Động lực từ chuyển đổi xanh, chuyển đổi số

Công nghệ số, trí tuệ nhân tạo, kinh tế số, kinh tế xanh, phát thải các-bon thấp, hướng tới Net zero là xu thế tất yếu của thời đại mới. Đây cũng là cơ hội để các quốc gia tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế-xã hội, rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các khu vực, thúc đẩy đạt được các mục tiêu thịnh vượng và bền vững.
0:00 / 0:00
0:00
Start-up Việt tham gia Triển lãm công nghệ InnovFest x Asia 2024 tại Singapore. (Ảnh KỲ DUYÊN)
Start-up Việt tham gia Triển lãm công nghệ InnovFest x Asia 2024 tại Singapore. (Ảnh KỲ DUYÊN)

Vấn đề cách mạng trong chuyển đổi số, chuyển đổi xanh được thảo luận đa chiều trong Diễn đàn kinh tế mới Việt Nam 2024 vừa qua với chủ đề Khởi tạo nền kinh tế mới: Cách mạng trong chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và vai trò tiên phong của doanh nghiệp.

Mô hình tăng trưởng mới

Nhấn mạnh việc chuyển đổi số, chuyển đổi xanh sẽ là yêu cầu bắt buộc cho quá trình phát triển kinh tế trong giai đoạn hiện nay, Phó Viện trưởng Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Nguyễn Hoa Cương chỉ ra, nền kinh tế Việt Nam gần như đã đạt tới hạn trong khai thác các yếu tố liên quan tới lao động giá rẻ, sử dụng nhiều tài nguyên. Do đó, cần tận dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo và phải có cách tiếp cận mới về vấn đề này nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

Trong 5 năm gần đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tập trung nhiều vào việc xây dựng mô hình kinh tế mới như kinh tế ban đêm, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn và xây dựng Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến năm 2030; đồng thời, có rất nhiều Chiến lược quốc gia về phát triển kinh tế số, xã hội số, nhân lực số và gần đây nhất là xây dựng Chương trình Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đây chính là sự chuẩn bị mang tính chiến lược về mô hình mới, không gian mới, mục tiêu mới, cơ hội mới.

Thông tin tại Diễn đàn cho biết, để đạt được mục tiêu trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam cần đạt mức tối thiểu từ 6-6,5% liên tục trong vòng 20 năm tới. Điều này cần sự đột phá trong cải cách, cơ chế, chính sách nhằm tạo nền tảng, động lực mới để có thể phát huy tính vượt trội của các mô hình kinh tế mới và thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng của Việt Nam.

Những năm gần đây, Việt Nam đã chủ động, tích cực tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trên toàn diện các lĩnh vực kinh tế-xã hội, đạt được những thành tựu ấn tượng, được ghi nhận và đánh giá trên cả bình diện khu vực và quốc tế: Tốc độ phát triển kinh tế số của Việt Nam được đánh giá nhanh nhất Đông Nam Á, dự báo đến năm 2025, kinh tế số sẽ đạt 20% GDP; Việt Nam liên tiếp tăng bậc trong xếp loại chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu, năm 2024, có 3 chỉ số đứng đầu thế giới gồm chỉ số nhập khẩu công nghệ cao, xuất khẩu công nghệ cao và xuất khẩu hàng hóa sáng tạo.

TS Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam cho biết: Việt Nam cần có những quy định cụ thể nhằm xác định được việc hỗ trợ của kinh tế số cho quá trình chuyển dịch xanh. Bên cạnh đó, cần những chính sách mang tính chất quy chuẩn về ứng dụng công nghệ số trong quá trình sản xuất để chuyển đổi xanh, hỗ trợ quá trình đầu tư vào chuyển đổi số, đóng góp cho mục tiêu tăng trưởng xanh. Quá trình này rất cần nguồn lực từ các khu vực khác nhau, nhất là nguồn lực từ Chính phủ, các nhà tài trợ quốc tế, các tổ chức tài chính, tín dụng.

Cần nguồn lực rất lớn

Theo ông Tim Evans, Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam, nhờ sẵn sàng đón nhận sự thay đổi, Việt Nam đã trải qua một chặng đường dài để có được vị thế như hôm nay. Không chỉ đơn giản xoay quanh thu hút FDI và xuất khẩu, gần đây đã có những động lực mới xuất hiện, tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng của Việt Nam lên một tầm cao mới. Chuyển đổi số và chuyển đổi xanh sẽ giúp Việt Nam mở đường cho tăng trưởng dài hạn, tuy nhiên, nguồn lực cho quá trình chuyển dịch này rất lớn. Hiện tại, Việt Nam mới chi 1% GDP cho hoạt động chuyển đổi số trong khi ước tính cần 270 tỷ USD để nền kinh tế chuyển đổi số, bao gồm cả khu vực công và doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (ISPONRE) nhận định, động lực thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế trong thời gian qua chủ yếu tập trung vào đầu tư hạ tầng, các cảng hàng không; định hướng xây dựng trung tâm thị trường tài chính châu Á ở Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh,… Nhưng vấn đề nổi lên hiện nay là chuyển dịch nền kinh tế từ nâu sang xanh, trong khi quy mô nền kinh tế của Việt Nam năm 2020 chỉ có 2% là xanh và hiện tăng lên khoảng 4-4,5%. Do đó, để chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, cần tập trung vào tài chính xanh, công nghệ xanh và nâng cao năng lực xanh.

Để thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới từ kinh tế số, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Chính phủ tập trung tăng cường hợp tác, tổ chức đối thoại kinh tế với các đối tác chiến lược toàn diện, đối tác chiến lược, tiếp tục phát huy hiệu quả cơ chế tổ công tác làm việc với từng doanh nghiệp, nhà đầu tư để thu hút các tập đoàn đa quốc gia, nhà đầu tư chiến lược trong các lĩnh vực chíp, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo,… đồng thời, nghiên cứu các gói chính sách với quy mô đủ lớn, phù hợp, khả thi để hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới; triển khai hiệu quả Chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, Chương trình phát triển nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn; Đề án 06, tăng cường kết nối, chia sẻ với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Bên cạnh đó, các cơ quan hữu quan cần hoàn thiện cơ chế, chính sách, phát huy tối đa hiệu quả vai trò của Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia, cả ở trung ương, các vùng và địa phương để thúc đẩy phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp.

Theo các chuyên gia kinh tế, nhận thức và nhận diện rõ tính đột phá của hoạt động chuyển đổi số, chuyển đổi xanh cũng như đánh giá toàn diện và thực chất thực tiễn triển khai 2 công cuộc chuyển đổi này vào thời điểm hiện nay, có giá trị hết sức to lớn và quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam, là cơ sở để bứt phá về quan điểm, tư duy và hành động. Năng lực cạnh tranh của các quốc gia, các nền kinh tế, các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng toàn cầu thời gian tới không chỉ có khả năng sản xuất và cung ứng hàng hóa, mà còn thể hiện được tính vượt trội trong chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi bao trùm.