Kịch bản sân khấu dựa vào câu chuyện có thật về sự hy sinh của 32 dân công hỏa tuyến ở xã Vĩnh Lộc, huyện Bình Chánh trong đợt 2 của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968. Trong lần biểu diễn phục vụ khán giả Quận 10 tại Nhà hát Hòa Bình, vở “Cánh đồng rực lửa” đã nhận được nhiều lời khen ngợi từ khán giả. Theo Phó trưởng Ban Tuyên giáo Quận ủy Quận 10 Nguyễn Thị Yến Hương, thông qua những tác phẩm nghệ thuật với đề tài truyền thống cách mạng, lãnh đạo quận mong muốn vun đắp niềm tin, lý tưởng sống cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên, thanh niên và người dân địa bàn.
Thời gian qua, Quận 10 đã có nhiều hoạt động nhằm nâng cao đời sống văn hóa của người dân. Một trong những hoạt động nổi bật là quận đã phối hợp với Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật thành phố, các sân khấu kịch nổi tiếng để mang về những vở diễn chất lượng phục vụ cho cán bộ, công chức, người dân. Ngoài vở kịch “Cánh đồng rực lửa”, Quận 10 còn phối hợp Nhà hát kịch sân khấu nhỏ 5B Võ Văn Tần tổ chức buổi diễn vở kịch “Dấu xưa” phục vụ cho chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; phối hợp Sân khấu kịch Trịnh Kim Chi tổ chức buổi diễn vở kịch “Rặng trâm bầu”… đã tạo được ấn tượng trong lòng người xem.
Theo đồng chí Nguyễn Bắc Nam, Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Quận 10, qua 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới” và Chương trình hành động số 45-CTrHĐ/TU về thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa X trên địa bàn thành phố của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các ban, ngành và các tổ chức chính trị-xã hội, quận đã tạo chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động, đồng thời có sức lan tỏa sâu rộng trong nhân dân, góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc nói chung và tạo được nét riêng của hoạt động văn hóa Quận 10.
Văn học, nghệ thuật đã thật sự đi vào cuộc sống và ngày càng khẳng định vai trò là một trong những nền tảng tinh thần của xã hội. “Số lượng người tham gia hoạt động văn học, văn hóa, nghệ thuật và tham gia vào các câu lạc bộ, đội, nhóm ngày càng tăng, nhất là tại Trung tâm Văn hóa Hòa Bình và các nhà văn hóa phường cho nên đã hạn chế được sự lây lan của các loại hình văn hóa không lành mạnh, không phù hợp thuần phong mỹ tục, ảnh hưởng xấu đến sự phát triển về mặt văn hóa và tinh thần lành mạnh của xã hội”, đồng chí Nguyễn Bắc Nam cho biết.
Đáng chú ý, một số mô hình, chương trình như “Giới thiệu âm nhạc cổ truyền đến học sinh tại các trường học trên địa bàn Quận 10”, chương trình “Dạ cổ tri âm” tổ chức tại khu dân cư, cao ốc và trung tâm, nhà văn hóa các phường theo từng chủ đề, giới thiệu các thể điệu cải lương và đờn ca tài tử qua phần biểu diễn của câu lạc bộ quận và nhà văn hóa các phường… ngày càng phát huy hiệu quả, mang lại sức sống mới cho đời sống văn hóa người dân.
Nghệ sĩ Ưu tú Lê Hồng Thắm chia sẻ, chị đã tham gia chương trình “Dạ cổ tri âm” do Quận 10 tổ chức và mỗi lần tham gia đều để lại cho chị nhiều cảm xúc đặc biệt. Tại đây, nghệ sĩ Lê Hồng Thắm cảm thấy gần khán giả hơn và cảm nhận được tình yêu thương mà khán giả dành cho mình.
Đến nay, hoạt động văn hóa, nghệ thuật ở Quận 10 có bước phát triển mới và có tính chuyên nghiệp hơn. Phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng cũng phát triển sâu rộng hơn, thu hút ngày càng đông đảo văn nghệ sĩ, các tầng lớp nhân dân tham gia sáng tác, phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ chính trị của địa phương, góp phần định hướng tư tưởng, thẩm mỹ cho nhân dân, nhất là giới trẻ.
Công tác xã hội hóa các hoạt động văn hóa, nghệ thuật cũng như xây dựng thiết chế văn hóa được đẩy mạnh. Đồng chí Phan Nguyễn Như Khuê, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh nhận định, Quận 10 có nhiều nỗ lực, sáng tạo trong biểu diễn, các chương trình văn học nghệ thuật, kịp thời lan tỏa tính tích cực, bảo vệ cái đẹp chân-thiện-mỹ trong đời sống xã hội.
Thời gian qua, đội ngũ lãnh đạo quận quan tâm phát triển các hoạt động văn học nghệ thuật, nhất là các loại hình văn hóa truyền thống, các hoạt động đội nhóm, câu lạc bộ, các loại hình văn học nghệ thuật các dân tộc đã tạo thành bức tranh văn học, nghệ thuật phong phú, đầy màu sắc với đa dạng các loại hình văn hóa, nghệ thuật của cộng đồng các dân tộc anh em trên địa bàn.
Các hoạt động sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, văn nghệ đã ngày càng bắt kịp xu thế, tuyên truyền trên không gian mạng đưa nhiều tác phẩm đến với công chúng. “Thời gian tới, Quận 10 cần tiếp tục chú trọng phát triển văn học, nghệ thuật một cách toàn diện, góp phần vào sự nghiệp phát triển văn học, nghệ thuật trong giai đoạn mới của thành phố”, đồng chí Phan Nguyễn Như Khuê nhấn mạnh.