Việt Nam sở hữu bờ biển dài hơn 3.260 km, hơn 3.000 hòn đảo lớn nhỏ, vùng biển rộng lớn đứng thứ 27 trong 157 quốc gia ven biển và các đảo quốc. Vùng biển Việt Nam có diện tích gấp ba lần diện tích đất liền, chiếm khoảng 30% diện tích Biển Đông. Vùng biển nước ta có nhiều hệ sinh thái với mức độ đa dạng sinh học cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới, bao gồm hệ sinh thái rạn san hô, thảm cỏ biển, rừng ngập mặn, đất ngập nước... Cùng với đó là các loài cá biển, chim biển, thú biển và bò sát, trong đó nhiều loài có giá trị kinh tế cao, nhiều loài quý hiếm. Khoáng sản biển cũng phong phú về chủng loại, ngoài dầu khí còn có băng cháy, sắt, ti-tan, cát thủy tinh và các loại sa khoáng khác.
Với lợi thế nêu trên, không gian biển và hải đảo của Việt Nam cung cấp một nguồn tài nguyên lớn cho sự phát triển của các ngành kinh tế, như: Du lịch và dịch vụ; hàng hải; khai thác dầu khí; nuôi trồng thủy sản; năng lượng tái tạo và các nguồn năng lượng mới. Đồng thời, có vai trò hết sức quan trọng trong việc bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại và hợp tác quốc tế của đất nước.
Theo Cục trưởng Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Nguyễn Đức Toàn, thời gian qua, Đảng, Nhà nước và Chính phủ ban hành các văn bản quan trọng, như: Luật Biển Việt Nam; Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 3/4/2023 của Chính phủ về Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050...
Đáng chú ý, ngày 28/6/2024, tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về “Quy hoạch không gian biển Quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Quy hoạch không gian biển quốc gia là công cụ quan trọng hỗ trợ công tác quản lý nhà nước về biển theo cách tiếp cận tổng hợp; là quy hoạch mang tính khung, tổng thể, tích hợp, đa ngành, động và mở, dẫn dắt; cụ thể hóa các chủ trương, định hướng của Đảng, pháp luật của Nhà nước về quản lý, khai thác và sử dụng không gian biển, nhất là Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Nghị quyết xác định, tiếp tục đầu tư xây dựng hạ tầng biển, trong đó chú trọng những lĩnh vực trọng điểm như cảng biển và giao thông kết nối cảng biển với nội địa, thông tin liên lạc biển, hạ tầng kinh tế số; phát triển mạnh các ngành kinh tế biển, nhất là kinh tế thủy sản gắn với bảo tồn biển và bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại và hợp tác quốc tế; phát triển mạnh mẽ hệ thống đô thị ven biển, đảo để tạo ra các trung tâm dịch vụ hậu cần kinh tế mạnh và thật sự trở thành động lực phát triển kinh tế-xã hội của mỗi vùng. Nghị quyết cũng nhấn mạnh việc kiểm soát và quản lý các nguồn thải và giải quyết các điểm nóng ô nhiễm môi trường trên biển, vùng đất ven biển và các đảo; phân định các khu bảo tồn, bảo vệ biển và ven biển, phục hồi các hệ sinh thái đã bị suy thoái để tăng diện tích bảo tồn, bảo vệ biển; đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; thiết lập bộ cơ sở dữ liệu số hóa về biển, đảo, bảo đảm tính tích hợp, chia sẻ và cập nhật…
Các chuyên gia lĩnh vực biển và hải đảo đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường cần phối hợp chặt chẽ các bộ, ngành liên quan trong việc tổ chức công bố công khai Quy hoạch không gian biển quốc gia theo quy định của pháp luật bằng các hình thức phù hợp với tình hình thực tế, từng nhóm đối tượng; thông tin, tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn, nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân về Quy hoạch. Bên cạnh đó, Bộ cần sớm hoàn thành phân định ranh giới quản lý hành chính đối với các địa phương có biển, đảo; tiếp tục tham mưu kiện toàn hệ thống cơ quan quản lý nhà nước tổng hợp và thống nhất về biển, đảo ở cấp Trung ương và địa phương có biển để thực hiện hiệu quả Quy hoạch không gian biển quốc gia.
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố có biển được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp Bộ Tài nguyên và Môi trường lập, điều chỉnh quy hoạch tỉnh, quy hoạch chuyên ngành, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn thuộc phạm vi quản lý, bảo đảm thống nhất, đồng bộ với Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đồng thời phối hợp các bộ, ngành và địa phương trong vùng xây dựng, triển khai các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương; tổ chức thực hiện chương trình, dự án sau quy hoạch theo phân cấp quản lý nhà nước; thực hiện việc đánh giá thực hiện Quy hoạch không gian biển quốc gia hằng năm, 5 năm theo quy định của pháp luật về quy hoạch, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét việc điều chỉnh quy hoạch kịp thời cho phù hợp với tình hình và điều kiện thực tế của địa phương mình ■