Quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam với Trung Quốc và các nước góp phần hiện thực hóa tầm nhìn về tương lai thịnh vượng

NDO - Chuyến thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình vừa qua được dư luận quốc tế quan tâm mạnh mẽ. Nhà nghiên cứu Uch Leang, Viện Quan hệ quốc tế, Viện Hàn lâm Hoàng gia Campuchia có bài viết "Chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và tầm nhìn 2045 của Việt Nam".
0:00 / 0:00
0:00
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì lễ đón Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Phu nhân.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì lễ đón Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Phu nhân.

Bài viết đăng trên một số báo điện tử của Campuchia ngày 15/12 trích phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhân chuyến thăm Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nêu rõ, Việt Nam đề ra phương hướng, mục tiêu trở thành quốc gia phát triển đi theo chủ nghĩa xã hội vào giữa thế kỷ với việc đặt mục tiêu phát triển cụ thể cho các năm 2025, 2030 và 2045, như đã nêu tại Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam với Trung Quốc và các nước góp phần hiện thực hóa tầm nhìn về tương lai thịnh vượng ảnh 1

Nhà nghiên cứu Uch Leang (ảnh trong bài viết của tác giả).

Lãnh đạo Việt Nam khẳng định, đường lối đối ngoại nhất quán của Đảng và Nhà nước là độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển. Việt Nam là bạn, đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Việt Nam coi việc phát triển quan hệ với Trung Quốc là ưu tiên hàng đầu, là lựa chọn chiến lược, ủng hộ sự phát triển của Trung Quốc và sự đóng góp cho hòa bình và phát triển của nhân loại.

Trở lại Việt Nam sau 6 năm kể từ chuyến thăm gần đây nhất vào năm 2017, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc đã có các cuộc hội đàm với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng; có các cuộc hội kiến với Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Nhân chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Việt Nam và Trung Quốc đã ra tuyên bố chung, qua đó làm sâu sắc và nâng cao hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam-Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược.

Tuyên bố khẳng định, Việt Nam và Trung Quốc là láng giềng tốt, bạn tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt, có chế độ chính trị tương tự nhau; chia sẻ tương lai bằng sự nỗ lực phấn đấu vì hạnh phúc của nhân dân và sự thịnh vượng của dân tộc, phấn đấu vì sự nghiệp hòa bình và tiến bộ của nhân loại.

Hai bên nhất trí, việc phát triển quan hệ giữa các quốc gia phải phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế và các chuẩn mực cơ bản của quan hệ quốc tế; tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng, hợp tác cùng có lợi, tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau và tuân thủ việc giải quyết mâu thuẫn bằng biện pháp hòa bình.

Hai bên nhất trí thúc đẩy quan hệ Việt Nam-Trung Quốc bước vào một giai đoạn mới. Hai bên nhất trí phát huy tốt vai trò điều phối tổng thể của Ủy ban Chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam-Trung Quốc và tích cực thúc đẩy hợp tác, tập trung vào 6 phương hướng hợp tác lớn: Tin cậy chính trị cao hơn; Hợp tác quốc phòng-an ninh thực chất hơn; Hợp tác thực chất sâu sắc hơn; Nền tảng xã hội vững chắc hơn; Phối hợp đa phương chặt chẽ hơn và bất đồng được kiểm soát và giải quyết tốt hơn.

Bài viết cho biết, nhân chuyến thăm, hai bên đã ký 36 văn kiện hợp tác song phương giữa các bộ, cơ quan, ban, ngành, góp phần nâng cao quan hệ, hợp tác giữa hai quốc gia. Nhiều năm qua, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, còn Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong các nước ASEAN.

Thương mại song phương giữa hai nước đạt 175,6 tỷ USD vào năm ngoái, trong đó xuất khẩu của Việt Nam đạt 57,7 tỷ USD và nhập khẩu đạt 117,87 tỷ USD. Tính đến tháng10/2023, Trung Quốc đứng thứ 6 trong số 143 quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư lớn nhất vào Việt Nam, với 4.105 dự án đang hoạt động và tổng vốn đăng ký hơn 26,5 tỷ USD.

Nhờ có ưu thế trên nhiều lĩnh vực, Việt Nam cũng được nhiều hãng công nghệ lớn trên thế giới quan tâm, nghiên cứu, khảo sát để đầu tư vốn sản xuất, kinh doanh.

Đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam'', cùng với chính sách quốc phòng “4 không”, đó là: không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế, cho thấy Việt Nam luôn giữ vững lập trường muốn làm bạn, không đặt mình là kẻ thù của nước khác, vì lợi ích của người dân ở mọi quốc gia.

Sau những phân tích nêu trên, nhà nghiên cứu thuộc Viện Hàn lâm Hoàng gia Campuchia khẳng định, Tầm nhìn trở thành nước phát triển đi theo chủ nghĩa xã hội vào năm 2045 của Việt Nam có cơ sở để thành công như Nghị quyết của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam đã đề ra.