Quận 12 chú trọng khai thác hiệu quả nguồn lực đất đai

Theo định hướng phát triển của TP Hồ Chí Minh, quận 12 là điểm kết nối giao thông đường bộ, đường sắt đô thị; là nơi đã và sẽ triển khai nhiều công trình xây dựng cơ sở hạ tầng trọng điểm. Thời gian tới, quận 12 tiếp tục tìm những giải pháp để đẩy nhanh tốc độ phát triển, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế, nhất là nguồn lực về đất đai, để xây dựng địa phương ngày càng giàu đẹp, đóng góp tích cực cho sự phát triển chung của thành phố.

 Một đoạn đường Quang Trung thuộc địa phận phường Đông Hưng Thuận, quận 12.
Một đoạn đường Quang Trung thuộc địa phận phường Đông Hưng Thuận, quận 12.

Bà Nguyễn Thị Liên, ngụ tại phường Tân Chánh Hiệp, kể lại, trước kia, từ quận 12 về trung tâm thành phố thế nào cũng đi qua quốc lộ 22 (nay là đường Trường Chinh), hoặc đi qua quốc lộ 1A. Còn các tỉnh lộ, hương lộ khác như: 9, 12, 14, 15, 16… nối với các quận, huyện khác thì hẹp lại ngoằn ngoèo, khó đi. Riêng hệ thống giao thông liên phường thì gần như chưa phát triển. Hạn chế về hạ tầng giao thông đã ảnh hưởng tới lưu thông hàng hóa, phát triển đô thị và kìm hãm sự phát triển kinh tế - xã hội của quận.
Chủ tịch UBND quận 12 Nguyễn Toàn Thắng cho biết thêm, quận 12 có cả quốc lộ, tỉnh lộ chạy qua, lại có sông Sài Gòn bao bọc, nhưng hạ tầng giao thông chỉ là các đường vành đai, khó phát triển kinh tế. Khi mới tách quận năm 1997, quận gặp nhiều khó khăn về giao thông nông thôn, trong khi đời sống nhân dân nói chung còn nghèo. Trước thực tế đó, lãnh đạo quận đã bàn bạc và đi đến thống nhất phải ưu tiên phát triển hạ tầng trước, đặc biệt là hạ tầng giao thông nông thôn. Khi đường liên phường, liên quận thông suốt, sẽ kích thích kinh tế - xã hội phát triển.
Nói đi đôi với làm, giai đoạn 2010-2015, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân quận 12 đã quyết tâm nâng cấp 27 tuyến giao thông liên phường, liên quận có tổng chiều dài 28,3 km. Đến thời điểm này, quận đã chi 120,8 tỷ đồng hoàn thiện 25 tuyến đường dài 25,1 km để người dân đi lại thuận lợi. 33 tuyến đường, dài
23 km, với tổng kinh phí xây dựng 259,5 tỷ đồng, gồm các công trình giao thông nông thôn, nâng cấp, sửa chữa lớn, mở đường mới nối dài, mở rộng hẻm, đường vào Khu công nghiệp Quang Trung… cũng đã được quận chủ động xây dựng và đưa vào sử dụng.
Như vậy, chỉ trong năm năm gần đây, quận 12 đã chi ra 356,3 tỷ đồng để xây dựng, mở rộng, cải tạo 58 tuyến đường với tổng chiều dài 48,1 km để phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Những năm qua, quận 12 đã vận động người dân tham gia cùng chính quyền chỉnh trang đô thị như: hiến đất, vật kiến trúc để xây dựng, mở rộng, nâng cấp 103,7 km đường đất đá, nhỏ hẹp với tổng kinh phí 83,3 tỷ đồng, góp phần cải thiện bộ mặt đô thị của quận.
Nói thêm về chuyện làm đường, chỉnh trang đô thị, ông Nguyễn Trường Xuân, hiện cư ngụ tại phường Tân Chánh Hiệp, vui vẻ cho hay: “Tôi ở huyện Hóc Môn từ năm 1993 (lúc chưa tách quận), khi đó còn là nông thôn, chỉ biết tên ấp là đủ, chẳng ai quan tâm đến số nhà. Nay thay đổi rồi, đất đai đắt đỏ, nhà cửa san sát. Dịp kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng miền nam, thống nhất đất nước vừa qua, hàng trăm nhà mặt phố trên đường Lâm Thị Hố đã được gắn số chẵn, số lẻ. Văn minh thật”.
Quả đúng thế, đi trên đường Trường Chinh, cửa ngõ tây bắc của TP Hồ Chí Minh (đoạn từ quận Tân Bình đến quận 12), hai bên đường san sát những căn nhà mới, rồi trung tâm mua sắm, các khu căn hộ chung cư cao tầng, nhà máy, xí nghiệp… Nhìn dòng xe máy, ô-tô các loại “chảy” như dòng nước trên đường, càng thấy rõ quận 12 đang từng ngày thay da, đổi thịt.
Tuy nhiên, do đặc thù địa hình sông rạch, vùng trũng nhiều, nên chuyện giao thông ở quận 12 lại phát sinh mâu thuẫn mới. Đó là tình trạng có đường mà chưa có cầu, hoặc cầu quá nhỏ, không đáp ứng nhu cầu của ô-tô lớn khi vận chuyển hàng hóa.
Theo thống kê của UBND quận 12, vào thời điểm năm 2010, có 19 cây cầu cần nâng cấp, mở rộng. Tuy nhiên, suốt năm năm qua, do thiếu kinh phí, quận mới làm được năm cây cầu, vài cống hộp, với tổng kinh phí 30,9 tỷ đồng; còn lại 14 cây cầu vẫn phải chờ nguồn kinh phí từ thành phố rót về. Theo Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh, do tình hình khó khăn chung, nhiều hạng mục đầu tư tại các quận, huyện phải cắt giảm, hoặc giãn tiến độ. Thành phố chỉ ưu tiên những công trình trọng điểm như tuyến đê bao sông Sài Gòn và một số công trình liên quan thật thiết thực đến đời sống người dân.
Bên cạnh đó, những con đường huyết mạch ở cửa ngõ tây bắc như đường song hành Hà Huy Giáp, Vườn Lài - Vàm Thuật dù đã được UBND thành phố Hồ Chí Minh chấp thuận chủ trương để Công ty cổ phần Đầu tư phát triển hạ tầng IDICO (Tập đoàn Sông Đà) và liên danh giữa Công ty cổ phần Hạ tầng và Bất động sản Việt Nam và Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư xây dựng HPCI thực hiện, nhưng suốt năm năm qua, hai dự án quan trọng này vẫn trong trạng thái bất động. Mới đây, quận 12 đã đề xuất UBND thành phố Hồ Chí Minh sớm có kế hoạch thực hiện, đồng thời không tiếp tục giao cho các công ty nêu trên do thiếu quyết tâm đầu tư, không bảo đảm được tiến độ thực hiện dự án.
PHÁT biểu chỉ đạo tại Đại hội đại biểu Đảng bộ quận 12 nhiệm kỳ 2015-2020 vừa được tổ chức, đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Theo định hướng phát triển của thành phố đến năm 2020 và những năm tiếp theo, quận 12 là điểm kết nối giao thông đường bộ, đường sắt đô thị. Nhiều công trình xây dựng cơ sở hạ tầng trọng điểm đã và sẽ được triển khai trên địa bàn quận 12. Đây là những thuận lợi, thời cơ và cũng là thách thức của quận. Do vậy, quận cần tiếp tục nỗ lực tìm ra những giải pháp hiệu quả để khắc phục hạn chế và khai thác tốt tiềm năng, lợi thế trên địa bàn, từ đó có những đóng góp tích cực cho sự phát triển chung của thành phố.
Trong phát triển kinh tế, đô thị, quận 12 cần nghiên cứu để thu hút đầu tư, phát triển các loại hình kinh doanh, thương mại, sản xuất, du lịch phù hợp với cảnh quan sông Sài Gòn; chú ý khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn lực từ đất đai; không phá vỡ quy hoạch phát triển đã được phê duyệt. Tích cực ngăn chặn tình trạng xây dựng sai phép, không phép; phối hợp với các đơn vị liên quan, đề xuất thành phố áp dụng linh hoạt và huy động tốt các nguồn lực trong thực hiện chỉnh trang đô thị, nâng cấp cơ sở hạ tầng, từng bước hình thành khu đô thị hiện đại, văn minh… Cùng với đó, quận 12 cần thực hiện căn cơ các biện pháp giảm nghèo bền vững theo tiêu chí mới của thành phố giai đoạn 2016-2020; tiếp tục quan tâm đến chính sách an sinh xã hội, nâng cao đời sống cho nhân dân, nhất là các gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ dân tái định cư…

Có thể bạn quan tâm