Cùng suy ngẫm

Trường học với an toàn giao thông của học sinh

An toàn giao thông trong và ngoài trường học đối với học sinh luôn là vấn đề được cơ quan chức năng và toàn xã hội quan tâm. Năm 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Công văn số 1669/BGDĐT-GDCTHSSV về bảo đảm trật tự an toàn giao thông tại các cơ sở giáo dục. Đầu mỗi năm học, một số nhà trường đã tổ chức ký cam kết giữa cha mẹ học sinh, học sinh và nhà trường về chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về an toàn giao thông.
Học sinh, sinh viên diễu hành hưởng ứng Tháng hành động an toàn giao thông ngày 5/10/2024. (Ảnh: QUỲNH NGUYỄN)
Học sinh, sinh viên diễu hành hưởng ứng Tháng hành động an toàn giao thông ngày 5/10/2024. (Ảnh: QUỲNH NGUYỄN)

Thế nhưng, thời gian gần đây, nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng vẫn xảy ra, gây hậu quả đau lòng cho gia đình và toàn xã hội. Tình trạng học sinh, sinh viên vi phạm luật giao thông còn diễn biến phức tạp, phổ biến là các vi phạm như: Phóng nhanh, vượt ẩu, đánh võng, lạng lách, vượt đèn đỏ, không đội mũ bảo hiểm; học sinh trung học phổ thông điều khiển xe mô-tô, xe gắn máy khi chưa đủ tuổi hoặc chưa có giấy phép lái xe...

Theo Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, năm 2023, khoảng 7,8% số nạn nhân thương vong do tai nạn giao thông là ở độ tuổi trẻ em, tương đương khoảng 900 trẻ em tử vong và gần 1.200 bị thương, trong số đó, gần 1.500 trẻ em là học sinh bậc trung học phổ thông.

Theo Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, năm 2023, khoảng 7,8% số nạn nhân thương vong do tai nạn giao thông là ở độ tuổi trẻ em, tương đương khoảng 900 trẻ em tử vong và gần 1.200 bị thương, trong số đó, gần 1.500 trẻ em là học sinh bậc trung học phổ thông.

Đáng chú ý, tai nạn giao thông không chỉ xảy ra ở bên ngoài nhà trường mà còn diễn ra ngay cả trong khuôn viên trường học. Chỉ một thời gian ngắn, cả nước đã xảy ra hai vụ tai nạn khi phụ huynh điều khiển ô-tô trong sân trường gây tai nạn.

Vào đầu năm học, các cơ sở giáo dục cần tổ chức cho học sinh, cha mẹ học sinh, cán bộ, giáo viên, nhân viên ký cam kết chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về an toàn giao thông. Học sinh đi xe đến trường phải đăng ký phương tiện, chủng loại để trường phối hợp công an địa phương kiểm tra, quản lý.

Bản thân học sinh cần được học tập, tìm hiểu, trang bị những kiến thức, kỹ năng và các giá trị văn hóa giao thông an toàn; thực hiện nghiêm túc Luật Giao thông đường bộ khi tham gia giao thông. Các trường cần lồng ghép giáo dục an toàn giao thông vào môn học hoặc sinh hoạt ngoại khóa.

Gần đây, Phòng Cảnh sát giao thông một số địa phương phối hợp các cơ sở giáo dục đẩy mạnh công tác tuyên truyền an toàn giao thông là rất thiết thực, qua đó, nâng cao kiến thức pháp luật, góp phần xây dựng văn hóa giao thông cho học sinh, đồng thời nêu cao tinh thần trách nhiệm của gia đình, nhà trường trong việc bảo đảm trật tự an toàn giao thông cho học sinh.

Khu vực sân trường cần được bảo vệ nghiêm ngặt hơn, tăng cường cảnh giác khi xuất hiện bất kỳ phương tiện cơ giới nào đang hoạt động trên sân.