Qatar củng cố vị thế nhà sản xuất LNG hàng đầu thế giới

Cùng với Mỹ, Australia và Nga, Qatar là một trong những nhà sản xuất khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) hàng đầu thế giới. Các nước châu Á là những thị trường nhập khẩu LNG chính của Qatar.
0:00 / 0:00
0:00
Qatar thông báo kế hoạch tăng sản lượng khai thác LNG. (Ảnh APA)
Qatar thông báo kế hoạch tăng sản lượng khai thác LNG. (Ảnh APA)

Tuy nhiên, gần đây, nhu cầu từ các quốc gia châu Âu cũng tăng đáng kể sau khi bùng nổ cuộc xung đột Nga-Ukraine. Với hàng loạt thỏa thuận cung ứng khí đốt dài hạn đã được ký kết, Tập đoàn Năng lượng Quốc gia QatarEnergy mới đây thông báo kế hoạch tăng sản lượng khai thác LNG thêm 16 triệu tấn/năm, qua đó nâng tổng sản lượng LNG của quốc gia vùng Vịnh lên 142 triệu tấn/năm.

Bộ trưởng Năng lượng kiêm Giám đốc điều hành (CEO) Tập đoàn Năng lượng Quốc gia QatarEnergy, ông Saad al-Kaabi cho biết, với kế hoạch trên, tổng sản lượng khai thác của mỏ khí đốt North Field tăng 85%, từ mức 77 triệu tấn/năm hiện nay lên 142 triệu tấn/năm vào năm 2030.

Các nghiên cứu gần đây cho thấy, mỏ khí đốt lớn nhất thế giới North Field chứa trữ lượng khí đốt khổng lồ ước tính lên tới 240 nghìn tỷ ft3 (khoảng 6.800 tỷ m3). Mỏ khí đốt này giúp nâng trữ lượng khí đốt của Qatar từ 1,76 triệu tỷ ft3 lên hơn 2 triệu tỷ ft3.

Do đó, Qatar sẽ bắt đầu phát triển dự án LNG mới từ khu phía Tây mỏ North Field, với sản lượng khoảng 16 triệu tấn/năm. Tập đoàn QatarEnergy cho biết sẽ sớm khởi động dự án để bảo đảm hoàn thành kế hoạch tăng sản lượng đúng hạn.

Kế hoạch mới được công bố sau khi QatarEnergy ký một loạt thỏa thuận cung ứng khí đốt dài hạn. Đầu tháng 2/2024, Qatar cho biết sẽ cung cấp 7,5 triệu tấn LNG/năm cho Công ty Petronet của Ấn Độ trong 20 năm, với lô hàng đầu tiên dự kiến được bàn giao vào tháng 5/2028.

Ấn Độ đã ký một thỏa thuận trị giá 78 tỷ USD gia hạn nhập khẩu LNG từ Qatar thêm 20 năm - đến năm 2048. Petronet LNG Ltd - nhà nhập khẩu LNG lớn nhất Ấn Độ - cho biết, công ty này đã ký với QatarEnergy một hiệp ước gia hạn hợp đồng mua bán.

Theo đó, Ấn Độ sẽ tiếp tục mua 7,5 triệu tấn khí đốt hằng năm phục vụ nhiều mục đích khác nhau, bao gồm sản xuất điện, sản xuất phân bón và chuyển đổi thành khí nén thiên nhiên (CNG). Thỏa thuận này bảo đảm mức giá thấp hơn mức giá hiện tại.

Theo đó, Ấn Độ sẽ tiết kiệm được khoảng 6 tỷ USD trong suốt thời gian thực hiện hợp đồng. Petronet LNG Ltd hiện nhập khẩu 8,5 triệu tấn LNG/năm từ Qatar thông qua hai hợp đồng.

Hợp đồng đầu tiên, ban đầu có thời hạn 25 năm và dự kiến hết hạn vào năm 2028, vừa được gia hạn thêm 20 năm. Hợp đồng thứ hai, với 1 triệu tấn/năm, bắt đầu từ năm 2015.

Các nguồn tin cho biết, việc đàm phán gia hạn hợp đồng này sẽ được tiến hành riêng biệt. Giám đốc điều hành Petronet - ông Akshay Kumar Singh nhấn mạnh, thỏa thuận mới được gia hạn có tầm quan trọng quốc gia vì hiện chiếm khoảng 35% lượng LNG nhập khẩu của Ấn Độ.

Trước đó, hồi cuối tháng 1, QatarEnergy đã công bố thỏa thuận với Excelerate Energy có trụ sở tại Mỹ về việc cung cấp cho Bangladesh 1,5 triệu tấn LNG/năm trong 15 năm.

Năm ngoái, Qatar cũng đã ký các thỏa thuận cung cấp LNG với các Tập đoàn Sinopec (Trung Quốc), Total (Pháp), Shell (Anh) và Eni (Italia). Thị trường truyền thống của khí đốt Qatar thường là các nước châu Á, trong đó có Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Tuy nhiên, sau khi nổ ra cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, các nước châu Âu gấp rút tìm các nguồn cung khí đốt tự nhiên thay thế nguồn cung từ Nga. Tập đoàn năng lượng quốc gia QatarEnergy của Qatar thông báo đã đạt thỏa thuận cung cấp khí đốt tự nhiên cho Tập đoàn Eni của Italia trong 27 năm.

Theo thỏa thuận, Doha sẽ cung cấp 1 triệu tấn khí đốt/năm và việc chuyển giao LNG cho khu vực Tuscany của Italia dự kiến sẽ bắt đầu từ năm 2026. Thỏa thuận giữa QatarEnergy với Eni đạt được sau các thỏa thuận dài hạn giữa Qatar với các công ty châu Âu.

Qatar trước đó đã thông báo đạt thỏa thuận với Tập đoàn Shell của Anh trong vòng 27 năm. Total của Pháp cũng công bố thỏa thuận có thời hạn như của Shell với Qatar.