Quán cơm chay lan tỏa thiện tâm

Mãn Tự Vegan, nhà hàng cơm chay kiểu buffet ở đường Nguyễn Thị Minh Khai, phường Nguyễn Cư Trinh, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh do chị Đỗ Thị Ngọc Phượng thành lập năm 2019. Đây là địa chỉ giúp hàng nghìn người lao động khó khăn hay người có thu nhập thấp có bữa ăn tử tế, đàng hoàng.
0:00 / 0:00
0:00
Khách hàng đến dùng cơm chay tại Mãn Tự Vegan.
Khách hàng đến dùng cơm chay tại Mãn Tự Vegan.

Đây không phải quán đầu tiên mà trước đó, năm 2017, Mãn Tự Vegan được chị Phượng mở trong hẻm nhỏ đường Tôn Thất Đạm (Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh). Chị Phượng vốn là giám đốc một công ty xây dựng với hơn 200 công nhân, kỹ sư. Là người quê ở Sóc Trăng, chị từng rơi vào hoàn cảnh phải nhịn đói, vất vưởng ở bến xe.

Khi nhận được một phần cơm của người lạ, chị tự hứa với lòng, đến lúc cuộc sống khá hơn sẽ làm thiện nguyện để trả cái ơn này. Nói đến Mãn Tự Vegan, mọi người thường nhắc đến thông điệp “Ăn tùy bụng, trả tùy tâm”. Sau khi dùng phần cơm, khách trả bao nhiêu tùy hỷ. Chị Phượng từng muốn áp dụng mô hình từ Hà Lan, người trước trả một số tiền dư cho người sau, họ viết vào mảnh giấy ghi rằng, đã trả cho người sau rồi, còn người sau sẽ không phải trả nữa.

Thế nhưng với người Việt Nam, mô hình này khá phức tạp và khó phổ biến, chưa kể đặt vấn đề trả dư một phần thì có vẻ hơi “cưỡng ép”. Chị nghĩ, từ thiện muốn tốt đẹp cần biết đặt lòng tin vào nhân tâm và chị nghĩ ra chuyện “tùy tâm”. Khách không còn bận tâm về việc trả thêm ít tiền, còn người khó khăn cũng không ngại ngần khi trả ít hơn hay không có tiền trả.

Nguyên do khởi đầu cho việc mở quán chay tùy tâm là do chị Phượng nhận thấy: “Thường có tâm lý nhận trước cho sau hay việc nhận-trả vốn hình thành từ lâu trong giao tiếp, suy nghĩ của nhiều người. Tôi nghĩ, bản thân mình cần phải thay đổi trước khi muốn thay đổi một ai”.

Trước đây, với thu nhập khá tốt, bản thân chị có thể sẵn sàng bỏ ra một số tiền lớn để giúp người khác, nhưng chị nghĩ số tiền này sẽ không làm xoay chuyển một cách thiết thực vì giúp một lần là xong. Còn với “tùy tâm”, quán chay hoạt động theo hình thức người có điều kiện trả cho những người không có điều kiện, mọi người vui vẻ “tùy tâm” đóng góp theo khả năng có được.

Nhờ vậy, chị có thể duy trì Mãn Tự Vegan lâu dài. Chia sẻ về việc vượt khó khăn, chị Phượng cho biết, là nhờ vào tấm lòng của nhà hảo tâm. Quán chay này giúp những người cơ nhỡ, yếu thế... khi cần đến, đồng thời là cơ hội cho cộng đồng chung tay làm từ thiện; là cách mở rộng tấm lòng đến người lao động khó khăn hay người có thu nhập hạn chế… có bữa ăn tử tế, đàng hoàng. Về phần những người đóng góp sẽ không thấy tiếc khi thấy một lượng người đông đảo đến với quán.

Hiện mỗi ngày quán phục vụ hơn 1.000 khách, riêng ngày lễ và thứ bảy, chủ nhật có khi đến gần 3.000 khách. Nhằm thu hút các bạn sinh viên, giới nhân viên văn phòng..., chị Phượng cùng các đầu bếp chế biến các món ăn sao cho ngon miệng, hấp dẫn và chất lượng. Khi dùng những món này sẽ khiến người trẻ không còn ngại ngần việc ăn chay.

Mãn Tự Vegan mở vào các giờ trưa từ 11 đến 14 giờ và chiều từ 17 đến 21 giờ mỗi ngày.

Bạn Trần Thị Thu Hồng, sinh viên Trường đại học Sài Gòn nói: “Em thích cách làm tùy tâm này và em cảm nhận nhờ đó quán phục vụ cho nhiều hoàn cảnh khó khăn hay trong những ngày chưa nhận được tiền trợ cấp từ gia đình như những sinh viên như em”.

Anh Lưu Chí Vỹ, một người giao hàng chia sẻ: “Tôi nghĩ, với những người có điều kiện, họ sẽ hoan hỷ bỏ vào nhiều hơn, để chị Phượng có thêm chi phí điều hành. Còn ai chưa có điều kiện thì có nơi chốn ăn no”.

Anh Nguyễn Quốc Việt, nhân viên văn phòng nhận xét: “Quán ăn tùy tâm nên chất lượng như vầy là tốt rồi. Cái chính là giúp cho nhiều hoàn cảnh. Lúc tôi đến thấy có nhiều cô, chú lớn tuổi khó khăn bước vào và cũng có nhiều bạn có điều kiện hơn nhưng thích ăn chay đã đến”.

Khi bước chân vào Mãn Tự Vegan, người đến cảm thấy hoàn toàn tự nhiên, vui trước sự đón tiếp của chị Phượng cùng các nhân viên.

Quán chay tùy tâm là câu chuyện về một người từ bỏ một công việc có thu nhập tốt mở ra địa điểm không chỉ giúp đáp ứng nhu cầu ẩm thực hằng ngày của nhiều người mà còn hướng đến tình thân thương, nhân ái. Với tâm niệm “Ăn tùy bụng, trả tùy tâm” và ăn chay với các món làm từ thảo mộc là một cách thực dưỡng. Khi mọi người có sức khỏe sẽ giúp bệnh viện giảm bớt nhiều người bệnh. Đồng nghĩa, tốt cho sức khỏe và lan tỏa thiện tâm nơi mọi người.