Thương hiệu quốc gia Việt Nam vươn xa trên bản đồ thế giới
Trong những năm gần đây, thương hiệu quốc gia Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu ấn tượng. Việt Nam không chỉ nằm trong Top 100 quốc gia có thương hiệu mạnh mà còn là quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương hiệu nhanh nhất thế giới giai đoạn 2019-2022. Năm 2024, giá trị thương hiệu quốc gia đạt 507 tỷ USD, xếp hạng 32/193 quốc gia, tăng 2% về giá trị và 1 bậc so với năm 2023.
Thành công này của Việt Nam có sự đóng góp quan trọng của các doanh nghiệp, các tập đoàn kinh tế có quy mô lớn, giữ vai trò nòng cốt, tiên phong dẫn dắt sự phát triển của các ngành, lĩnh vực và nền kinh tế như Viettel, PVN, Vingroup, FPT, TH, Vinamilk...
"Xây dựng, phát triển thương hiệu quốc gia Việt Nam là nhiệm vụ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, mang tính chiến lược, là sứ mệnh của tất cả chúng ta với sự kiên trì, nỗ lực và sáng tạo không ngừng nghỉ", tại Lễ công bố sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2024 với chủ đề "Vươn mình tiến vào Kỷ nguyên Xanh" tối 4/11 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đánh giá.
Thủ tướng cho rằng, các doanh nghiệp với thương hiệu quốc gia của mình không chỉ phát triển các ngành kinh doanh truyền thống, mà còn phải dồn lực để thu hút đầu tư và tạo sức bật cho các ngành, lĩnh vực tiên phong; không chỉ tăng trưởng dựa vào vốn, vào khai thác tài nguyên như trước, mà phải dựa vào khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo; không chỉ là phát huy, làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống mà còn phải phát huy được các động lực tăng trưởng mới đến từ kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ.
Xây dựng, phát triển thương hiệu quốc gia Việt Nam là nhiệm vụ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, mang tính chiến lược, là sứ mệnh của tất cả chúng ta với sự kiên trì, nỗ lực và sáng tạo không ngừng nghỉ.
Thủ tướng Phạm Minh Chính
"Chúng ta cần hiểu rõ rằng thương hiệu không chỉ là sự khẳng định về chất lượng sản phẩm, mà còn là cam kết về phát triển bền vững để "Vươn mình tiến vào Kỷ nguyên Xanh"", Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định.
"Cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam nói chung cần tiếp tục phát huy những giá trị cốt lõi: Chất lượng - Đổi mới - Sáng tạo - Năng lực tiên phong. Tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, gắn bó, vì lợi ích của doanh nghiệp gắn với lợi ích quốc gia, dân tộc, nỗ lực vượt khó, đổi mới sáng tạo, không ngừng nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và từng bước cải thiện vững chắc năng lực cạnh tranh trong khu vực và toàn cầu, đóng góp cho sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước". Đó là lời nhắn nhủ của Thủ tướng Phạm Minh Chính với các doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam.
Trước đó, nhân sự kiện Báo Nhân Dân ra mắt chuyên trang Thương hiệu quốc gia vào ngày 22/10, Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo Nhân Dân cũng đánh giá rằng, giá trị của sản phẩm Thương hiệu quốc gia giúp cho nhiều doanh nghiệp có thêm bệ đỡ, cất cánh trên thị trường quốc tế. Không ít thương hiệu sản phẩm Việt Nam đã mang tầm vóc thế giới.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, đó là kết quả từ những nỗ lực của Chính phủ trong cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh, đẩy mạnh xuất nhập khẩu, hỗ trợ phát triển thương hiệu sản phẩm và doanh nghiệp. Đồng thời, cũng là sự khẳng định vị thế hàng đầu vững chắc của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nhằm duy trì tốc độ tăng trưởng cao, cả về lợi nhuận và doanh thu, giữ vững thị trường nội địa và phát triển thị trường xuất khẩu, dù gặp phải không ít khó khăn, thách thức trong thời gian qua.
Phát triển thương hiệu nhờ trí tuệ nhân tạo
Cách đây 25 năm, rất ít thông tin về Việt Nam xuất hiện trên các phương tiện truyền thông nước ngoài. Trong giai đoạn những năm 1999, 2000, cũng có một vài công ty Việt Nam đã ra nước ngoài nhưng thực sự khi nhắc đến Việt Nam, các đối tác trên thế giới không biết gì hơn ngoài hai từ “chiến tranh” hoặc hỏi lại “Việt Nam ở đâu?”. Chúng ta chưa có thương hiệu quốc gia.
Việt Nam bắt đầu xây dựng thương hiệu quốc gia từ hơn 20 năm trước, nhưng trước đó, có những doanh nghiệp đã tự tin tìm đường đi ra biển lớn và kiên trì mục tiêu ấy suốt 25 năm nay như FPT. Nhờ đó, họ đã gặt hái nhiều thành quả nhờ hành trình vừa xây dựng thương hiệu vừa hợp tác cùng đối tác nước ngoài để phát triển, tiên phong ghi tên Việt Nam trên bản đồ công nghệ số thế giới.
Tuần qua, phát biểu khai mạc phiên thảo luận với chủ đề “Song hành kiến tạo tương lai mới”, ông Trương Gia Bình, nhà sáng lập, Chủ tịch Tập đoàn FPT xúc động gửi lời cám ơn tới 500 lãnh đạo doanh nghiệp toàn cầu đã vượt “trùng khơi” tham dự FPT Techday để lắng nghe một mong muốn duy nhất của FPT. Đó là “đồng hành cùng quý vị, hợp tác để vượt qua một tương lai đầy thách thức và cũng thật hứng khởi”.
Với trí tuệ nhân tạo, doanh nghiệp có thể tiết kiệm được chi phí ở mọi khâu.
Chủ tịch HĐQT FPT Trương Gia Bình
Ông Trương Gia Bình điểm lại hành trình 25 năm FPT và các doanh nghiệp công nghệ Việt bước ra toàn cầu với “cuộc chiến” xuất khẩu phần mềm với nhiều thất bại trước khi có được thành công. “Đến nay đã có khoảng nửa triệu kỹ sư phần mềm. Tôi tin rằng, tương lai sẽ có thêm hàng triệu kỹ sư bán dẫn, trí tuệ nhân tạo”, ông Bình khẳng định.
Vậy làm sao để cùng nhau chung tay cho tương lai? Ông Bình cho rằng doanh nghiệp có nhiều giới hạn cần phải tuân thủ. Vì vậy, hợp tác quốc tế là yếu tố cần thiết để thích ứng. Mục đích là duy trì kinh doanh liên tục, cung cấp khả năng tận dụng nhân sự từ đối tác.
Theo Chủ tịch FPT, cách vận hành cũ vẫn đang tồn tại, các doanh nghiệp cần dùng AI hơn bao giờ hết để hiện đại hóa hơn. "Với AI, doanh nghiệp có thể tiết kiệm được chi phí ở mọi khâu", ông nhấn mạnh.
Chủ tịch Trương Gia Bình cho biết, FPT đang chuyển đổi AI mạnh mẽ hơn bao giờ hết khi hợp tác với những cái tên khổng lồ trên thế giới ở lĩnh vực phát triển AI như NVIDIA, Landing AI... FPT cũng đặt chiến lược tập trung vào AI để hướng đến mục tiêu xanh hóa.
Trí tuệ nhân tạo đã mang lại những thành công lớn cho FPT. Ông Trương Gia Bình kể lại hai câu chuyện tiêu biểu: Trong đại dịch, một doanh nghiệp vận tải ở Mỹ đã lựa chọn FPT trong số 200 nhà cung cấp phần mềm vì FPT ứng dụng AI từ triển khai đến bảo trì. Nhờ AI, FPT giúp khách hàng tiết kiệm chi phí và giảm thời gian làm việc nhiều lần. Vừa qua, FPT có được hợp đồng mới trị giá 225 triệu USD với khách hàng tại Mỹ cũng nhờ ứng dụng AI vào quá trình làm việc với khách hàng. Đây là dự án có giá trị cao nhất từ trước đến nay của FPT.
FPT cũng hợp tác với tập đoàn truyền thông Nhật Bản, giúp tối ưu hóa 30% chi phí dự án và giảm thời gian triển khai tới 6 tháng nhờ công nghệ AI.
"Trong giai đoạn bảo trì, chúng tôi lên kế hoạch để đơn giản hóa quy trình. Không cần nhân viên phải học ngôn ngữ hay công nghệ mới, họ vẫn có thể làm việc hiệu quả với các hệ thống toàn diện. Với AI, cả hệ thống lớn chỉ cần 1-2 chuyên gia", ông Bình chia sẻ.
Ông Trương Gia Bình cũng nhắc đến nhà máy trí tuệ nhân tạo (nhà máy AI hay AI Factory) do FPT đang được phát triển tại Việt Nam và Nhật Bản. Khi vận hành, dự án này sẽ giúp xử lý dữ liệu dễ dàng hơn, huấn luyện các mô hình AI để từ đó phát triển nhiều giải pháp tiên tiến hơn.
"Ngoài ra, chúng tôi có những AI studio giúp khách hàng xử lý dữ liệu, huấn luyện mô hình để hệ thống học máy không ngừng phát triển và ngày càng cải thiện”, ông Trương Gia Bình nói.
Dấu ấn Việt Nam với đối tác toàn cầu
Theo số liệu từ Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện nay có khoảng trên 1.500 doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đi ra nước ngoài với doanh thu ước tính khoảng 7,5 tỷ USD. Doanh thu thị trường xuất khẩu nước ngoài đang đóng góp khoảng 80% tổng doanh thu của các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam. Đằng sau những con số đáng tự hào này là những câu chuyện truyền cảm hứng của những doanh nghiệp tiên phong, sẵn sàng dấn thân, vượt thách thức, ghi dấu ấn Việt Nam với đối tác toàn cầu.
FPT là một trong những câu chuyện truyền cảm hứng cho cộng đồng doanh nghiệp công nghệ Việt. 25 năm toàn cầu hóa, FPT không chỉ vượt qua cột mốc 1 tỷ USD doanh thu cung cấp dịch vụ CNTT từ thị trường nước ngoài mà còn khẳng định vị thế trong Top 50 công ty dịch vụ CNTT khu vực châu Á thái Bình Dương và là đối tác quan trọng của các tập đoàn lớn trong đa lĩnh vực.
Mới đây nhất, tại Diễn đàn công nghệ FPT Techday 2024, FPT đã bắt tay cùng các tập đoàn công nghệ toàn cầu - NVIDIA, SCSK, ASUS, Hewlett Packard Enterprise, VAST Data, và DDN Storage, nỗ lực thúc đẩy phát triển và vận hành Nhà máy tri tuệ nhân tạo (AI) tại Việt Nam và Nhật Bản.
Theo đó, FPT và các đối tác cam kết hợp lực về chuyên môn, nguồn lực để khai thác tiềm năng của nhà máy AI, nghiên cứu phát triển trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, đồng thời thúc đẩy AI có chủ quyền tại Việt Nam và Nhật Bản.
Các đối tác đều bày tỏ mong muốn hợp tác với FPT để cùng đưa Việt Nam tiến vào thập kỷ mới của những bước tiến công nghệ vượt bậc, góp phần phát triển trí tuệ nhân tạo toàn cầu.
Ông Dennis Ang, Giám đốc kinh doanh cấp cao khu vực châu Á, Úc và New Zealand của NVIDIA cho hay: “Trí tuệ nhân tạo đang tái định hình hình các quốc gia và lĩnh vực. Tận dụng nền tảng AI toàn diện của NVIDIA, FPT đang nỗ lực mở rộng quy mô của nhà máy AI để có thể hỗ trợ các doanh nghiệp trên toàn cầu”.
Ông Dennis Ang, Giám đốc kinh doanh cấp cao của NVIDIA chia sẻ tại lễ công bố. |
Cũng tại Techday 2024, trước hàng nghìn khán giả tham dự, ông Takuya Sakai, Tổng giám đốc Hitachi HighTech đã chia sẻ câu chuyện đầy ấn tượng về hợp tác giữa Hitachi HighTech và FPT.
Khoảng 5 năm trước, Hitachi HighTech khởi động dự án chuyển đổi số nhằm tái tổ chức quy trình kinh doanh. Đây không chỉ là dự án chuyển đổi số mà còn là chuyển đổi kinh doanh, với hai mục tiêu chính là đơn giản hóa quy trình và số hóa mọi hoạt động.
Theo lời kể của ông Takuya Sakai, Hitachi HighTech đã trao đổi với nhiều đối tác nhưng câu trả lời của họ đều là không có đủ nguồn lực để triển khai dự án. Và FPT với năng lực công nghệ và khả năng huy động nhanh nguồn lực đã giúp Hitachi HighTech rút ngắn thời gian triển khai dự án từ 8 tháng xuống còn 3 tháng. Ông Takuya Sakai cũng bày tỏ mong muốn FPT sẽ tiếp tục đồng hành với vai trò là đối tác chiến lược để triển khai giai đoạn tiếp theo của dự án.
Hitachi HighTech không phải là câu chuyện duy nhất về những ấn tượng của khách hàng Nhật Bản với FPT. Trước đó, FPT cũng đã nhận được lời cảm tạ chưa từng có trong tiền lệ của Zenrin, Tập đoàn bản đồ lớn nhất Nhật Bản. 500 nhân sự của Zenrin đứng xếp vòng quanh từ sảnh cho tới hành lang vòng trên tận lầu 3 tòa nhà trụ sở của Zenrin để đón chào bằng những tràng pháo tay ròn rã và gửi lời cảm ơn chân thành nhất đến đại diện của FPT.
Không đồng hành cùng Zenrin trong dự án số hóa bản đồ Nhật Bản ngay từ đầu, nhưng FPT lại đóng vai trò quyết định sự thành bại của dự án. Zenrin đặt ra cho FPT bài toán “vá” hàng nghìn lỗi trong thời gian vẻn vẹn 3 tháng để đảm bảo tính chính xác tuyệt đối của các thông tin trên bản đồ sau khi số hóa. FPT đã cập nhật lại dữ liệu, hoàn thiện tất cả các quy trình vận hành, đưa hệ thống vào hoạt động xuất sắc đúng thời gian đối tác cần.
Giống như FPT, MISA là một doanh nghiệp công nghệ Việt ra đời sau thời kỳ đổi mới và được biết đến như một công ty cung cấp phần mềm về tài chính kế toán cho doanh nghiệp vừa và nhỏ phổ biến nhất. Sau hơn 20 năm “định vị” mình với sản phẩm phần mềm phục vụ thị trường trong nước, MISA mới có “bước rẽ muộn” sang cung cấp sản phẩm ra thị trường nước ngoài (go global) với mong muốn lớn mạnh gấp nhiều lần.
“Tinh thần “chiến binh”, một nét văn hóa đặc trưng của MISA, là yếu tố then chốt giúp hiện thực hóa khát vọng ghi danh MISA như một thương hiệu Việt uy tín về cung cấp sản phẩm phần mềm trên bản đồ công nghệ thông tin thế giới”, CEO MISA Lữ Thành Long bày tỏ quyết tâm.
Nhờ kinh nghiệm từ những doanh nghiệp đi trước, nhiều doanh nghiệp “sinh sau đẻ muộn” đã sớm hái quả ngọt khi đặt mục tiêu đi ra thế giới (go global) ngay từ đầu. Sau 5 năm phát triển DrAid™, VinBrain đã trở thành một “ông lớn” trong lĩnh vực ứng dụng trí tuệ nhân tạo và thị giác máy tính trên thế giới, giúp sàng lọc ung thư với độ chính xác cao lên tới 95%.
Lựa chọn thị trường Nhật Bản để đặt những viên gạch thành công đầu tiên, CEO của Rikkei, ông Tạ Sơn Tùng với 3 năm tu nghiệp tại Nhật Bản đã mơ ước quay trở lại chinh phục thị trường này. Người tác động lớn nhất tới Tùng ở thời điểm năm 2015 là ông Trương Gia Bình. “Ông nói với tôi, nếu muốn thành công ở thị trường Nhật thì đừng làm tản mát, phải tập trung vào đối tượng khách hàng. Như vậy, Tùng phải sang Nhật để làm việc, tiếp xúc trực tiếp với người Nhật”.
Đầu năm 2016, Tạ Sơn Tùng đưa cả nhà sang Nhật. Đó cũng là năm, Rikkei Soft thành lập pháp nhân tại Nhật Bản là Rikkei Japan. Từ vài chục nhân viên của 8 năm trước, tính đến tháng 5/2023, Rikkei Soft có trên 1.600 nhân viên, 100% nhân viên sử dụng ngoại ngữ, 94% là đại học, còn lại là trên đại học. 43% là nhân viên có thâm niên dưới 3 năm. Hiện Rikkei Soft có 4 chi nhánh tại Việt Nam, 4 chi nhánh tại Nhật Bản (Tokyo, Osaka, Fukuoka và Nagoya).
Cùng kiến tạo tương lai số
AI, bán dẫn, công nghệ ô-tô, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn, điện toán đám mây cùng nhiều công nghệ mới đang trở thành những công cụ sản xuất quan trọng trong nhiều ngành, nhiều lĩnh vực tạo ra những biến đổi sâu sắc và hình thành phương thức sản xuất mới tiên tiến, hiện đại - phương thức sản xuất số.
AI, bán dẫn, công nghệ ô-tô, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh không chỉ là tương lai của FPT mà còn là những công nghệ sẽ góp phần đưa Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới.
Tổng Giám đốc FPT Nguyễn Văn Khoa
Hướng tới một cuộc sống thông minh, tiện lợi và kết nối cho khách hàng toàn cầu, FPT định hướng phát triển hệ sinh thái công nghệ xoay quanh năm trụ cột: AI - BÁN - XE - SỐ - XANH (trí tuệ nhân tạo, bán dẫn, công nghệ ô tô số, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh).
Trong tương lai, hệ sinh thái số này sẽ mang lại giải pháp toàn diện trong y tế với siêu ứng dụng chăm sóc sức khỏe; trong giáo dục với nền tảng học tập và đào tạo mọi lúc mọi nơi; trong doanh nghiệp với hệ sinh thái giải pháp tự động hóa và khai thác dữ liệu, AI; trong lĩnh vực giải trí với nền tảng giải trí đa chiều, không giới hạn.
Tại FPT Techday 2024, Tổng Giám đốc FPT, ông Nguyễn Văn Khoa nhấn mạnh: “AI, bán dẫn, công nghệ ô-tô, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh không chỉ là tương lai của FPT mà còn là những công nghệ sẽ góp phần đưa Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới. Yếu tố then chốt để các công nghệ này phát huy sức mạnh là cần phải có nguồn nhân lực chất lượng cao và sự sẵn sàng của dữ liệu - tư liệu sản xuất mới trong kỷ nguyên số”.
Khi giá trị thương hiệu của một quốc gia tăng trưởng, tất cả hàng hóa, dịch vụ của quốc gia đó cũng sẽ được hưởng lợi. Cái tên Việt Nam càng trở nên quen thuộc và uy tín cũng sẽ góp phần thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam, đồng thời đưa doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập toàn cầu.
Cùng với sự phát triển vượt bậc của nguồn nhân lực và năng lực làm chủ công nghệ, FPT và các doanh nghiệp Việt Nam đang nâng cao vị thế thương hiệu quốc gia trên bản đồ công nghệ thế giới. Những nỗ lực này không chỉ thúc đẩy kinh tế mà còn khẳng định Việt Nam là điểm đến lý tưởng cho các công nghệ tiên tiến trong tương lai.