Đền Đô, còn gọi là Cổ Pháp điện hay đền Lý Bát Đế, nguyên là Thái miếu nhà Lý do Lý Thái Tổ khởi dựng vào thế kỷ 11 trên một khu đất cao, rộng, bề thế ở phía đông nam hương Cổ Pháp, nay là làng Đình Bảng (năm 2008 đã chuyển thành phường Đình Bảng thuộc thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh).
Di tích đền Đô đã bị phá hủy hoàn toàn trong kháng chiến chống thực dân Pháp (năm 1952) đến năm 1989, người dân Đình Bảng đã phục dựng trên nền đền cũ, để đáp ứng nhu cầu thờ cúng của người dân với các vị vua nhà Lý. Việc phục dựng các di tích như đền Đô được người dân tiến hành trên cơ sở cố gắng phục dựng như cũ, dựa theo những dấu tích kiến trúc còn lại như nền móng, tấm bia cổ, các bản vẽ, ảnh chụp và ký ức của người dân. Đương nhiên, việc phục dựng này sẽ vi phạm về tính chân thực của di sản. Ở đền Đô, người ta còn xây dựng nhà truyền thống để trưng bày các bức ảnh, sách vở, tài liệu về đền Đô, nhằm giới thiệu cho du khách đến tham quan, điều mà trước đây chưa có.
Đền Đô từ khi được xây dựng lại, đã thu hút ngày càng đông đảo người dân sở tại và quanh vùng đến tham gia lễ hội, cúng lễ, tham quan hằng ngày. Rõ ràng là, nếu theo các quan điểm truyền thống cho rằng độ chân thực là cốt lõi của di sản thì ở đây không phải như vậy. Nhưng nếu theo quan điểm quản lý di sản, không quá đề cao vai trò của tính chân thực và nhận diện từ những gì đã và đang diễn ra đối với thực tế ở đền Đô, có thể xác nhận: Chân thực hay không, không phải là giá trị khách quan mà nó được đo bằng trải nghiệm của cá nhân và cộng đồng, được các cá nhân và cộng đồng đồng thuận, tin theo. Và như thế di sản là quá trình sáng tạo văn hóa trong những môi trường vận động xã hội thực tại. Theo quan điểm quản lý di sản mới thì các hạng mục phụ trợ như nhà khách, nhà trưng bày hiện vật, hoặc tôn cao nền... cũng nên cho phép cộng đồng được tu sửa, miễn sao vẫn theo kiến trúc truyền thống về kiểu dáng, chất liệu xây dựng và phù hợp với cảnh quan chung của di tích. Mặt khác, việc xây dựng những hạng mục phụ trợ nêu trên vừa bảo đảm cho nhu cầu hiện tại, vừa là cách ghi dấu lại một thời đại cho các thế hệ tương lai.
Gắn với di tích vật thể bề thế trang nghiêm ấy là một lễ hội mang tầm vóc liên làng, được ra đời từ lâu, để tưởng niệm ngày Lý Thái Tổ đăng quang lên ngôi Hoàng đế. Thời gian tổ chức lễ hội xưa được tổ chức trong bốn ngày từ 14 đến 17 tháng 3 Âm lịch hằng năm. Tuy nhiên, lễ hội đền Đô hiện nay đã có một số điểm thay đổi so với truyền thống: thời gian mở hội nay chỉ còn ba ngày từ 14 đến 16 tháng 3 Âm lịch, chính hội là ngày 15; không còn tục thui trâu, không rước đủ tám kiệu như xưa, việc bầu chọn quan đám (chủ tế) xưa do các giáp trưởng cân nhắc nay do nhân dân trong phường bầu chọn; xưa giáp trưởng phải lo việc cho giáp, cho thôn trong khi làng mở hội thì nay do người đứng đầu tổ chức MTTQ và Hội Người cao tuổi phụ trách. Xưa, chi phí cho tổ chức lễ hội dựa vào một phần hoa lợi thu từ ruộng được chia cho các giáp, cấy lúa; nay mọi chi phí để tổ chức lễ hội do người dân đóng góp. Phần hội ngoài các sinh hoạt và trò chơi truyền thống còn có các trò chơi hiện đại như: cầu lông, thể dục dưỡng sinh. Công tác tổ chức lễ hội hiện nay cũng được tổ chức ngắn gọn, không quá tốn kém nhưng vẫn giữ được các nghi lễ truyền thống.
Hiện, ban tổ chức lễ hội được thành lập với số thành viên khoảng 50 người. Việc bầu ban tổ chức lễ hội do phường, thị xã hoặc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh phụ trách tùy vào tính chất lễ hội các năm. Thông thường, Chủ tịch UBND phường sẽ là Trưởng ban tổ chức lễ hội. Ban tổ chức phối hợp ban quản lý di tích để tổ chức lễ hội. Hoạt động quan trọng nhất trong lễ hội là rước kiệu. Việc tổ chức các đoàn rước do ban tổ chức lễ hội phân về cho các khu phố, dưới sự tư vấn của ban quản lý di tích. Hiện, phường Đình Bảng có 16 khu phố, các khu phố lớn thì mỗi khu phố phụ trách một kiệu, khu phố nhỏ thì ghép hai khu lo một kiệu. Công việc tổ chức lễ hội đã được các khu phố đảm nhiệm nhiều năm, có kinh nghiệm cho nên ban tổ chức lễ hội chỉ phân công xuống cho trưởng các khu phố, trưởng khu phố sẽ phụ trách chọn người, luyện tập. Gần đến ngày hội, các khu phố tập hợp lại và duyệt thử một lần sau đó bước vào hội rước chính thức. Các trưởng khu phố được yêu cầu đi cùng đoàn rước để lãnh đạo đoàn rước của khu phố mình hiệu quả.
Lễ hội đền Đô có thể được coi như một bảo tàng sống về đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân Đình Bảng - nơi tích tụ nhiều phong tục tín ngưỡng văn hóa nghệ thuật và sự kiện lịch sử quan trọng của dân tộc. Dưới góc độ quan điểm quản lý di sản, mọi sự tồn tại của di sản văn hóa cùng quá trình quản lý phải có mục đích, tạo ra những đóng góp tích cực cho sự phát triển xã hội và văn hóa nói chung. Quan điểm này khi soi chiếu vào lễ hội đền Đô cho thấy, mặc dù lễ hội đã có một số thay đổi như đã phân tích ở trên, nhưng suy cho cùng thì nó vẫn đáp ứng các nhu cầu tâm linh, tham quan, du lịch, giải trí và quan trọng là nhận được sự đồng thuận, tham gia tích cực của người dân Đình Bảng. Vì thế, sự kết hợp một cách tự nhiên, hài hòa giữa di sản văn hóa phi vật thể với di sản văn hóa vật thể, thông qua thực hành văn hóa và vai trò của cộng đồng, đã tạo ra “sức sống” cho di tích và lễ hội đền Đô trong xã hội đương đại.
Từ những trình bày nêu trên, chúng tôi cho rằng, việc quản lý, bảo vệ di tích lịch sử văn hóa và lễ hội đền Đô đã đi theo hướng của quan điểm quản lý di sản - nghĩa là đã làm cho di sản sống và phát huy được các giá trị của nó trong đời sống văn hóa - xã hội đương đại, phù hợp đời sống hiện tại, đồng thời cho thấy quá trình quản lý di sản văn hóa ở đền Đô luôn là quá trình tham gia văn hóa và xã hội, quá trình sáng tạo văn hóa của cộng đồng dân cư phường Đình Bảng - chủ thể của di sản văn hóa đền Đô hôm nay.
(*) Đầu đề là của Báo Nhân Dân.