ sau:

Một là, thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng theo nguyên tắc bù đắp, cống hiến, đóng góp, hy sinh và công bằng; bảo đảm người có công và gia đình có mức sống cao hơn mức sống trung bình của dân cư trên địa bàn.

Hai là, tiếp tục thực hiện chính sách giảm nghèo bền vững tiếp cận với chuẩn nghèo đa chiều, bao trùm để hỗ trợ người dân nâng cao chất lượng cuộc sống, tích hợp chính sách giảm nghèo, giảm các chính sách hỗ trợ trực tiếp, tạo sinh kế bền vững cho người nghèo; thu hẹp khoảng cách về thu nhập, mức sống, điều kiện sống của người nghèo so với bình quân chung của cả nước; tập trung giảm nghèo bền vững vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Ba là, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trên cơ sở tiếp tục đổi mới căn bản giáo dục, đào tạo: giáo dục phổ thông chú trọng nâng cao dân trí, văn hóa đạo đức, hướng nghiệp từ xa; đào tạo đại học và giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt, trọng tâm là hiện đại hóa để đào tạo và đào tạo lại nguồn nhân lực gắn với nhu cầu của thị trường lao động và phù hợp xu hướng phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tăng cường trách nhiệm của doanh nghiệp trong đào tạo nghề; phấn đấu tăng tỷ lệ lao động có bằng, chứng chỉ lên 30% - 35 % vào năm 2025 và 40% - 45% vào năm 2030.

Bốn là, phát triển thị trường lao động cạnh tranh lành mạnh, đồng bộ, hiện đại và hội nhập; phát triển việc làm bền vững, nhất là cho thanh niên và lao động trung niên; tỷ lệ thất nghiệp thành thị dưới 4%; giảm lao động làm việc trong khu vực nông nghiệp xuống dưới 25% vào năm 2025 và dưới 20% vào năm 2030; xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ; thực hiện chính sách tiền lương gắn với năng suất lao động và hiệu quả làm việc, khuyến khích, trọng dụng nhân tài.

Năm là, xây dựng hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng, linh hoạt, hiện đại, chia sẻ và hội nhập; tăng hỗ trợ của Nhà nước để mở rộng độ bao phủ bảo hiểm xã hội tự nguyện, phấn đấu đạt tỷ lệ độ bao phủ 60% năm 2030, hướng tới bảo hiểm xã hội toàn dân. Mở rộng và duy trì bảo hiểm y tế toàn dân, nâng cao chất lượng y tế cơ sở và y tế dự phòng, đặt y tế cơ sở là nền tảng để chăm sóc sức khỏe người dân.

Sáu là, phát triển trợ giúp xã hội toàn diện, đa dạng, bao trùm, hiệu quả, phù hợp với vòng đời con người, có sự chia sẻ giữa Nhà nước, xã hội và người dân; phấn đấu nâng tỷ lệ đối tượng được trợ giúp xã hội lên 3,5% dân số vào năm 2025 và 4% vào năm 2030; phát triển và đa dạng hóa các dịch vụ trợ giúp xã hội chuyên nghiệp, nghề công tác xã hội bảo đảm nguyên tắc không để ai bị bỏ lại phía sau.

Bảy là, thực hiện hiệu quả các chương trình nhà ở xã hội, đẩy mạnh xã hội hóa nhà ở cho người di cư, người dân vùng chịu tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu; bảo đảm nước sạch cho người dân nông thôn; nâng cao chất lượng thông tin truyền thông cho vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, miền núi và hải đảo.

Ðể thực hiện tốt các nhiệm vụ nêu trên, cần quan tâm các giải pháp sau:

Thứ nhất, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt sâu rộng thể chế hóa Nghị quyết Ðại hội lần thứ XIII của Ðảng, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là người đứng đầu cơ quan, tổ chức về quản lý và phát triển xã hội.

Thứ hai, tập trung sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách xã hội toàn diện, đồng bộ, hội nhập, khả thi, khắc phục chồng chéo, trùng lặp.

Thứ ba, hiện đại hóa hệ thống quản lý đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong xây dựng và tổ chức thực hiện quản lý phát triển xã hội trên cơ sở xây dựng chính phủ kiến tạo, chính phủ số là chủ thể quản lý và phục vụ nhân dân; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để thống nhất số hóa cơ sở dữ liệu, xây dựng mã số an sinh xã hội.

Thứ tư, tăng cường nguồn lực thực hiện chính sách xã hội trên cơ sở Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, tương ứng với khả năng và điều kiện phát triển kinh tế; đồng thời có khuyến khích, phát huy sự tham gia, đóng góp của cộng đồng, doanh nghiệp và người dân; có cơ chế khuyến khích các đối tượng khó khăn, gia đình chính sách chủ động, tích cực vươn lên thoát nghèo và làm giàu, hòa nhập tốt hơn vào cộng đồng.

Thứ năm, phát triển và nâng cao chất lượng hoạt động cung cấp dịch vụ xã hội và công tác xã hội chuyên nghiệp, khuyến khích khu vực tư nhân cung cấp dịch vụ xã hội. Chủ động phản ứng chính sách trong quá trình hội nhập nhằm hạn chế rủi ro cho người dân; tranh thủ sự hỗ trợ quốc tế về kỹ thuật, kinh nghiệm, đào tạo cán bộ và tài chính.