Quản lý chặt việc đổi tiền lẻ, tiền mới trong dịp Tết

Đã là năm thứ năm liên tiếp, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) thực hiện chủ trương không đưa tiền mới in mệnh giá nhỏ ra lưu thông trong dịp Tết Nguyên đán. Chủ trương này ngày càng nhận được sự đồng thuận của người dân, tiết kiệm chi phí cho xã hội. Tuy nhiên, khi nhu cầu đổi tiền lẻ, tiền mới của người dân vẫn còn, thì hàng loạt dịch vụ đổi tiền “ăn” chênh lệch đang bùng nổ sôi động trên thị trường.

Quầy bán hoa quả, vàng mã thường kèm dịch vụ đổi tiền lẻ ở các lễ hội, đền chùa. Ảnh: DŨNG MINH
Quầy bán hoa quả, vàng mã thường kèm dịch vụ đổi tiền lẻ ở các lễ hội, đền chùa. Ảnh: DŨNG MINH

Mệnh giá càng nhỏ, phí đổi càng lớn

Khoảng mười ngày trước Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017 là thời điểm “hốt bạc” của dịch vụ mua bán, đổi tiền lẻ, tiền mới đang “nở rộ” trên thị trường. Nhiều năm nay, sự xuất hiện của tiền lẻ làm phương tiện thanh toán trên thị trường thưa dần. Chỉ đến khi Tết đến, Xuân về, người dân có nhu cầu sử dụng tiền mới, tiền lẻ để mừng tuổi đầu năm, hay bỏ "giọt dầu" khi đi lễ, thì dịch vụ này mới được “thổi” bùng lên. Và càng cận Tết, phí đổi càng “leo thang”.

Ngày Rằm tháng Chạp năm Bính Thân, trời mưa tầm tã, nhưng cũng không vì vậy mà tại các chùa người đi lễ kém đông hơn mọi năm. Trong vai người đổi tiền, chúng tôi liên hệ với chủ một quầy bán hoa quả, vàng mã bên ngoài cổng Phủ Tây Hồ (Hà Nội). Mức phí chênh lệch được người bán đưa ra cho mệnh giá tờ 500 đồng là 10 “ăn” 5, tức là đổi 1 triệu đồng chỉ lấy lại được 500 nghìn đồng. Mức giá này cũng được giao dịch tại nhiều nơi khác như chung quanh khu vực chùa Trấn Quốc, chùa Hà, một số địa điểm đổi tiền thuộc khu vực quận Hoàn Kiếm, Cầu Giấy,... Còn lại, với các mệnh giá cao hơn như tờ 1.000 đồng, 2.000 đồng, 5.000 đồng,... mức phí chênh lệch thấp hơn một chút từ 10 “ăn” 8, 10 “ăn” 7,... Mức chênh lệch được giao dịch theo hướng tiền mệnh giá càng thấp và tiền càng mới thì phí đổi càng cao. Riêng năm nay, nhiều địa điểm đổi tiền cho rằng với tiền mới mệnh giá 10 nghìn và 20 nghìn đồng, do nhu cầu đổi rất lớn, cho nên mức phí đổi nhiều nơi từ 20 đến 30%.

Không chỉ ngoài thị trường, hoạt động đổi tiền còn sôi động trên cả in-tơ-nét, các trang mạng xã hội,... Mức phí mà các trang mạng đưa ra cũng khá đa dạng, và phần lớn các giao dịch này đều được cam kết giao hàng tận nơi theo yêu cầu của khách hàng.

Các “tay buôn” lý giải: Lấy phí cao là do khan hiếm tiền lẻ, tiền mới trên thị trường. “Chưa kể năm nay Nhà nước làm chặt lắm, phát hiện đổi tiền là bắt và phạt ngay” - một phụ nữ sau khi thấy chúng tôi đi lại đoạn đầu phố Đinh Lễ (Hà Nội) với ánh mắt tìm kiếm, đã “bắt sóng” và lại gần hỏi han. Một nguyên nhân quan trọng khiến tiền lẻ, tiền mới khan hiếm là do bình thường, người dân rất khó đổi tiền tại các ngân hàng thương mại (NHTM) do nguồn cung tại ngân hàng có hạn, cho nên họ phải tìm kiếm trên thị trường tự do. Chị Ngô Ngọc Bích, khách hàng VIP của một NHTM cổ phần chia sẻ: “Mọi năm cứ đến giáp Tết, nhân viên ngân hàng gọi điện hỏi mình có muốn đổi tiền mới không. Thế mà năm nay, tôi đề nghị hẳn hoi, nhân viên ngân hàng không dám hứa vì chi nhánh mà tôi đang giao dịch vẫn chưa được phân bổ tiền mệnh giá nhỏ, tiền mới về”.

1.900 tỷ đồng và sự thay đổi từ nhận thức

Từ năm 2013, NHNN thực hiện chủ trương không đưa tiền mới in mệnh giá nhỏ ra lưu thông dịp Tết Nguyên đán. Chủ trương này đã góp phần gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống, nâng cao nếp sống văn minh, bảo vệ hình ảnh đồng tiền Việt Nam; tiết kiệm chi phí xã hội và nhận được sự đồng thuận của người dân. “Dự kiến trong dịp Tết Nguyên đán 2017, NHNN sẽ tiết giảm được chi phí phát hành tiền khoảng gần 400 tỷ đồng, qua đó nâng tổng mức chi phí tiết kiệm từ khi thực hiện chủ trương này lên đến 1.900 tỷ đồng” - Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết.

Thực tế từ nhiều năm nay, tiền mệnh giá nhỏ đang ngày càng vắng bóng trong lưu thông. “Chúng tôi chủ trương không phát hành tiền mệnh giá nhỏ trong dịp Tết, chứ không có nghĩa là ngừng phát hành hoàn toàn vì nhu cầu sử dụng của người dân vẫn có. Để đáp ứng nhu cầu, ngân hàng vẫn in và cung ứng tiền mệnh giá nhỏ như bình thường từ tháng 3 sau dịp lễ hội cho đến hết tháng 11 hằng năm. Do đó có thể khẳng định, tiền lẻ vẫn đáp ứng đầy đủ cho nhu cầu thanh toán” - Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh. Nhưng qua quan sát, việc người dân sử dụng tiền mệnh giá nhỏ từ 5.000 đồng trở xuống cho mục đích thanh toán đang ngày càng giảm dần. Phần lớn thời gian trong năm, tiền mệnh giá nhỏ phải lưu trong kho, rất khó đẩy ra thị trường. Thậm chí nhiều chi nhánh ngân hàng còn phản ánh, cứ mỗi khi đưa các đơn vị trả lương hoặc chi trả cho khách hàng bằng tiền lẻ là ngân hàng bị kêu ca và bắt đổi lại bằng tiền chẵn.

Như vậy, nếu xét mục đích chính của đồng tiền như là phương tiện thanh toán trong lưu thông, thì các loại tiền mệnh giá nhỏ không được sử dụng nhiều. Phần lớn tiền mệnh giá nhỏ được người dân dùng cho các hoạt động lễ hội, tín ngưỡng. Nhưng cũng sẽ thật phản cảm nếu tại các khu vực di tích, lễ hội,... chúng ta chứng kiến hình ảnh những tờ tiền Việt Nam rải đầy các ban thờ, giắt vào các khe hở trên tượng Phật, cành cây hoặc rơi trên đất bị nhiều người giẫm lên. Đó không chỉ là hành động làm giảm giá trị của đồng tiền Việt Nam mà còn là một sự lãng phí lớn. Từ đó để thấy, việc các cơ quan quản lý và truyền thông tăng cường phối hợp tuyên truyền, vận động người dân sử dụng tiền mệnh giá nhỏ một cách hợp lý, đúng mục đích là cần thiết và phải được đẩy mạnh hơn nữa.

Cục trưởng Cục Phát hành và Kho quỹ (NHNN) Nguyễn Chí Thành cho biết: Trong dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017, NHNN tiếp tục thực hiện các biện pháp quản lý, sử dụng tiền mệnh giá nhỏ hợp lý, tiết kiệm. Theo đó, căn cứ lượng tiền mệnh giá nhỏ từ 5.000 đồng trở xuống đủ tiêu chuẩn lưu thông đang bảo quản trong kho, NHNN sẽ chuyển các chi nhánh tỉnh, thành phố để chi ra lưu thông. NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố và các tổ chức tín dụng trước, trong và sau dịp Tết Nguyên đán tiếp tục thực hiện nghiêm việc đáp ứng nhu cầu tiền mệnh giá nhỏ, không chi các loại tiền mới in còn nguyên sê-ri từ 5.000 đồng trở xuống vào lưu thông, chỉ chi các loại tiền đã qua lưu thông để đáp ứng nhu cầu thanh toán của người dân. Đồng thời, phối hợp các đơn vị liên quan kiểm tra và xử lý nghiêm trường hợp kinh doanh tiền mệnh giá nhỏ trái phép gây ảnh hưởng xấu đến tình hình lưu thông tiền tệ.

Năm nay, NHNN cũng chỉ đạo các đơn vị trong toàn ngành quán triệt đến toàn thể cán bộ, công chức, người lao động nghiêm túc, gương mẫu thực hiện chủ trương của NHNN. Nghiêm cấm cán bộ NHNN, tổ chức tín dụng lợi dụng, tiếp tay, cung cấp các loại tiền mới cho các đối tượng kinh doanh đổi tiền hưởng chênh lệch. Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố tổ chức kiểm tra việc thực hiện trên địa bàn và xử lý kỷ luật nghiêm trường hợp cán bộ vi phạm. “NHNN thường xuyên theo dõi, nắm bắt diễn biến thu chi tiền mặt và tồn quỹ tiền mặt tại các chi nhánh tỉnh, thành phố; đáp ứng đủ nhu cầu tiền mặt trong dịp Tết, kể cả trong trường hợp nếu có nhu cầu chi tiền mặt đột biến. NHNN bảo đảm cung ứng các loại tiền đủ tiêu chuẩn lưu thông để phục vụ yêu cầu thanh toán trong nền kinh tế” - Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định.

Trên thị trường năm nay, ngoài đổi tiền mệnh giá nhỏ, tiền mới, người dân còn “săn lùng” các tờ tiền lưu niệm, tiền mới, tiền lạ của thế giới. Tại một số điểm đổi tiền, tờ 2 USD mạ vàng có in hình con gà do Mỹ phát hành dịp năm mới 2017 được “rao bán” với mức giá từ 400 nghìn đến 500 nghìn đồng/bộ. Bên cạnh đó là các loại tiền không có giá trị lưu thông nhưng vẫn “hút” người mua như tiền 100 USD của Macao (Trung Quốc) in thử nghiệm hình con gà cách điệu, tờ tiền lưu niệm 100 đồng do NHNN in dịp kỷ niệm 65 năm thành lập…