Hiến máu, hiến tiểu cầu với tinh thần sẵn sàng của người lính Trường Sa

NDO - Năm 2017, kết thúc những năm tháng công tác tại các huyện đảo xa xôi ở Trường Sa bảo vệ Tổ quốc, ông Trần Văn Toan (Mê Linh, Hà Nội), hằng tháng đều chở vợ mình từ Mê Linh, vượt quãng đường gần 20km xuống Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương để hiến máu. Ông bảo, con đường này chẳng thấm là gì so với con đường hành quân hàng trăm cây số trong thời gian quân ngũ của mình. 
0:00 / 0:00
0:00
Ông Trần Văn Toan (Mê Linh, Hà Nội) và vợ Vương Thị Hòa đã có hơn 100 lần hiến tiểu cầu.
Ông Trần Văn Toan (Mê Linh, Hà Nội) và vợ Vương Thị Hòa đã có hơn 100 lần hiến tiểu cầu.

Truyền cảm hứng cho gia đình cùng tham gia hiến máu, hiến tiểu cầu

Ông Trần Văn Toan là bộ đội đã nghỉ hưu. Trong mấy chục năm công tác với vai trò của một người lính trực tiếp bảo vệ tổ quốc, ông Toan đã đặt dấu chân mình trên nhiều vùng đất của Tổ Quốc từ Lào Cai, Hà Tiên và đặc biệt là nhiều năm công tác tại quần đảo Trường Sa.

Ông nói khi làm nhiệm vụ ở các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, ông không có cơ hội để tham gia hiến máu, hiến tiểu cầu. Đến năm 2017, sau khi về hưu, trở về quê nhà ông mới bắt đầu biết đến tham gia hiến máu, rồi hiến tiểu cầu.

Với tinh thần người lính, sẵn sàng cống hiến bất cứ khi nào nhân dân cần, lần đầu tiên đi hiến máu tại địa phương, người cựu chiến binh biết rằng mình chỉ còn 4,5 năm nữa là hết tuổi hiến máu, ông đã đặt quyết tâm sẽ đi hiến máu thật nhiều cho đến năm 60 tuổi.

Ông Toan chia sẻ, ở địa phương nơi ông sinh sống, mỗi năm chỉ tổ chức hiến máu 1-2 lần, cho tới khi con gái ông đang theo học tại Trường Đại học Sư phạm 2 ngỏ ý muốn bố đưa đi hiến máu tại Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương, ông mới biết có thể đến hiến máu thường xuyên tại Viện.

“Con gái thấy tôi đi hiến máu thì rất vui, nhân ngày nghỉ cháu nói muốn bố chở xuống Viện Huyết học ở Hà Nội để hiến máu. Đưa con đến đây thì tôi thấy Viện chỉ cách nhà tôi khoảng 18km, không là gì so với quãng đường ngày trước chúng tôi đã hành quân bộ hàng trăm cây số. Đến đây tôi mới biết hiến tiểu cầu có thể hiến đều mỗi tháng, từ đó tới giờ cứ đủ ngày là tôi đi hiến tiểu cầu, từ năm 2019 đến nay tôi đã hiến được 24 lần", ông Toan chia sẻ.

Hiến máu, hiến tiểu cầu với tinh thần sẵn sàng của người lính Trường Sa ảnh 1

Gần 30 năm rèn luyện trong quân ngũ đã tạo nên một người chiến sĩ Trần Văn Toan nhân ái, cao thượng, đầy trách nhiệm với cộng đồng. Ông Toan tâm sự về động lực để mình hiến tiểu cầu thường xuyên: “Tôi thường đọc tin tức, xem truyền hình và thấy những người bệnh có hoàn cảnh khó khăn mà cần phải truyền máu, đặc biệt là những cháu nhỏ. Tôi thấy mình may mắn khi biết được những thông tin này để có thể góp một phần nhỏ giúp đỡ các cháu".

Đồng hành với ông Toan trên con đường thiện nguyện luôn có vợ ông, bà Vương Thị Hòa. Đến nay, hai ông bà đã có hơn 100 lần hiến tiểu cầu. Tinh thần hiến máu cứu người được lan tỏa trong cả đại gia đình ông. Có lần cả dâu, rể, con cháu,… hơn 11 người cùng nhau đi hiến máu, hiến tiểu cầu.

Trong chương trình Gặp mặt người hiến tiểu cầu tình nguyện năm 2024 diễn ra sáng 26/10, tại Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương, 200 đại biểu được mời tham dự đều có tối thiểu 20 lần hiến tiểu cầu từ trước đến nay và tối thiểu 10 lần hiến tiểu cầu trong 12 tháng gần đây.

Có mặt tại chương trình gặp mặt những người hiến tiểu cầu tiêu biểu của Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương, anh Hoàng Ngọc Tuyến (Long Biên, Hà Nội) và vợ Nguyễn Thị Hà Giang cũng chia sẻ nhiều cảm xúc về hành trình tham gia hiến tiểu cầu.

Với gần 70 lần hiến máu, hiến tiểu cầu, anh Hoàng Ngọc Tuyến (Long Biên, Hà Nội) luôn đều đặn có mặt tại Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương mỗi tháng.

Anh Tuyến tham gia hiến máu lần đầu năm 2007 khi đang công tác tại UBND phường Gia Thụy, quận Long Biên. Từ đó, anh bắt đầu tìm hiểu về lợi ích và ý nghĩa của việc hiến máu tình nguyện và quyết tâm sẽ thực hiện hành động này nhiều hơn.

Hiến máu, hiến tiểu cầu với tinh thần sẵn sàng của người lính Trường Sa ảnh 2

Anh Hoàng Ngọc Tuyến và vợ là chị Nguyễn Thị Hà Giang (Long Biên, Hà Nội) nhiều năm liền tích cực hiến tiểu cầu.

Từ những điểm hiến máu tại nơi ở, cơ quan làm việc, anh Tuyến đã chủ động tìm kiếm thông tin và hiến máu tại nhiều nơi. Có khi đi đường gặp điểm hiến máu lưu động, anh cũng tạm ngưng công việc, ghé vào hiến máu. Anh không nghĩ nhiều đến việc mình sẽ nhận lại được điều gì, đó chỉ đơn thuần xuất phát từ tấm lòng nhân ái, mong muốn được cho đi. Cũng chính vì lẽ đó, hành động đẹp của anh Tuyến đã truyền cảm hứng đến người vợ lúc nào không hay.

Ba năm trở lại đây, anh Tuyến và vợ là chị Nguyễn Thị Hà Giang biết đến hoạt động hiến tiểu cầu. Từ đó, đều đặn mỗi tháng, anh chị luôn dành thời gian đến Viện hiến tiểu cầu. Do tính chất công việc nên vợ chồng anh Tuyến chỉ có thể đi hiến tiểu cầu vào cuối tuần. Đến nay, anh Tuyến đã có 66 lần hiến máu, trong đó có 38 lần hiến tiểu cầu. Còn chị Hà Giang cũng đã hiến máu 40 lần, trong đó có 28 lần hiến tiểu cầu.

Gia đình chị em Huỳnh Thị Mỹ An-Huỳnh Hải Bình hay Lê Thanh Nam-Lê Quyết Thắng, mỗi người cũng đã “tậu” cho mình cả trăm cuốn “sổ đỏ” giấy chứng nhận hiến máu nhờ sự bền bỉ đóng góp của mình.

Chị Mỹ An có 102 lần hiến, trong đó 72 lần hiến tiểu cầu tình nguyện; riêng năm 2024, chị đã ghi dấu 18 lần. Anh Hải Bình dù hiến máu sau chị gái mình, nhưng đã kịp vượt qua chị An với 106 lần hiến, trong đó có 68 lần hiến tiểu cầu tình nguyện, năm nay anh cũng hiến tiểu cầu 13 lần.

Tận dụng mọi cơ hội để được đi hiến máu, hiến tiểu cầu

Trong số 200 đại biểu tham dự chương trình năm nay, xuất hiện nhiều cá nhân đạt số lần hiến tiểu cầu tình nguyện trong năm rất cao. Đứng đầu danh sách là anh Nguyễn Văn Hiếu (sinh năm 1993) đã có tổng cộng 129 lần hiến, trong đó 116 lần hiến tiểu cầu, riêng năm 2024 là 13 lần hiến tiểu cầu. Anh Hiếu cũng vinh dự là một trong 100 người hiến máu tiêu biểu toàn quốc năm 2024.

Hiến máu, hiến tiểu cầu với tinh thần sẵn sàng của người lính Trường Sa ảnh 3

Anh Nguyễn Văn Hiếu (sinh năm 1993) đã có tổng cộng 129 lần hiến máu và hiến tiểu cầu.

Kể từ ngày đầu hiến máu “thử một lần cho biết”, 12 năm trôi qua, chàng trai Nguyễn Văn Hiếu (31 tuổi, Hà Nội) vẫn bền bỉ, gắn bó với hoạt động hiến máu tình nguyện với mong muốn mang đến những đơn vị tiểu cầu, những giọt máu đào góp phần thắp lên niềm hy vọng sống, đem đến hạnh phúc cho người bệnh và người nhà của họ.

Ba năm đầu tiên, Hiếu hiến máu toàn phần, sau đó chuyển sang hiến tiểu cầu. "Hiến máu bây giờ đối với tôi như một thói quen. Dù công việc bận rộn nhưng cứ đến ngày nhắc lại, tôi sẽ cố gắng sắp xếp công việc để đi hiến. Nếu hôm nào đó đúng lịch hiến máu mà không đi được, tôi có cảm giác như thiếu một điều gì đó, như kiểu buổi sáng thức dậy mà mình không đánh răng vậy”, Hiếu tâm sự.

Người hiến tiểu cầu nhiều nhất trong năm 2024 lên tới 20 lần. Đó là anh Nguyễn Văn Tỉnh, Khoái Châu, Hưng Yên, đã hiến máu và tiểu cầu tổng 70 lần, trong đó 50 lần hiến tiểu cầu, riêng năm 2024 là 20 lần hiến tiểu cầu. Năm 2019, anh Tỉnh cũng được tôn vinh 100 người hiến máu tiêu biểu toàn quốc.

Hiến máu, hiến tiểu cầu với tinh thần sẵn sàng của người lính Trường Sa ảnh 4
Nguyễn Văn Tỉnh cùng các con xếp hình lá cờ Tổ quốc từ những giấy chứng nhận hiến máu của mình.

Hầu hết những người tham dự chương trình đều phải di chuyển hàng chục cây số, như quãng đường họ đều đặn 3 tuần một lần đến hiến tiểu cầu. Nếu ở Hà Nội thì cũng đi từ Mê Linh, Sóc Sơn, Gia Lâm hoặc đến từ các tỉnh lân cận như: Hưng Yên, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Nam Định, Ninh Bình…

Người lớn tuổi nhất tại chương trình là ông Hoàng Văn Lụa (60 tuổi, Gia Lâm – Hà Nội), đã hiến máu và tiểu cầu tổng 35 lần, trong đó 29 lần hiến tiểu cầu. Cuối năm nay, ông sẽ hết tuổi được hiến, vì thế chắc để tận dụng mọi cơ hội, ông đã kịp hiến tiểu cầu 15 lần trong năm 2024.

Nghĩa cử cao đẹp hiến máu của các gia đình tiêu biểu rồi đây chắc chắn sẽ nhân lên ở các thành viên khác trong gia đình, nhân lên ở những gia đình khác trong cộng đồng, để có thêm sự lan tỏa về sự tận hiến, giúp thêm nhiều người bệnh có nguồn tiểu cầu điều trị bệnh, duy trì sự sống.