Gắn du lịch với nông thôn mới

Được chọn là một trong ba địa phương thực hiện Đề án "Xây dựng thí điểm sản phẩm OCOP về du lịch tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2023-2025", sau gần một năm triển khai, làng tranh Đông Hồ, phường Song Hồ, thị xã Thuận Thành đã góp phần từng bước hiện thực hóa mục tiêu đưa Bắc Ninh trở thành đơn vị kiểu mẫu về triển khai du lịch cộng đồng gắn với chương trình OCOP trong xây dựng nông thôn mới.
0:00 / 0:00
0:00
Nghệ nhân Nguyễn Hữu Hoa giới thiệu sản phẩm OCOP tranh dân gian Đông Hồ để bàn.
Nghệ nhân Nguyễn Hữu Hoa giới thiệu sản phẩm OCOP tranh dân gian Đông Hồ để bàn.

Trên nguyên tắc "Bản sắc địa phương, chất lượng toàn cầu", tại Đề án "Xây dựng thí điểm sản phẩm OCOP du lịch tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2023-2025", làng tranh Đông Hồ (nay thuộc khu phố Đông Khê, phường Song Hồ, thị xã Thuận Thành) đã được tỉnh Bắc Ninh xây dựng thí điểm sản phẩm OCOP du lịch cộng đồng.

Xây dựng sản phẩm OCOP du lịch

Vào một ngày xuân mưa bụi giăng lối, nghệ nhân Nguyễn Hữu Hoa hào hứng giới thiệu với chúng tôi bốn sản phẩm tranh dân gian Đông Hồ của gia đình mới được tỉnh công nhận là sản phẩm OCOP.

Nghệ nhân Nguyễn Hữu Hoa chia sẻ: "Để dòng tranh dân gian Đông Hồ đến gần hơn với khách du lịch, gia đình tôi đã sáng tạo, xây dựng các sản phẩm OCOP từ tranh dân gian gồm: Tranh khung trúc, tranh để bàn, tranh mành và tranh tập; cùng với các nguyên liệu làm tranh truyền thống như bột mầu và giấy dó. Điểm mới của các sản phẩm OCOP là kết hợp tranh dân gian với các vật liệu tự nhiên tại địa phương như mành tăm của Tương Giang (thành phố Từ Sơn), khung tre trúc của làng nghề Xuân Lai ( huyện Gia Bình), khung gỗ đặt hàng tại huyện Lương Tài và được sáng tạo từ đôi bàn tay của những người thợ khéo léo. Những sáng tạo này được đông đảo du khách đón nhận và đánh giá cao đã góp phần làm đa dạng sản phẩm du lịch từ chính dòng tranh dân gian Đông Hồ, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng và định hướng phát triển của tỉnh".

Làng Đông Hồ có nghề làm tranh dân gian độc đáo với lịch sử khoảng 500 năm. Từ năm 2013, nghề làm tranh dân gian Đông Hồ đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Thời kỳ hưng thịnh, trước năm 1944, cả làng có tới 17 dòng họ làm tranh dân gian, nay chỉ còn hai dòng họ giữ nghề và sống bằng nghề của cha ông, đó là dòng họ Nguyễn Hữu và Nguyễn Đăng với khoảng 30 người trực tiếp làm tranh.

Không chỉ bán các sản phẩm tranh truyền thống, để góp phần lưu giữ và quảng bá dòng tranh Đông Hồ, tại làng hiện nay có khu trưng bày, trình diễn nghệ thuật làm tranh, Bảo tàng tranh dân gian Đông Hồ của gia đình nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế phục vụ khách tham quan, trải nghiệm có thu phí.

Cơ sở sản xuất tranh Đông Hồ của gia đình nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Hữu Quả từ lâu đã trở thành một trong những địa chỉ văn hóa hấp dẫn thu hút du khách, nhất là du khách nước ngoài tới tìm hiểu, nghiên cứu, thưởng ngoạn và đặt hàng, mua tranh.

Gắn du lịch với xây dựng nông thôn mới

Với những giá trị độc đáo về di sản văn hóa, làng nghề truyền thống, lễ hội đặc sắc, tỉnh Bắc Ninh xác định phát triển du lịch cộng đồng tại khu vực nông thôn là một hướng đi chiến lược; từ đó góp phần nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới bền vững.

Tại làng tranh Đông Hồ, vào đầu năm 2023, tỉnh Bắc Ninh đã khánh thành Trung tâm bảo tồn tranh dân gian Đông Hồ để bảo tồn, phát huy giá trị của làng tranh. Đến đây du khách được tìm hiểu về nghề làm tranh dân gian Đông Hồ, hiểu hơn về lịch sử làng tranh cũng như được hòa mình trong không gian tái hiện "Chợ tranh Đông Hồ".

Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích và xúc tiến du lịch tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Văn Luyện cho biết: Cùng với các hoạt động của địa phương, Trung tâm Bảo tồn di tích và xúc tiến du lịch tỉnh cử cán bộ trực vào các ngày cuối tuần, khi có sự kiện để hướng dẫn du khách tham quan Trung tâm bảo tồn tranh dân gian Đông Hồ.

Theo đánh giá của Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thị xã Thuận Thành Nguyễn Văn Thịnh, làng tranh dân gian Đông Hồ hội đủ các điều kiện về tài nguyên để phát triển thành điểm du lịch cộng đồng theo tiêu chí OCOP. Việc kết hợp các tour, tuyến du lịch văn hóa tâm linh và du lịch làng nghề là một mô hình phù hợp và đã phát huy hiệu quả sau gần một năm triển khai. Đề án đã góp phần làm phong phú hơn sự trải nghiệm và giữ chân du khách ở lại thời gian dài hơn tại điểm du lịch cộng đồng trong làng tranh. Thời gian tới, thị xã tiếp tục tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, tạo không gian cảnh quan cho điểm du lịch cộng đồng tại làng tranh theo Đề án đã được phê duyệt, góp phần đẩy mạnh liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, thúc đẩy du lịch một cách bài bản, bền vững hơn.