Năm 1950, nhiều thanh niên Maroc bị buộc phải đi lính sang chiến trường Việt Nam. Họ đều xuất thân từ những tầng lớp nghèo khổ trong xã hội, phải lên đường vì miếng cơm manh áo, kiếm sống cho bản thân và gia đình. Khi những người lính Maroc đến Việt Nam cũng là lúc bùng nổ cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc tại Maroc. Trong thời gian ở Việt Nam, đất nước, con người và cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam chống thực dân Pháp dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã truyền cảm hứng cho những người lính Maroc. Phần lớn họ đã ra hàng hoặc chạy sang hàng ngũ bộ đội Việt Minh.
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, nhiều người lính Maroc đã ở lại Việt Nam, làm ăn, sinh sống dưới chân núi Ba Vì. Một nông trường được thành lập lấy tên là “Nông trường Việt Phi”, tiếp nhận hơn 300 hàng binh Bắc Phi, phần lớn là người Maroc và hơn 100 công nhân Việt Nam để khai hoang, nuôi bò sữa, trồng trọt. Những người này đã kết hôn, lập gia đình với các phụ nữ Việt Nam và sinh ra một thế hệ mang trong mình dòng máu Việt Nam và Maroc.
Để hướng về quê hương và đỡ nhớ nhà, đồng thời để thể hiện tình yêu đối với hòa bình, ghi lại một dấu ấn, một biểu tượng đẹp đẽ về quan hệ hữu nghị giữa Maroc và Việt Nam, trong thời gian từ năm 1956-1960, những người Maroc sống tại đây đã xây dựng một cổng làng theo phong cách kiến trúc Maroc gọi là “Bab Al-Maghariba”. Việt Nam và Maroc coi đây là biểu tượng của tình hữu nghị giữa hai dân tộc.
Năm 1972, Chính phủ Maroc đã đưa những cựu chiến binh Maroc và toàn bộ gia đình họ về nước, dành cho họ một vùng đất ở miền tây Maroc. Một ngôi làng Việt Nam được mọc lên. Để các bà mẹ Việt và các con hướng về quê hương, một “Cổng Việt Nam” cũng đã được xây dựng và khánh thành trọng thể năm 2022. Tại Maroc, ngôi làng Việt Nam rất được trân trọng, là cầu nối gắn kết tình hữu nghị giữa hai quốc gia.
Để gìn giữ và tăng cường tình hữu nghị giữa hai nước, năm 2017, Hội Hữu nghị Maroc-Việt Nam được thành lập. Ông El Mostafa El Ktiri, Chủ tịch Hội cho biết, Hội đang biên soạn cuốn sách viết về những điểm chung của Maroc và Việt Nam nhằm giới thiệu cho thế hệ mai sau của Maroc hiểu hơn về lịch sử hai nước.
Trước đó, ông Abdallah Saaf, Giáo sư người Maroc đã dành 7 năm đi tìm kiếm thông tin để viết cuốn sách “Chuyện Anh Mã” được Nhà xuất bản L’Harmattan của Pháp xuất bản năm 1999 về các hoạt động của ông Mohammed Ben Aomar Lahrech được Đảng Cộng sản Maroc cử sang Việt Nam để tập hợp, gây dựng phong trào vận động những người lính Maroc và Bắc Phi ra hàng quân đội Việt Minh. M.Lahrech không chỉ sát cánh chiến đấu bên những người lính Cụ Hồ mà còn có công trong việc vận động, tuyên truyền và giác ngộ chính trị để những người lính Maroc và Bắc Phi hạ vũ khí đầu hàng đi theo Việt Minh. Cuốn sách này đã được dịch sang tiếng Việt, là một tác phẩm ghi lại một phần lịch sử trong quan hệ tốt đẹp giữa Maroc và Việt Nam.
Năm 2021, Hội Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam-Maroc được thành lập và đi vào hoạt động là một bước phát triển mới trong quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa nhân dân Việt Nam và Maroc, là cầu nối thúc đẩy các hoạt động giao lưu, hợp tác trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, thương mại.
Quan hệ Việt Nam-Maroc được hình thành trong lịch sử đấu tranh chung của hai dân tộc chống chủ nghĩa thực dân, là di sản vô cùng quý báu sẽ mãi mãi được gìn giữ. Đây không chỉ là mối quan hệ mang tính nhân văn giữa Việt Nam và Maroc, mà còn là tấm gương về tình đoàn kết giữa các dân tộc bị áp bức chống chủ nghĩa thực dân.