Quân đội Sudan giành lại quyền kiểm soát các địa điểm trọng yếu

Ngày 15/4, Tư lệnh quân đội Sudan, Tướng Abdel Fattah Al-Burhan, xác nhận quân đội đang kiểm soát Phủ Tổng thống, trụ sở quân đội và sân bay, sau khi đụng độ nổ ra giữa quân đội và Các lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF) - nhóm bán quân sự đầy quyền lực ở quốc gia Bắc Phi.
0:00 / 0:00
0:00
Xe quân sự trên một đường phố ở Khartoum (Sudan), ngày 15/4/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Xe quân sự trên một đường phố ở Khartoum (Sudan), ngày 15/4/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trước đó cùng ngày, RSF tuyên bố đã “kiểm soát hoàn toàn” một số khu vực trọng yếu tại thủ đô Khartoum, trong đó có Phủ Tổng thống, sau khi xảy ra giao tranh với quân đội Sudan.

Trước tình hình trên, các đảng phái chính trị ở Sudan đã kêu gọi ngừng bắn và hối thúc cộng đồng quốc tế cùng các quốc gia trong khu vực triển khai hành động khẩn cấp để ngăn chặn những cuộc giao tranh giữa quân đội và RSF.

Căng thẳng giữa quân đội Sudan và RSF đã leo thang suốt nhiều tháng nay, khiến các đảng phái chính trị ở quốc gia Bắc Phi chưa thể ký kết thỏa thuận được quốc tế ủng hộ nhằm nối lại quá trình chuyển tiếp chính phủ trong nước.

Những căng thẳng hiện tại giữa quân đội và RSF bắt nguồn từ bất đồng giữa hai bên về cách thức sáp nhập RSF vào quân đội và đơn vị nào sẽ đảm trách công tác giám sát quá trình này.

Việc sáp nhập hai lực lượng là điều kiện quan trọng trong thỏa thuận chuyển tiếp chính phủ chưa được ký kết tại Sudan.

Cơ quan Tình báo Sudan (GIS) cho rằng những hành động của RSF ở nước này là sự “nổi loạn”.

Người đứng đầu phái bộ Liên hợp quốc tại Sudan (UNITAMS) Volker Perthes ngày 15/4 đã "lên án mạnh mẽ các cuộc giao tranh vừa nổ ra ở Sudan".

Tuyên bố của UNITAMS nêu rõ: "Ông Perthes đã liên hệ với cả hai bên yêu cầu họ ngừng giao tranh ngay lập tức để bảo đảm an toàn cho người dân Sudan và tránh để Sudan rơi vào tình trạng bạo lực hơn nữa".

Trong khi đó, Đại diện cấp cao phụ trách an ninh và đối ngoại của EU Joseph Borrell kêu gọi tất cả các lực lượng chấm dứt bạo lực ở Sudan ngay lập tức và cho biết toàn bộ nhân viên EU ở Sudan đều an toàn.

Cùng ngày, Mỹ, Nga, Saudi Arabia và Ai Cập đều bày tỏ sự hết sức quan ngại trước tình hình leo thang và các cuộc đụng độ ở Sudan, đồng thời kêu gọi các bên kiềm chế và lựa chọn đối thoại để giải quyết xung đột.

Ngày 15/4, Hãng hàng không EgyptAir của Ai Cập đã ngừng các chuyến bay đến và đi từ thủ đô Khartoum của Sudan trong vòng 72 giờ sau khi xảy ra các cuộc giao tranh tại đây.

Cùng ngày, Hãng hàng không Saudi Arabian Airlines (Saudia) thông báo, một trong những chiếc máy bay Airbus của họ đã "gặp tai nạn" tại sân bay Khartoum trước khi khởi hành theo lịch trình tới Riyadh.

Chính quyền Saudi Arabia đồng thời ra thông cáo cho biết các chuyến bay đến và đi từ Sudan của nước này đã bị đình chỉ cho đến khi có thông báo tiếp theo.