Nhà Tây Nguyên học người Pháp Jacques Dournes, bút danh Dam Bo (tên này do người Cơ Ho đặt cho ông), từng cắt nghĩa: Khi bếp lửa nhà sàn bùng cháy là khi người Tây Nguyên sống một đời sống khác.
Đời sống sinh động của những câu chuyện khan, các huyền thoại... thế giới của mơ tưởng. Những ngày cuối thu, chúng tôi lại về với những làng người Cơ Ho, Mạ, Chu Ru, trải nghiệm những sắc thái văn hóa tộc người phía Nam Tây Nguyên-Lâm Đồng.
Hoàng hôn choàng tím cao nguyên Langbiang, những nếp nhà ở Bon Dơng, Đăng Ja bập bùng ánh lửa. Những nhóm biểu diễn cồng chiêng thao thiết nhịp điệu mừng khách.
Cây nêu cao chừng bốn, năm mét được dựng lên, rượu cần đã được bày biện theo khuôn phép của Yàng, bếp lửa hừng hực cháy; những chàng trai, cô gái miền sơn cước đã tụ hợp, tiếng tù và khai hội của nhóm trưởng Pling vang vọng. “Này tôi mời gọi hỡi thần linh/ Khui rượu cần tôi mời nếm thử/ Rượu cần ngon tôi mời thần uống...”.
Thủ tục xin phép thần linh vừa dứt, các điệu chiêng mừng khách quý, mừng ngày hội mùa, tiếng chiêng drênh gọi mưa... tấu lên thổn thức. Vòng xoang “nở” rộng, nhịp chiêng ngân dài.
Xoang là múa. Đây là hình thức múa tập thể phổ biến của nhiều dân tộc trên đại ngàn Tây Nguyên. Xoang thể hiện sức mạnh cộng đồng. Bếp lửa đã đượm lòng, cùng chúng tôi vít cong cần rượu, Pling bảo, cồng chiêng và rượu cần là những thực thể không thể thiếu trong đời sống của tộc người bản địa Nam Tây Nguyên.
Rượu cần, thức uống tâm linh, ẩm thực văn hóa cư dân đại ngàn có tự lúc nào, ít ai còn tường tận. Những người con trên miền rừng xanh, núi đỏ chỉ biết rằng “trong sử thi đã có”. Để có ché rượu thơm nồng, dịu ngọt, uống vào lòng người nhẹ tênh cũng lắm công phu. Bà Krajan Glế ở Bon Dơng bảo, phụ nữ ở đây phần đông đều biết làm rượu cần.
Các loại gạo, nếp, bắp... đều làm được rượu. Nhưng, rượu cần thương hiệu Langbiang có bí quyết riêng. Chính lúa rẫy và men rừng đã tạo ra mùi hương đặc trưng. Theo bà Glế, ngày xưa làm rượu cần kỳ công lắm. Trước khi làm rượu phải kiêng “chuyện vợ chồng”, lúc nào thân thể khỏe mạnh, sạch sẽ mới làm. Người lạ không được vào nơi ủ rượu.
Cái nắp ché cũng là sự công phu, được làm từ tro với nước. Khi rượu đến độ chín, hương thơm tỏa khắp nhà sàn dài. Rượu cần Langbiang đã được cấp nhãn hiệu sở hữu trí tuệ. Men say đại ngàn Nam Tây Nguyên có thêm cơ hội lan xa, cùng mùi hương đặc trưng, đắm đuối.
Người Cơ Ho, Mạ khi diễn tấu nhạc cụ không bao giờ kèm theo lời ca. Bởi thế, tiếng chiêng, tiếng cồng, tiếng kèn bầu (m’buốt, woăt), đàn ống tre (dindg kơrla), sáo bre... khi đã tấu lên, âm giai trong lành, bay bổng, phóng khoáng như chim C’rao sải cánh giữa đại ngàn. Tự ngàn đời, bên mái nhà sàn dài trầm mặc ở các buôn làng Nam Tây Nguyên, khi nghe mùi khói bếp, mùi thịt nướng, hương rượu cần nồng nàn, khi đó có tiếng chiêng tấu lên rộn rã. Con người như được thăng hoa về miền nguyên sơ.
Những người con của núi chân chất, bình dị, thô mộc khi lên rẫy, vào rừng; nhưng khi “đánh thức hồn chiêng”, thần thái họ tự nhiên đổi khác, dễ cảm nhận nhưng khó diễn tả. Điệu gung me rộn ràng, K’Druynhs bảo: “Đây là điệu chiêng cơ bản của người Cơ Ho. “Gung me” là con đường cái.
Vào rừng phải bắt đầu từ đường cái mà...”. Người Cơ Ho có 36 điệu chiêng cổ, nhưng giờ đây có lẽ không còn ai nhớ đủ. Nào điệu gung me (đón khách), cing ting (tiếng chim đại bàng), pép tơh jun (săn nai), lô na (gọi nhau), ding biếp (mừng lúa mới)... sau này phát triển thêm điệu mới mừng lễ hội.
Tôi từng trò chuyện với Nghệ nhân Ưu tú K’Bes, ông nói: “Bộ chiêng sáu của người Cơ Ho, Mạ có nhiều tên gọi, nhưng phổ biến theo thứ tự: ching me, rơnul, ndơn, ndol, t’rơ, thêt.
Mỗi vị trí trong bộ sáu thang âm đều có âm và tiết tấu riêng. Ching me (chiêng mẹ) giữ nhịp tấu gọi dàn chiêng giao hòa”. Mỗi điệu chiêng của người Tây Nguyên đều gửi gắm một thông điệp với thần linh, với rừng xanh, với cộng đồng... trong chính không gian thiêng của buôn làng, không gian văn hóa nuôi sống cồng chiêng.
Xuôi về phía đông cao nguyên Langbiang, chúng tôi may mắn được hòa nhịp Tamya cùng Nghệ nhân Ưu tú Touneh Ma Bio và những chàng trai, cô gái Chu Ru ở Đơn Dương, Lâm Đồng.
Những tia nắng cuối ngày dần tắt trên đỉnh Iamơnhi. Âm ba của sár (đồng la), sơgơr (trống) quyện hòa cùng điệu rơkel (kèn bầu) vang xa lên tận đỉnh núi. “Đối với người Chu Ru, trong các sự kiện có tính cộng đồng, cộng cảm, không thể thiếu các điệu Tamya trên hợp âm cồng chiêng, rơkel và trống gơnang. Đó là lễ thức quan trọng trong đời sống tâm linh, văn hóa cộng đồng người Chu Ru”, bà Ma Bio gợi mở.
Dòng Đạ Nhim vẫn tỉ tê, ngưng tấu rơkel, Ya Huy nói: “Bà Ma Bio là người nổi tiếng cộng đồng Chu Ru mình đó, bởi đã có công “hồi sinh” Tamya bị lãng quên trong thời gian dài”.
Tamya được sinh ra trên chính nền âm nhạc cổ cùng tên với điệu vũ. Bởi vậy, trình diễn “ngôn ngữ hình thể” không thể thiếu nhịp chiêng và ngược lại, điệu chiêng ngân dài mà vắng điệu vũ dân gian cũng sẽ “lạc phách”, thiếu sự khơi gợi. “Tamya là múa. Còn Arya, T’rumpô, Păhgơnăng, Damtơra... là các vũ điệu. Đối với người Chu Ru, trong các dịp lễ hội dù lớn hay nhỏ, như lễ Pơthi (bỏ mả), Mơ Nhum (cúng thần Lúa), Bơ Mung (thần Đập nước)... khi âm thanh của chiêng ba, tiếng trống gơnang và rơkel vang lên thì mọi người cùng hòa nhịp Tamya. Đó là sự giao hòa âm dương, biểu hiện của sự tương giao bền chặt”, nghệ nhân Ma Bio nói.
Năm 2007, Ma Bio đứng ra thành lập đội chiêng để truyền dạy cho lớp trẻ trong buôn đánh chiêng, đánh trống và các điệu vũ truyền thống. Giờ đã có cả trăm đứa tấu chiêng, hòa nhịp Tamya nhuần nhuyễn.
Ngắm người thầy, nghệ nhân Ma Bio chơi chiêng, Ti Na bảo: Người Chu Ru gọi nhạc cụ bằng đồng có núm ở giữa là chêng hay ching, còn loại không có núm là char hay sár. Biên chế dàn nhạc để diễn tấu phổ biến của người Chu Ru có dàn chiêng ba gắn trên khung tre, thứ tự từ phải sang trái, từ to đến nhỏ là Ame (mẹ), Dra (dì trẻ) và Ànạ (con gái); rơkel và sơgơr gơnang. “Một bài hoàn chỉnh trong lễ hội như Arya, T’rumpô phải có sự kết hợp giữa tiếng chiêng, kèn bầu và trống gơnang”, Ti Na chia sẻ.
Sương đêm giăng mắc miền sơn thôn. Chúng tôi dùng dằng trong điệu Păhgơnăng tiễn khách bịn rịn của thế hệ kết nối mạch nguồn văn hóa của người Chu Ru.
Sáng, những dải mây trắng ủ ấp trên cao nguyên B’Lao. Hương chè dìu dịu trên cung đường về xã Lộc Tân, huyện Bảo Lâm, Lâm Đồng. Trong nhà dài (hìu rọt) truyền thống người Mạ, nghệ nhân K’Breoh đang ủ rượu cần chuẩn bị đón khách, ông mở lời: “Xưa, ở xứ Mạ có những ngôi nhà rất dài như những bức tường thành uốn lượn giữa thung lũng, bao bọc lấy buôn làng giữa đại ngàn hùng vĩ”.
Chúng tôi lạc vào miền mơ tưởng. Giữa những thung lũng ngập nắng và gió, những ngôi nhà dài, dài như định thức văn hóa “tiếng chiêng ngân” trong trường ca Ðam San hiện lên, gợi bao xúc cảm và suy tưởng.
Trước mỗi cầu thang, những cụ ông ngồi trầm tư vân vê tẩu thuốc, những người đàn bà nhặt rau cho bữa cơm chiều, những chàng trai thổi sáo bre và những sơn nữ khoan thai lên bảy bậc cầu thang giũ mái tóc chảy dài như suối.
Trước sân, những đứa trẻ hồn nhiên với trò chơi núi rừng. Dưới gầm sàn, đàn lợn ủn ỉn ủi đất và đàn gà cục tác gọi nhau. Giữa đại ngàn, thảng hoặc tiếng chim vỗ cánh ngang qua bầu trời...
Đó là hình ảnh thuở trước. Hôm nay, ngôi nhà dài vỏn vẹn một bếp tại Lộc Tân được buôn làng phục dựng, đó như lẽ tự nhiên để nhắc nhớ văn hóa cội nguồn. Già K’Breoh nhóm bếp, lũ trẻ quây quần nghe kể khan, học đánh chiêng, chơi m’buốt, dindg kơrla...
Ngôi nhà giữa buôn người Mạ dài hơn mười sải, bởi chỉ làm nơi sinh hoạt cộng đồng. K’Breoh bảo, nhà dài chỉ là một kiểu kiến trúc đặc thù, nơi cư trú quen thuộc của cư dân sống giữa chốn rừng núi hoang vu.
Thước đo nhà dài không nằm ở độ dài, độ ngắn mà được “đo” bằng thiết chế đại gia đình. “Nhà dài là nơi để ở, chống chọi với thiên tai, thú dữ và còn là nơi gắn kết bao thế hệ dòng tộc. Nhà dài như tiếng chiêng không có vách ngăn, nghĩa là không có sự ngăn cách về không gian sinh hoạt, mỗi hộ chỉ phân định bằng bếp lửa. Sống quần tụ, nhưng hầu như không xảy ra mâu thuẫn. Giờ thì hiếm rồi...”, nghệ nhân K’Breoh trầm ngâm.
Giống các dân tộc thiểu số bản địa khác ở Tây Nguyên, các dân tộc bản địa Cơ Ho, Mạ, Chu Ru tại Lâm Đồng chưa biết, hoặc không hề biết đến công tác “quy hoạch”. Song, quan sát cách bố trí buôn làng của họ, nhiều nhà nghiên cứu văn hóa cho rằng, họ đã cố gắng tìm cách tổ chức buôn làng một cách hợp lý nhất với môi trường sống, gắn với các hoạt động kinh tế, văn hóa. Và một trong những tiêu chí dễ nhận ra “tầm vóc” của các buôn làng là số lượng nóc nhà. Giờ thì, nhà dài có lẽ không còn là thước đo “tầm vóc” của buôn làng nữa...
Hôm nay, giữa cao nguyên B’Lao nắng gió, chúng tôi may mắn được ngắm nhìn kiểu kiến trúc đặc thù còn rất hiếm ở Nam Tây Nguyên, được nghe Ka Gon ngân nga vài khúc tăm pớt, K’Vệ tấu khúc kơrla lay động tâm hồn.
Lâm Đồng có khoảng 224.000 cư dân người dân tộc thiểu số bản địa, chiếm 17% dân số toàn tỉnh. Đây là những tộc người, chủ nhân của di sản Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên.
Hiện các buôn làng đang gặp nhiều thách thức trong sự tiếp biến văn hóa. May mắn, nhiều nghệ nhân, già làng và một bộ phận giới trẻ đang quan tâm đến việc khôi phục, gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc mình. Các cơ quan nhà nước cần xem xét có cơ chế, chính sách thiết thực, phù hợp để “thắp lửa” bản sắc văn hóa các tộc người. “Gìn giữ, phát huy hồn cốt văn hóa các dân tộc thiểu số đang được địa phương rất quan tâm.
Cùng với những hoạt động truyền cảm hứng, chúng tôi mong muốn đưa những loại hình văn hóa đặc trưng, khác biệt đó trở thành sản phẩm du lịch. Bởi, sự hấp dẫn du lịch suy cho cùng đó là sự hấp dẫn về văn hóa”, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lâm Đồng, Trần Thanh Hoài gợi mở.
Chia tay những buôn làng Nam Tây Nguyên, vấn vương tự tình của nhiều nghệ nhân, già làng tộc người bản địa: Đối với người Tây Nguyên, rừng còn, buôn làng còn; rừng dạy dân làng cách sống. Từng bài chiêng, bài cồng là tiếng ca, tiếng hát, tiếng gọi bầy của muôn loài. Từng họa tiết hoa văn, điệu vũ dân gian là khắc họa đời sống gắn với không gian rừng... phải được gìn giữ, trao truyền và tiếp nối.