Đến ngày 12/9, tỉnh Kiên Giang có 3.261 ca dương tính với SARS-CoV-2, phát hiện tại 15/15 huyện, thành phố trên địa bàn. Ngoài ra, tỉnh này còn có ba ổ dịch tại ba bệnh viện tuyến tỉnh là: Bệnh viện đa khoa tỉnh, Bệnh viện Ung bướu tỉnh và Bệnh viện Lao và các bệnh phổi tỉnh.
Lỏng lẻo tại các khu cách ly, điều trị
Sáng 12/9, tại TP Rạch Giá (Kiên Giang) lượng xe lưu thông trên các tuyến phố chính như: Nguyễn Trung Trực, Ba Tháng Hai, Ngô Quyền… vẫn còn khá đông. Đường Ngô Gia Tự và Trần Quang Khai nối vào chợ Tắc Ráng (phường An Hòa) cảnh mua bán nhộn nhịp.
Trên một số tuyến phố, cửa hàng, cửa hiệu vẫn mở cửa; một số gian hàng tự phát bán các mặt hàng rau củ, thịt cá, tạp hóa… mọc lên nhiều, người mua đông đúc…
Hầu hết các tuyến đường đều có chốt chặn kiểm soát giấy đi đường của người và phương tiện lưu thông. Nhiều rào chắn bán kiên cố đến kiên cố được dựng lên ở khắp các tuyến đường, ngõ hẻm với biển báo “bảo vệ vùng xanh”. Ngoài ra, toàn thành phố còn có 53 vùng phong tỏa, vùng cách ly y tế do có ca F0.
Tổng hợp từ các báo cáo cho thấy, những ngày qua, TP Rạch Giá là một trong những địa bàn có số ca mắc Covid-19 cao nhất tỉnh Kiên Giang. Bình quân, số ca dương tính với SARS-CoV-2 của TP Rạch Giá chiếm khoảng 50% tổng số ca mắc toàn tỉnh.
Đến 7 giờ ngày 12/9, tổng số ca dương tính với SARS-CoV-2 trên địa bàn TP Rạch Giá là 1.423 ca; trong đó số ca F0 đang điều trị là hơn 1.000 và hơn 1.900 F1 đang cách ly.
Theo đánh giá của Ban chỉ đạo tỉnh Kiên Giang, TP Rạch Giá đã không làm tốt công tác phòng chống dịch, đặc biệt là các biện pháp phòng dịch vẫn còn sơ hở, có tình trạng chặt ngoài, lỏng trong. Tại các khu cách ly y tế nhưng người dân vẫn qua lại giao lưu. Tại các khu cách ly tập trung vẫn còn tình trạng tụ tập “uống cà phê, tán ngẫu”.
Theo một số hình ảnh mà phóng viên thu thập được cho thấy, tại khu điều trị F0 của Bệnh viện Ung bướu tỉnh còn cảnh tụ tập đánh bài, uống rượu…
Báo cáo với Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, Nguyễn Lưu Trung thừa nhận: Ổ dịch tại Bệnh viện Ung bướu tỉnh là do những bệnh nhân (F0) là con nghiện, vi phạm pháp luật nhiều lần.
Mặc dù, tỉnh đã bố trí khu vực điều trị riêng đối với các trường hợp này và có lực lượng trực 24/24 nhưng những đối tượng này đã trèo tường, bẻ khoá trốn sang căn tin của Bệnh viện Ung bướu trò chuyện cùng các bệnh nhân điều trị ung bướu nên đã lây lan dịch bệnh.
Đến nay, ổ dịch tại Bệnh viện Ung bướu tỉnh là 125 ca F0 (không tính chung vào TP Rạch Giá).
Cũng theo ông Nguyễn Lưu Trung, TP Rạch Giá hiện đang thực hiện xét nghiệm sàng lọc và vẫn phát sinh ca nhiễm ở các khu phong toả.
“Tỉnh đã nhận thấy khuyết điểm và chấn chỉnh tăng cường thêm lực lượng công an, quân sự trong đó huy động lực lượng dân quân tự vệ tham gia để quản lý chặt chẽ các khu vực phong toả. Tiến hành di dời người dân để tiêu độc, khử trùng sau đó mới đưa dân trở lại. Sử dụng thiết bị Flycam để bay quan sát, định kỳ 3 tiếng một lần; các tổ tuyên truyền sẽ đi vào các hẻm tuyên truyền, nhắc nhở người dân thực hiện nghiêm 5K…” - ông Nguyễn Lưu Trung nói.
Ngoài TP Rạch Giá thì các huyện Hòn Đất, Kiên Lương, Giang Thành và TP Hà Tiên những ngày qua số ca dương tính với SARS-CoV-2 ngoài cộng đồng cũng tăng. Các ổ dịch của Kiên Lương, Hòn Đất xuất phát từ các doanh nghiệp, còn ổ dịch tại TP Hà Tiên khởi điểm từ chợ Hà Tiên.
Ông Nguyễn Lưu Trung cho biết, nguồn lây virus SARS-CoV-2 của các địa phương này là từ lái xe chở hàng cho các doanh nghiệp và khâu giao nhận hàng của các doanh nghiệp hoạt động sản xuất 3 tại chỗ.
Qua đây cho thấy đã có sự sơ hở, quản lý lỏng lẻo của các địa phương trong công tác phòng chống dịch. Điển hình như ổ dịch tại Công ty TNHH MTV Anh Ánh Kim tại xã Dương Hòa, huyện Kiên Lương bùng phát ngày 29/8, đã có hơn 100 ca dương tính liên quan.
Đây là doanh nghiệp sơ chế thủy sản đăng ký hoạt động theo mô hình “3 tại chỗ”, nhưng thời điểm kiểm tra về phòng chống dịch của chính quyền địa phương gần nhất là ngày 21/7. Doanh nghiệp này đã nhận thêm người vào làm trước 5 ngày dịch bùng phát.
Đối với các ổ dịch tại huyện Hòn Đất, Ban chỉ đạo tỉnh xác định nguồn lây là do lái xe chở hàng cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong thời điểm bùng phát dịch bệnh, toàn tỉnh Kiên Giang đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ thì liệu các doanh nghiệp này có được hoạt động, nếu không theo mô hình “3 tại chỗ” hoặc “một cung đường 2 điểm đến”…
Chưa xử lý trách nhiệm tổ chức, cá nhân
Theo Ban chỉ đạo tỉnh, qua hai đợt xét nghiệm sàng lọc, toàn tỉnh đã ghi nhận 693 ca F0. Trong đó, xét nghiệm lần 1 ghi nhận 233 ca dương tính SARS-CoV-2 trong tổng số 522.574 người được lấy mẫu, tỷ lệ phát hiện F0 là 0,044%.
Xét nghiệm đợt 2 ghi nhận 460 ca F0, trên tổng số 522.547 người được lấy mẫu, tỷ lệ phát hiện F0 là 0,069%. Hiện nay, Kiên Giang đang tiến hành lấy mẫu xét nghiệm và chờ kết quả xét nghiệm lần thứ 3.
Hiện công tác xét nghiệm sàng lọc của Kiên Giang đang bộc lộ những yếu kém cùng với những khó khăn nội tại dẫn đến tốc độ xét nghiệm không theo kịp tốt độ lây nhiễm.
Theo Giám đốc Sở Y tế Kiên Giang, Hà Văn Phúc: Công tác lấy mẫu không bảo đảm số lượng theo kế hoạch, tiến độ thực hiện còn chậm, chất lượng mẫu chưa cao; việc xét nghiệm trả kết quả chậm gây khó khăn trong đánh giá mức độ nguy cơ.
Theo đó quy trình nhập liệu chủ yếu bằng phương pháp thủ công, phải huy động cùng một lúc nhiều nhân lực cho công tác này, nên không bảo đảm công tác phòng chống dịch.
Ngoài ra, tỉnh Kiên Giang cũng đang gặp khó khăn trong việc kiểm soát nguồn lây từ bên ngoài vào, nhất là đối với lực lượng lái xe vận tải đường dài và thiếu kiểm tra, giám sát tại các điểm giao nhận hàng.
Vẫn còn tình trạng người dân trở về từ vùng dịch không khai báo, nên tiềm ẩn nguy cơ tạo ra các ổ dịch ngoài cộng đồng. Nhiều địa phương thực hiện giãn cách theo Chỉ thị l6 không nghiêm; trong khi chưa kiểm tra, giám sát xử lý trách nhiệm của chủ doanh nghiệp, trách nhiệm người đứng đầu chính quyền địa phương để xảy ra dịch bùng phát, lan rộng...
Ban chỉ đạo tỉnh cho rằng, vẫn còn tình trạng một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa xác định nhiệm vụ phòng chống dịch là trọng tâm, là số một trong thời điểm hiện tại nên chưa huy động sự vào cuộc của hệ thống chính trị; chưa xây dựng hoặc có xây dựng kịch bản ứng phó cho các tình huống, nhưng chậm điều chỉnh, không sát với thực tế và diễn biến tình hình, chưa có sự chuẩn bị tốt phương châm “4 tại chỗ”.
Bên cạnh đó, công tác kiểm tra giám sát các phương án hoạt động an toàn phòng chống dịch ở một số huyện, thành phố chưa thực hiện thường xuyên, còn buông lỏng; chỉ chú trọng đề ra các quy định kiểm soát việc đi lại chứ chưa tập trung vào các khâu dễ gây lây nhiễm dịch bệnh. Vai trò, hiệu quả hoạt động của Tổ Covid cộng đồng, Tổ Nhân dân tự quản chưa được phát huy đúng mức ở một số nơi…