Quá tải bệnh nhân nhập viện vì thời tiết giao mùa

NDO -

NDĐT – Thời tiết giao mùa cùng với chỉ số chất lượng không khí nhiều ngày liên tiếp chạm ngưỡng xấu gây ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe người dân, đặc biệt là nhóm nhạy cảm gồm trẻ em, người cao tuổi, người mắc bệnh mãn tính… khiến cho tỷ lệ người dân nhập viện tăng nhanh từ cuối tháng 11-2019 đến nay.

Nhiều người cao tuổi, người có bệnh lý mãn tính phải nhập viện điều trị vì ô nhiễm không khí.
Nhiều người cao tuổi, người có bệnh lý mãn tính phải nhập viện điều trị vì ô nhiễm không khí.

Bệnh nhân tăng đột biến tới 30%

Ghi nhận tại khoa Nội Tổng hợp, Bệnh viện Thanh Nhàn, bệnh nhân, đặc biệt là bệnh nhân cao tuổi và mắc bệnh mãn tính đến khám có chiều hướng gia tăng mạnh trong một tuần gần đây.

Theo BSCK 2 Đoàn Thị Thanh Nhàn, Phó Khoa Nội Tổng hợp, Bệnh viện Thanh Nhàn, từ tháng 11 đến nay bệnh hô hấp tăng cao tới 20-30% so với trước. Ngoài thời tiết giao mùa là thời điểm làm gia tăng bệnh lý đường hô hấp dưới thì khói bụi ô nhiễm cũng làm tỷ lệ bệnh nhân nhập viện cao hơn. “Phần lớn bệnh nhân vào viện có triệu chứng là sốt, đau ngực, khó thở, ho… dẫn tới những bội nhiễm sau sốt như viêm phế quản, viêm long hô hấp trên”, BS Nhàn cho hay.

BS Nhàn cũng cảnh báo, bệnh nhân mắc bệnh lý mãn tính như đái tháo đường, suy thận, suy tim thường khi mắc bệnh lý viêm nhiễm hô hấp dưới thường có triệu chứng lâm sàng mơ hồ, bệnh cảnh không giống tình trạng lâm sàng bên ngoài nên bệnh nhân dễ bỏ qua, khi vào viện đã bị nặng.

“Có nhiều bệnh nhân ở nhà viêm long hô hấp trên, sổ mũi cũng tự ra hiệu thuốc mua thuốc vì nghĩ nhẹ nhưng khi đau ngực, ho nhiều thì đã bị viêm phế quản, bội nhiễm phải dùng kháng sinh. Hoặc thậm chí, có người lại quá cẩn thận khi hơi viêm họng sổ mũi lại không đi khám mà chỉ ra hiệu thuốc tư vấn và được cắt những loại kháng sinh không phù hợp, thậm chí dùng tới cả kháng sinh thế hệ ba, gây ra tình trạng kháng kháng sinh sau này. Vì thế, khi có bệnh lý, người dân tốt nhất nên đến cơ sở y tế chuyên khoa để khám, tránh những biến chứng đáng tiếc”, BS Nhàn nói.

Quá tải bệnh nhân nhập viện vì thời tiết giao mùa ảnh 1

Bệnh nhân mắc bệnh lý hô hấp đến khám tại Bệnh viện Thanh Nhàn tăng cao.

Ghi nhận tại Bệnh viện Phổi Trung ương, trong những ngày vừa qua, nhiều bệnh nhân phải vào bệnh viện điều trị vì khó thở. Một tuần gần đây lượng bệnh nhân vào điều trị nội trú tại khoa Phổi tắc nghẽn mãn tính, Bệnh viện Phổi Trung ương tăng khoảng 30%. Tại khoa Bệnh phổi mạn tính, số bệnh nhân nằm viện lên tới 70-80/ngày, trong khi khoa chỉ có 50 giường bệnh, dẫn tới quá tải.

Đang nằm tại khoa Bệnh phổi mạn tính, bệnh nhân Hà Văn Luyện (quận Ba Đình, Hà Nội) cho biết, dù đã chủ động phòng bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính nhưng hơn một tuần qua, ông tiếp tục phải nhập viện vì nhiễm trùng đường hô hấp. Bệnh nhân Đinh Văn Dũng (huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội) cũng rơi vào tình trạng khó thở, nhất là những thời điểm trời mù như sáng sớm hay chiều tối.

Theo ThS, BS Vũ Văn Thành, Trưởng khoa Bệnh Phổi mạn tính, Bệnh viện Phổi Trung ương, sự tác động của không khí ở mức độ xấu những ngày qua là yếu tố tác động đến nhiều người dân có bệnh lý hô hấp, dẫn đến tình trạng bệnh nhân có xu hướng nặng lên trong thời gian gần đây và phải nhập viện, điều trị kéo dài. Hiện tại các khoa Hồi sức tích cực, khoa Cấp cứu, khoa Bệnh phổi mạn tính đã phải huy động hết công suất máy thở cho bệnh nhân suy hô hấp cấp tính.

Bảo vệ sức khỏe trước ô nhiễm không khí

BS Thành cho biết, hô hấp bệnh cấp tính là bệnh hô hấp bình thường, đối tượng dễ cảm nhiễm là trẻ nhỏ, người cao tuổi. Nhóm thứ hai là nhóm nguy hại, dễ cảm nhiễm là có nền bệnh phổi như viêm phế quản mạn, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, viêm phế quản… Ô nhiễm không khí ngay lập tức khởi động làm cơn kịch phát. Hen đang kiểm soát tốt thành cơn hen cấp, phải nhập viện. Người bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính khó thở tăng lên, suy hô hấp nặng.

"Ở người khoẻ mạnh bình thường, không khí ô nhiễm có thể gây ảnh hưởng đến tai, mũi, họng, đặc biệt là các bệnh về hô hấp: viêm phổi, viêm phế quản, nhiễm trùng hô hấp. Với người mắc các bệnh mạn tính, tình trạng sẽ nghiêm trọng hơn. Đặc biệt, không khí Hà Nội hiện nay, ngoài bụi vô cơ, hữu cơ, khí thải, còn tồn tại một dạng bụi đặc biệt khác là bụi mịn, đặc biệt là PM2.5, có thể gây ra các bệnh nguy hiểm tới sức khỏe con người", BS Thành nói.

Quá tải bệnh nhân nhập viện vì thời tiết giao mùa ảnh 2

ThS, BS Vũ Văn Thành, Trưởng khoa Bệnh Phổi mạn tính, Bệnh viện Phổi Trung ương chia sẻ về bệnh lý hô hấp.

Để phòng các bệnh về hô hấp, các bác sĩ khuyến cáo người dân, đặc biệt người cao tuổi và có bệnh nền mãn tính phải giữ ấm cơ thể và hạn chế ra khỏi nhà trong những ngày không khí ô nhiễm. Bệnh nhân mắc bệnh mãn tính nên tiêm phòng vaccine cúm hằng năm để giảm các viêm nhiễm do virus hoặc do phế cầu.

Vào những ngày không khí bị ô nhiễm nặng, người dân cũng cần phải trang bị khẩu trang, mũ nón, kính mắt đầy đủ khi ra đường để bảo vệ sức khỏe; giữ vệ sinh mũi, súc họng sáng tối bằng nước muối sinh lý, đặc biệt sau khi ra đường. Người già, trẻ nhỏ, người có bệnh bệnh mạn tính nên hạn chế tối đa ra ngoài. Nếu không may xuất hiện những dấu hiệu bất thường về sức khỏe như ho, sổ mũi, khó thở… cần nhanh chóng đến cơ sở y tế nơi gần nhất để thăm khám và điều trị.