Tinh gọn bộ máy, tạo sự đột phá phát triển Thành phố Hồ Chí Minh

NDO - Ngày 9/12, Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 khai mạc kỳ họp thứ 20 (kỳ họp thường lệ, cuối năm) đánh giá khách quan, toàn diện tình hình kinh tế, văn hóa, xã hội và quốc phòng an ninh năm 2024, phương hướng, nhiệm vụ năm 2025 của thành phố.
0:00 / 0:00
0:00
Toàn cảnh kỳ họp thứ 20.
Toàn cảnh kỳ họp thứ 20.

Đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành Ủy Thành phố Hồ Chí Minh tham dự kỳ họp.

Năm 2024, cùng với khó khăn chung của cả nước nhưng kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh có nhiều khởi sắc.

Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý sau tăng cao hơn quý trước và dự báo tăng trưởng GRDP ước cả năm khoảng 7,17%; thu ngân sách đạt hơn 502.000 tỷ, tăng 12% so năm 2023, đóng góp khoảng 27% tổng thu ngân sách cả nước. Kim ngạch xuất khẩu đạt 46,9 tỷ USD và tăng 10,4%.

Các công trình trọng điểm như tuyến Đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành-Suối Tiên) chuẩn bị đưa vào khai thác; đường Vành đai 3 đã đạt tiến độ giải phóng mặt bằng.

Tỷ lệ giảm nghèo đạt mục tiêu đề ra; các chương trình chăm lo nhà ở xã hội và xóa nhà ven kênh rạch như Bắc Kênh Đôi, Rạch Xuyên Tâm tiếp tục được triển khai một cách khẩn trương.

Về thực hiện Nghị quyết 98, trong 44 cơ chế đặc thù có 20 cơ chế bước đầu đạt kết quả, 10 cơ chế đang trong quá trình chuẩn bị thủ tục và các bước tiếp theo để triển khai…

Tuy nhiên, trong phát triển kinh tế-xã hội, Thành phố Hồ Chí Minh vẫn còn một số hạn chế, vướng mắc cần khắc phục, trong đó, tăng trưởng GRDP năm 2024 đạt 7,17%, trong khi mục tiêu tăng trưởng phấn đấu từ 7,5%-8%.

Các đột phá chiến lược về phát triển kết cấu hạ tầng, tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, chính sách tuy có nhiều chuyển biến nhưng chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là giải ngân vốn đầu tư công và tiến độ triển khai các dự án giảm ùn tắc giao thông, ngập nước, ô nhiễm môi trường, phát triển nhà ở xã hội, cải tạo chung cư cũ, giải quyết nhà ở ven kênh rạch…

Song song với phát triển kinh tế-xã hội, Thành phố Hồ Chí Minh đang gấp rút sắp xếp, tinh giản bộ máy.

Tại kỳ họp lần này, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất đổi tên 283/634 khu phố tại các phường sau sáp nhập; đề xuất số lượng cán bộ làm việc tại 41 phường mới.

Cụ thể, các phường mới tại quận 6, 11, Gò Vấp hình thành khi sáp nhập 3 phường thì bố trí tối đa 8 cán bộ. Với 16 phường mới tại quận 3, 5, 10, 11, Gò Vấp thực hiện sáp nhập 2 phường nhưng chưa hoàn thiện phương án nhân sự đại hội nhiệm kỳ 2025-2030 thì được bố trí 7 cán bộ. 21 phường mới còn lại được bố trí 6 cán bộ.

Tổng công chức làm việc tại 41 phường mới là 1.046 người, giảm 154 người so với năm 2024.

Tổng số cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã làm việc tại 41 phường mới năm 2025 là 2.732 người.

Trong đó: 269 cán bộ, 1.046 công chức và 982 người hoạt động không chuyên trách, giảm 435 người.

Ngoài ra, Ủy ban nhân dân thành phố cũng đề xuất mức hỗ trợ cho hơn 1.000 nhân sự dôi dư khi sáp nhập phường.

Cụ thể, thành phố đề xuất trợ cấp thêm 1,5 tháng tiền lương hiện hưởng cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi, trợ cấp thêm 5 tháng tiền lương hiện hưởng cho 20 năm đầu công tác, có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc; từ năm thứ 21 trở đi, cứ mỗi năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc được trợ cấp thêm 0,5 tháng tiền lương hiện hưởng.

Trường hợp hưởng chính sách tinh giản biên chế do sắp xếp đơn vị hành chính, trợ cấp thêm 5 tháng tiền lương hiện hưởng; trợ cấp thêm 1,5 tháng tiền lương hiện hưởng cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi so với tuổi nghỉ hưu.

Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cũng đề xuất hỗ trợ thêm với người hoạt động không chuyên trách cấp xã dôi dư nghỉ việc do sắp xếp đơn vị hành chính.

Theo đó, trợ cấp thêm 3 tháng phụ cấp hiện hưởng để tìm việc làm; 1,5 tháng phụ cấp hiện hưởng cho mỗi năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Tổng ước ngân sách Thành phố Hồ Chí Minh cần bảo đảm hằng năm cho các khoản hỗ trợ thêm hơn 1.000 cán bộ nghỉ việc do tinh giản biên chế, sắp xếp đơn vị hành chính gần 175 tỷ đồng.

Dự kiến trong vòng 5 năm, mỗi năm thành phố sẽ tinh giản 147 cán bộ, công chức do sắp xếp 80 phường, ngân sách thành phố sẽ hỗ trợ gần 23 tỷ đồng/năm.

Trong năm 2025, nếu giải quyết hết cho 251 người hoạt động không chuyên trách cấp xã dôi dư do sắp xếp các phường, thành phố sẽ hỗ trợ với tổng kinh phí hơn 45 tỷ đồng.