Quản lý chặt xe khách đường dài

Từ vụ việc lái xe của nhà xe Thành Bưởi điều khiển phương tiện gây tai nạn nghiêm trọng làm chết người mới đây, Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh đã lập đoàn kiểm tra hoạt động của nhà xe này.
0:00 / 0:00
0:00
Thanh tra giao thông, Sở Giao thông vận tải phối hợp Công an phường Tam Bình, thành phố Thủ Đức kiểm tra một điểm “xe dù”có xe khách hoạt động trên Quốc lộ 1A. (Ảnh THẾ ANH)
Thanh tra giao thông, Sở Giao thông vận tải phối hợp Công an phường Tam Bình, thành phố Thủ Đức kiểm tra một điểm “xe dù”có xe khách hoạt động trên Quốc lộ 1A. (Ảnh THẾ ANH)

Nhiều vấn đề về quản lý kinh doanh vận tải loại hình xe khách, các quy định về cấp phép, xử phạt vi phạm cần chặt chẽ và nghiêm minh hơn.

Sau khi mua vé xe đi thành phố Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận), chị Phan Tâm Ly lên xe trung chuyển của nhà xe Tâm Hạnh, đường Nguyễn Cư Trinh, Quận 1 để đến bãi “tập kết” hành khách ở khu vực đường Liên Phường, thành phố Thủ Đức.

Tại đây, nhà xe chuyển toàn bộ khách sang xe khách giường nằm rồi bắt đầu hành trình đi Phan Thiết.

Tương tự, các chuyến xe của nhà xe Thành Bưởi đi tỉnh Lâm Đồng cũng đón khách tại điểm bán vé ở đường Lê Hồng Phong, Quận 5, sau đó trung chuyển ra một bến bãi “không số” trên đường Mai Chí Thọ, thành phố Thủ Đức trước khi xe khởi hành đi thành phố Đà Lạt.

Đây là hai trong số những hãng xe không đăng ký hoạt động vận tải tuyến cố định mà chạy theo hình thức hợp đồng, không chịu sự quản lý và kiểm soát từ bến xe, từ đó dễ phát sinh các vi phạm liên quan trong hành trình di chuyển…

Lãnh đạo Bến xe Miền Đông mới cho hay, gần đây, một số doanh nghiệp vận tải; trong đó có Công ty TNHH Thành Bưởi không còn hợp đồng trong Bến xe Miền Đông.

Thay vào đó, các hãng xe khách kinh doanh vận tải hành khách chuyển qua hoạt động theo loại hình hợp đồng, du lịch đón, trả khách tại các bến bãi, thuê các địa điểm để tập kết hành khách trước khi xuất phát.

Tình trạng này kéo theo hiện tượng “xe dù, bến cóc” hoạt động ngày càng nhiều, tinh vi và “trá hình”.

Thống kê của ban lãnh đạo Bến xe Miền Đông mới, tính đến tháng 9/2023 bến xe chỉ còn 55 doanh nghiệp đăng ký hoạt động, giảm sâu so với 106 doanh nghiệp đăng ký hoạt động thời điểm cuối năm 2022.

Từ đó, số lượng hành khách và lượng xe cũng giảm sút mạnh: 2.500 hành khách tương ứng với 160 xe; trong khi lượng xe ban đầu là 750 xe.

“Như vậy, 500 xe mất đi đã chuyển qua hình thức chạy hợp đồng, không vào bến cho nên sẽ không có đầu mối quản lý các phương tiện này”, đại diện Bến xe Miền Đông mới chia sẻ.

Về quy trình quản lý xe ra, vào bến, ban lãnh đạo Bến xe Miền Đông mới cho biết: Trước khi xe xuất bến sẽ có bộ phận quản lý bến hoặc bộ phận quản lý của nhà xe kiểm tra các điều kiện an toàn của phương tiện như giấy đăng kiểm, giấy phép lái xe, nồng độ cồn của tài xế.

Ngoài ra, xe sẽ có thiết bị giám sát hành trình (GPS), camera để đơn vị quản lý theo dõi hành trình, tốc độ, nhắc nhở kịp thời các vi phạm. Như vậy, xe không vào bến sẽ không trải qua các khâu kiểm tra này.

Ông Đỗ Ngọc Hải, Trưởng Phòng Quản lý Vận tải đường bộ, Sở Giao thông vận tải thành phố cho biết: Loại hình thực hiện theo hợp đồng vận tải là sự thỏa thuận giữa đơn vị kinh doanh vận tải và người thuê vận tải; các đơn vị kinh doanh vận tải được đón, trả khách tại các địa điểm đã ghi trong hợp đồng.

Khi vận chuyển hành khách, lái xe phải mang theo hợp đồng vận chuyển, danh sách hành khách (theo mẫu) và cung cấp đầy đủ các nội dung tối thiểu của hợp đồng vận chuyển đến Sở Giao thông vận tải bằng văn bản hoặc qua email trước khi vận chuyển hành khách.

Tuy nhiên, thực tế nhiều hãng xe đường dài đã “thu gom” hành khách lẻ đi một chiều tương tự như hoạt động vận tải hành khách theo tuyến cố định tại các bến xe khách, gây mất trật tự, an toàn giao thông, không bảo đảm môi trường cạnh tranh lành mạnh.

Lãnh đạo Sở Giao thông vận tải thừa nhận, một số đơn vị vận tải trong đó có Công ty TNHH Thành Bưởi đã lợi dụng khe hở của pháp luật để hoạt động đón, trả khách không đúng quy định.

Các hành vi vi phạm khó xử lý do dữ liệu thiết bị giám sát hành trình hiện tại chỉ mới xử lý được vi phạm tốc độ nhưng cũng chưa bảo đảm thời gian vì phải phụ thuộc vào kết quả xử lý thông tin dữ liệu của Cục Đường bộ Việt Nam trên phần mềm quản lý (thường có độ trễ khoảng hai tháng).

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô-tô hành khách Thành phố Hồ Chí Minh Lê Trung Tính đề nghị: Cục Đường bộ Việt Nam cần sớm nâng cấp thiết bị để khi xe chạy quá tốc độ sẽ bị cảnh báo ngay.

Dữ liệu cũng cần được liên thông với lực lượng cảnh sát giao thông địa phương để có thể ngăn chặn, xử lý kịp thời.

Hiện hay, Hệ thống giám sát hành trình đã lắp trên hàng triệu phương tiện truyền dữ liệu về Cục Đường bộ Việt Nam giám sát.

Thực tế nguồn dữ liệu này chỉ mang tính hậu kiểm, đối chiếu khi xảy ra sự cố, tai nạn…

Trước tình trạng nhiều hãng xe chạy tuyến đường dài vi phạm tốc độ khi lưu thông trên đường hàng nghìn lần so với quy định mà chỉ bị rút phù hiệu, nhiều ý kiến cho rằng, các cơ quan thẩm quyền phải xử lý nghiêm trên cơ sở luật định như: thu hồi phù hiệu, rút giấy phép đối với xe vi phạm, hoặc xử lý theo hướng tăng nặng,…

Theo Sở Giao thông vận tải, thời gian qua, Sở đã đề xuất Bộ Giao thông vận tải xem xét sửa đổi, bổ sung một số nội dung liên quan đến lĩnh vực hoạt động vận tải.

Cục Đường bộ Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải đang dự thảo lấy ý kiến sửa đổi, bổ sung các quy định, trong đó có Nghị định 10/2020/NĐ-CP ngày 17/1/2020 của Chính phủ quy định về kinh doanh, điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô-tô.

Xử phạt vi phạm hành chính về hoạt động kinh doanh vận tải khách bằng xe ô-tô, từ đầu năm 2023 đến nay, Thanh tra Sở Giao thông vận tải thành phố đã lập biên bản 2.383 trường hợp vi phạm, với số tiền xử phạt gần 3,6 tỷ đồng.

Về xử lý vi phạm qua thiết bị giám sát hành trình (GPS), trong 9 tháng đầu năm 2023, Sở Giao thông vận tải đã thu hồi 6.236 phù hiệu (biển hiệu) vi phạm tốc độ. Riêng Công ty TNHH Thành Bưởi bị thu hồi 246 phù hiệu.