Quản lý chặt chuỗi cung ứng nông sản trên thị trường

Thông tin về việc rau, củ quả từ các chợ đầu mối được "phù phép", "hô biến" thành rau VietGAP đưa vào hệ thống siêu thị đang là nỗi lo lắng của người tiêu dùng. Để ngăn chặn tình trạng này đòi hỏi cơ quan chức năng cần có giải pháp siết chặt quản lý chuỗi cung ứng nông sản tại hệ thống siêu thị nói riêng và trên thị trường nói chung.
0:00 / 0:00
0:00
Người tiêu dùng chọn mua thực phẩm tại một siêu thị ở Hà Nội. (Ảnh MINH HÀ)
Người tiêu dùng chọn mua thực phẩm tại một siêu thị ở Hà Nội. (Ảnh MINH HÀ)

Với khoảng hơn 10 triệu cư dân đang sinh sống, làm việc và học tập; hàng năm đón thêm hàng triệu du khách trong và ngoài nước tham quan, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm trên địa bàn Hà Nội là rất lớn. Tuy nhiên, theo đánh giá của ngành chức năng, nguồn cung thực phẩm tại chỗ của thành phố hiện vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu.

Lượng hàng hóa còn thiếu, hiện đang được các doanh nghiệp phân phối, siêu thị, chuỗi thực phẩm, thương lái... khai thác từ các tỉnh, thành phố khác như Sơn La, Bắc Giang, Hòa Bình, Yên Bái, Hà Giang, Hà Nam, Quảng Ninh, Lào Cai, Bình Thuận, Đồng Nai... Chính vì vậy, vấn đề quản lý, bảo đảm chất lượng nông sản tiêu thụ trên thị trường đang là vấn đề khó khăn.

Khảo sát thực tế, trên đường phố Hà Nội, dọc các con đường, gần các khu chung cư, cửa hàng gắn mác thực phẩm sạch nhan nhản khắp nơi. Với thị trường online, thực phẩm sạch được quảng cáo rầm rộ với những dòng quảng cáo thu hút khách. Do được gắn mác "sạch" nên các sản phẩm này có giá bán cao hơn từ 30-40%, thậm chí gấp đôi, gấp ba so với các sản phẩm cùng loại.

Phía bán hàng lý giải, giá cao là do mức đầu tư, chi phí sản xuất, nuôi trồng đều cao hơn so với hàng hóa bình thường. Chẳng hạn, với sản phẩm rau bắp cải, ngoài thị trường bán khoảng 10-12 nghìn đồng/kg thì trong các cửa hàng thực phẩm sạch giá dao động ở mức từ 25-30 nghìn đồng/kg; cải bó xôi ngoài thị trường bán 12-15 nghìn đồng/kg, cửa hàng rau sạch bán 25-30 nghìn đồng/kg; xà lách, rau mùi giá tại cửa hàng rau sạch cao gấp đôi so với giá bên ngoài.

Giá thịt, thủy hải sản tươi sống tại các cửa hàng thực phẩm sạch cũng cao hơn so với cửa hàng bình thường. Sườn non ngoài thị trường bán với giá khoảng 130-140 nghìn đồng/kg thì ở cửa hàng thực phẩm sạch giá sẽ là 200-220 nghìn đồng/kg.

Chị Thu Hương ở phố Nguyễn Khánh Toàn (quận Cầu Giấy) cho biết: "Do tin tưởng vào các lời quảng cáo và uy tín của doanh nghiệp, đồng thời vì lo cho sức khỏe của gia đình nên ai cũng có tâm lý chọn mua thực phẩm an toàn, thực phẩm sạch. Tôi chọn mua thực phẩm ở các cửa hàng thực phẩm sạch đã vài năm nay. Dù giá thực phẩm sạch cao hơn so với ngoài chợ, song vì tin tưởng vào "mác" thực phẩm sạch, tôi vẫn chấp nhận".

Tuy nhiên, theo chị Hương, qua vụ việc rau xanh được lấy từ chợ đầu mối gắn mác rau đạt chuẩn VietGap và tuồn vào hệ thống phân phối bán lẻ hiện đại tại Thành phố Hồ Chí Minh, đã khiến chị và nhiều người tiêu dùng mất niềm tin vào các lời rao về "rau sạch" của các doanh nghiệp. "Mất niềm tin đã đành, nhưng ai sẽ chịu trách nhiệm cho sức khỏe, quyền lợi người tiêu dùng khi mỗi ngày khách hàng đều phải bỏ ra số tiền lớn mua thực phẩm an toàn tại các hệ thống phân phối hiện đại nhưng lại nhận về là loại rau chưa chắc đã sạch"..., chị Hương bức xúc.

Theo đại diện Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), thực phẩm sạch, an toàn phải có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và đáp ứng yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng như VietGAP, GlobalGap cũng như tiêu chuẩn hữu cơ. Để đạt tiêu chuẩn VietGAP, thực phẩm sạch cần bảo đảm về kỹ thuật sản xuất khoa học, đúng chuẩn; thực phẩm không chứa các chất hóa học, chất độc hại; nguồn gốc sản phẩm rõ ràng, việc tìm kiếm nguồn gốc này phải thuận lợi...

Với GlobalGap, thực phẩm cần đáp ứng một số tiêu chí như môi trường nuôi trồng sạch sẽ; không sử dụng hóa chất độc hại; bao bì sản phẩm rõ ràng; điều kiện làm việc của người lao động tốt; quá trình kiểm tra, giám sát sản xuất được thực hiện đúng quy trình, quy củ, nghiêm túc. Tiêu chuẩn hữu cơ yêu cầu thực phẩm thỏa mãn các tiêu chí sau: Không hóa chất, không chất kích thích, không sử dụng các chất biến đổi gen, không dùng phân bón hóa học. Tuy nhiên trên thực tế, hiện rất ít đơn vị sản xuất hay cung cấp thực phẩm sạch đáp ứng được những tiêu chí trên.

Anh Quang Hưng, giám đốc một công ty chuyên cung cấp các loại nông sản huyện Đông Anh (Hà Nội) cho biết: "Mức độ "sạch" của rau, củ quả còn tùy thuộc vào quy trình trồng rau tính từ khi ươm giống và trồng (không sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc tăng trưởng), sau đó đến khâu vận chuyển, bảo quản (không sử dụng chất bảo quản, chất cấm) và cuối cùng là khâu phân phối đến tay người tiêu dùng.

Tuy nhiên, cái khó hiện nay là cơ quan chức năng không đủ khả năng, tiềm lực để kiểm tra, kiểm soát các sản phẩm rau, củ quả bày bán trên thị trường từ khâu nuôi, trồng đến khâu phân phối. Thí dụ, tại khâu nuôi trồng được kiểm soát chặt chẽ trồng bằng các sản phẩm hữu cơ, nhưng khi đến khâu bảo quản lại sử dụng chất cấm, chất bảo quản quá nhiều thì khi đến tay người tiêu dùng cũng là sản phẩm không sạch. Mặt khác, thành phố Hà Nội chỉ là nơi tiêu thụ, còn nơi trồng, cung cấp rau, củ quả lại ở địa bàn các huyện, xã lân cận cách vài chục cây số, nên việc kiểm soát thực phẩm an toàn từ khâu nuôi trồng đến tay người tiêu dùng là một bài toán khó".

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, từ sự việc trên có thể thấy, vấn đề quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm còn nhiều bất cập. Từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ đang theo kiểu nửa vời, không kiên quyết, rốt ráo, rõ ràng về trách nhiệm. Đây một trong những nguyên nhân dẫn đến nhiều cơ sở sản xuất, cá nhân... vì chạy theo lợi nhuận mà cố tình trà trộn, gắn mác thực phẩm "sạch" để hưởng chênh lệch, gây mất uy tín cho các doanh nghiệp chân chính và mất niềm tin của người tiêu dùng thời gian qua.

Để giảm đến mức thấp nhất vi phạm, kiểm soát được thực phẩm an toàn từ gốc đến ngọn, cần phải có giải pháp đồng bộ. Trước hết, cần phải phân định rõ trách nhiệm của các ngành chức năng, từ trung ương đến cơ sở trong thanh tra, kiểm tra, các khâu sản xuất, chế biến, nhập khẩu thực phẩm trước khi đưa vào lưu thông, tiêu dùng; Có sự phối hợp, tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm những vi phạm trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ thực phẩm.

Ngoài việc thay đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, theo các chuyên gia, các nhà bán lẻ cũng phải xây dựng và nâng cao nội quy nội bộ, quy trình từ khi nhập sản phẩm đến khi bán ra, để sao cho bất cứ tình huống nào xảy ra cũng quy được trách nhiệm của từng công đoạn, từng cá nhân để xử lý kịp thời, nghiêm minh.

Trong bối cảnh công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ, cần đổi mới, tăng cường nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong quản lý an toàn thực phẩm, nhanh chóng ứng dụng mạnh mẽ hơn nền tảng công nghệ số, mã vạch... để giúp người tiêu dùng truy xuất nguồn gốc, tiêu chuẩn chất lượng thực phẩm nhanh nhất.