Quan điểm đối ngoại của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Tuyên ngôn Độc lập

NDO -

NDĐT - Tuyên ngôn Độc lập của Chủ Tịch Hồ Chí Minh viết và trịnh trọng tuyên bố vào 14 giờ chiều 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, là một áng văn lập quốc vĩ đại, là một kiệt tác bất hủ về lý luận, về tư tưởng độc lập dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đồng thời, Tuyên ngôn Độc lập còn là bản tổng kết những giá trị to lớn của cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc của nhân dân ta - đánh bại chế độ thực dân xâm lược, lật đổ chế độ phong kiến lỗi thời, xây dựng một nước Việt Nam mới.

Tiếp cận nghiên cứu và giải mã một văn kiện có tầm cỡ xuất sắc như vậy, chúng tôi cho rằng, cần phải có nhiều thời gian với sự tham gia của nhiều lĩnh vực chuyên ngành và của nhiều nhà khoa học. Từ góc độ tìm hiểu những quan điểm đối ngoại của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bản Tuyên ngôn Độc lập, chúng tôi chỉ muốn làm rõ thêm một số nội dung đã được trình bày bản Tuyên ngôn Độc lập đã qua 70 năm thực tiễn.

Trước hết, và cũng có thể nói điểm đầu tiên được Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập đến trong bản Tuyên ngôn đó lại chính là quan điểm quốc tế hay là quan điểm đối ngoại, đó chính là quyền bình đẳng giữa các dân tộc. Để tăng tính thuyết phục, đồng thời để thể hiện sự nhận thức và quan điểm của chính mình và đòi hỏi của dân tộc Việt Nam mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết rằng: “Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Lời bất hủ ấy trong bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ. Suy rộng ra câu ấy có ý nghĩa là: “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”.

Bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791 cũng nói: “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi; và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”(1). Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh đó là lẽ phải không ai có quyền chối cãi được và phải nhận thức đầy đủ và sâu sắc điều này thì độc lập dân tộc của tất cả dân tộc trên thế giới mới được thừa nhận, mới là đương nhiên không cần bàn cãi. Nước Việt Nam phải được độc lập, dân tộc Việt Nam phải được tự do, đó phải là một “tất nhiên”, vì đó chính là quyền “Thượng đế” ban cho họ. Vậy mà, dân tộc Việt Nam phải trải qua bao hy sinh gian khổ, mất mát và thiệt thòi mới vùng lên đòi lại cái vốn có của mình – chính là dân tộc Việt Nam thực hiện mọi dân tộc đều sinh ra có “quyền bình đẳng”. Theo quan điểm Hồ Chí Minh, đó là “quyền” dân tộc Việt Nam phải được hưởng, và các quốc gia dân tộc khác phải có trách nhiệm “công nhận” quyền độc lập của dân tộc Việt Nam.

Mặt khác, theo quan điểm quốc tế của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong thế giới chúng ta đang tồn tại, có nước lớn và có nước nhỏ, có nước phát triển và nước chưa phát triển, có nước nhờ khoa học kỹ thuật và công nghệ mà vươn lên trở thành quốc gia văn minh, tiến bộ, đồng thời vẫn có những quốc gia chậm chạp kém may mắn mà vẫn là những nước lạc hậu chậm phát triển… Tôn trọng thực tế ấy chúng ta càng phải làm rõ tư tưởng Hồ Chí Minh là “mọi dân tộc đều bình đẳng” và không có sự phân biệt dân tộc lớn và dân tộc bé kể cả trong khái niệm tộc người và phạm trù quyền dân tộc tự quyết. Rất đáng tiếc, ngày nay nhiều nước thường nhầm lẫn hoặc cố tình nhầm lẫn mà lấy ý chí quốc gia thay thế tinh thần dân tộc, phủ nhận quyền của các dân tộc khác. Phá vỡ đi quyền bình đẳng vốn có của các dân tộc, gây nên những xung đột về lợi ích dân tộc, xung đột sắc tộc, xung đột về sự lựa chọn thể chế, mô hình phát triển và cả xung đột về văn hóa nữa… Chính sự mơ hồ về quyền bình đẳng giữa các dân tộc và quyền dân tộc tự quyết đã đưa thế giới đến những diễn biến tiêu cực khó lường và ẩn chứa nhiều bất ổn như hiện nay.

Hai là, trong Tuyên ngôn Độc lập còn có nội dung rất quan trọng, nhưng lại ít được đề cập, phân tích và làm sâu sắc quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đó chính là việc khẳng định vai trò của các nước lớn, đối với việc thực hiện quyền bình đẳng giữa các dân tộc mà trước hết là độc lập dân tộc. Trong bản Tuyên ngôn Độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định các nước đã dự Hội nghị Tê-hê-ran là các nước hàng đầu chống chủ nghĩa phát-xít và các nước triệu tập Hội nghị Cựu-kim-sơn, các nước thành lập Liên hợp quốc phải có trách nhiệm với nền độc lập của dân tộc Việt Nam, vì những nước lớn, có khả năng chi phối sự phát triển của thế giới hiện đại. Điều đó vừa khẳng định vai trò quốc tế của các nước lớn, trách nhiệm vụ quốc tế đối với các nước nhỏ nhằm bảo đảm sự bình đẳng giữa các dân tộc, bảo đảm cho các quốc gia kém may mắm, chậm phát triển và được thừa hưởng nền độc lập theo Hiến chương Liên hợp quốc. Được tự do phát triển tiến bộ và hòa bình.

Trong bản Tuyên ngôn Độc lập của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định và kêu gọi các nước lớn như Mỹ, Anh, Ấn Độ… hãy công nhận nền độc lập của Việt Nam, bởi vì: “Chúng tôi tin rằng, các nước đồng minh đã công nhận những nguyên tắc dân tộc bình đẳng ở các Hội nghị Tê-hê-ran và Cựu-kim-sơn, quyết không thể không công nhận quyền độc lập của dân Việt Nam”.(2) Bởi vì: “Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe đồng minh chống phát-xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do. Dân tộc đó phải được độc lập!”(3). Những lời nói mang tính kêu gọi, vừa mang tính khẳng định đó đều có cơ sở xuất phát từ tư duy triết học, từ nhận thức văn hóa và từ tính nhân văn của chính Hồ Chí Minh. Cho đến lúc viết và đọc Tuyên ngôn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có hơn 30 năm bôn ba sống, học tập, nghiên cứu và trưởng thành ở nước ngoài, mà chủ yếu là ở các nước Âu Mỹ tiên tiến, nơi con người luôn luôn được coi trọng, luôn là trung tâm tranh cử và quyết định các xu thế phát triển các quan hệ đối tác - Đó chính là vai trò nước lớn trên bàn cờ chính trị thế giới.

Có lẽ, chính vì sớm nhận thức và phát hiện ra điều đó, đồng thời, với việc phát hiện và nhận thức một cách hết sức sâu sắc về vấn đề dân tộc và độc lập dân tộc cho nên Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn cố gắng gắn liền hai vấn đề đó với nhau. Vốn là chiến sĩ tiên phong trong phong trào giải phóng dân tộc, đồng thời cũng là người am hiểu một cách sâu sắc vấn đề lợi ích dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng việc đề cao vai trò các nước lớn, gắn trách nhiệm các nước lớn đối với việc bảo vệ hòa bình, xây dựng tình hữu nghị và bảo đảm sự phát triển bình đẳng, sự hợp tác cùng có lợi giữa các quốc gia dân tộc.

Khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, mặc dù trên thực tế chúng ta giành chính quyền từ tay phát-xít Nhật - “Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị. Dân ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần 100 năm nay để gây dựng nên nước Việt Nam độc lập. Dân ta đã đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ mà lập nên chế độ cộng hòa”(4)… Thế nhưng, Hồ Chí Minh vẫn hoan nghênh và kêu gọi đồng minh vào giải giáp quân Nhật, vẫn kêu gọi toàn dân ủng hộ quân đồng minh, mặc dù vô cùng gian khổ. Điều đó khẳng định, Việt Nam đứng về phía đồng minh, khẳng định niền tin của quốc dân Việt Nam về vai trò của các nước lớn và muốn gắn nền độc lập của Việt Nam với trách nhiệm của các nước lớn và của Liên hợp quốc. Quan điểm đó còn được chứng minh một cách đầy đủ và rõ ràng hơn trong các điện thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đến Tổng thống Hoa Kỳ, Thủ tướng Anh, Thủ tướng Ấn Độ, Đại nguyên soái Sta-lin, Thống chế Tưởng Giới Thạch và Hội đồng Liên hợp quốc. Trước sau như một, đều khẳng định rằng: “Những nguyên tắc cao quý của sự công bằng và bình đẳng quốc tế về địa vị được nêu lên trong bản Hiến chương này (Hiến chương Đại Tây Dương) đã lôi cuốn mạnh mẽ dân Việt Nam,... có tiếng vang mạnh mẽ trong những khát vọng về dân chủ của dân chúng Việt Nam”(5).

Thứ ba, trong bản Tuyên ngôn Độc lập của Chủ Tịch Hồ Chí Minh viết năm 1945, khi nói đến vấn đề quốc tế hay đối ngoại, Người còn nêu một quan điểm lớn nữa, đó là Việt Nam sẵn sàng hợp tác với tất cả các nước, kể cả các nước có quá khứ là đấu đầu hay thù địch, chỉ cần công nhận nền độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam mà thôi. Đó chính là truyền thống bao dung Việt Nam “đánh kẻ chạy đi, không ai đánh người chạy lại”, truyền thống nhân ái lấy ơn trả oán, xóa bỏ hận thù gác lại quá khứ hướng tới tương lai. Ngay trong bản Tuyên ngôn Độc lập, khi đề cập đến mối quan hệ với nước Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thẳng thắn tuyên bố rằng, “thoát ly hẳn quan hệ thực dân với Pháp”(6).

Ở đây, cần hiểu rõ rằng: Chúng ta không chấp nhận sự thống trị thực dân của Pháp chứ chúng ta không từ bỏ mối quan hệ hữu nghị Việt Nam với Pháp. “Thoát ly hẳn quan hệ thực dân với Pháp” nghĩa là chúng ta quyết không chấp nhận sự áp bức giai cấp nô dịch dân tộc của thực dân Pháp ở Việt Nam và Đông Dương, chúng ta không chấp nhận sự tước đoạt tự do dân chủ của nhân dân ta, không chấp nhận sự bất bình đẳng về kinh tế, chính trị và văn hóa do những chính sách phản động của bọn thực dân Pháp tại Đông Dương.

Nhưng chúng ta sẵn sàng và chủ động xây dựng tình hữu nghị Việt – Pháp, thật lòng hợp tác và hợp tác toàn diện với chính phủ và nhân dân Pháp. “Có thể nói rằng: chúng ta hoan nghênh những người Pháp muốn mang tư bản (vốn) vào nước ta khai thác những nguồn nguyên liệu chưa có ai khai thác. Có thể nói rằng: “chúng ta có thể mời những nhà chuyên môn Pháp cũng như Mỹ, Nga hay Tàu đến đây giúp việc cho chúng ta trong cuộc kiến thiết quốc gia”(7). Quan điểm rõ ràng đó càng cho thấy tầm nhìn Hồ Chí Minh về một thế giới phát triển và một thế giới hiện đại nhưng ngày càng phức tạp và khó lườn. Việc Chủ tịch Hồ Chí Minh kiên trì gửi tám bức thư cho Tổng thống Mỹ và bốn bức thư cho Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ cũng là một minh chứng rõ ràng cho quan điểm đó. Do vậy, quan điểm thế giới phải hợp tác, phải trở thành đối tác trên cơ sở hữu nghị thành thật để có sự hợp tác lâu dài, hợp tác có trách nhiệm và cùng có lợi, là một quan điểm rất hiện đại và rất thời đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh được thể hiện trong bản Tuyên ngôn Độc lập.

Thực hiện quyền bình đẳng giữa các dân tộc – bình đẳng về quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc, coi đó là quyền không ai có thể xâm phạm được, nhận thức và đề cao vai trò và trách nhiệm của các nước lớn trong việc giữ gìn hòa bình, hữu nghị và hợp tác phát triển giữa các dân tộc, đồng thời chủ động và chân thành mở rộng cửa để hợp tác với tất cả các nước kể cả nước vốn là thù địch với Việt Nam. Đó là ba quan điểm lớn rất quan trọng đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng trình bày trong bản Tuyên ngôn Độc lập của mình từ năm 1945. Bảy mươi năm đã trôi qua, thế giới đã ttrải qua bao biến động và vẫn còn bao sự biến đổi khó lường, đe dọa đến hòa bình hữu nghị và hợp tác phát triển, ba quan điểm trên của Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa làm sáng hơn tư tưởng Hồ Chí Minh về đối ngoại, khẳng định tầm nhìn Hồ Chí Minh về xây dựng một thế giới mà con người có được đầy đủ các quyền mà “Thượng đế” đã ban cho họ.

-----------------

(1) HCM T2, NXBCTQG,HN.1995, T4,Tr1.

(2) HCM, T2, Sđd,T4,Trg3.

(3) HCM, T2, Sđd, T4, Trg3.

(4) HCM, T2,Sđd, T4,Trg3.

(5) HCM, T2,Sđd,T4,Trg69.

(6) HCM,T2,Sđd,T4,Trg2.

(7) HCM,T2,Sđd,T4,Trg74,