Trên mạng xã hội X, người phát ngôn IDF, ông Avichay Adraee nêu rõ, vì sự an toàn, người dân tại các khu vực trên hãy lập tức rời khỏi nhà.
Cùng ngày, IDF cũng mở rộng khu vực cảnh báo an toàn, bao trùm nhiều thị trấn và thành phố trên cả nước, trong đó có thành phố Jerusalem và Tel Aviv. Quân đội yêu cầu hạn chế tụ tập và kêu gọi người dân nên ở gần hầm trú bom.
Trong diễn biến khác, người đứng đầu văn phòng truyền thông của lực lượng Hezbollah, ông Mohammad Afif cho biết, hiện không có binh sĩ nào của Israel trên lãnh thổ Liban, đồng thời tuyên bố các cuộc oanh kích của lực lượng này vào thành phố Tel Aviv vài giờ trước đó “chỉ là sự khởi đầu".
Căng thẳng Hezbollah-Israel: Israel phong tỏa 3 khu vực giáp Liban
Ông Afif nhấn mạnh, Hezbollah vẫn chưa "đụng độ trên bộ trực tiếp” với binh lính của Israel, song sẽ sẵn sàng làm như vậy nếu cần.
Cùng ngày, Trung Quốc bày tỏ “hết sức quan ngại” sau khi Israel tuyên bố phát động chiến dịch tấn công trên bộ vào Liban, làm leo thang xung đột sau 1 tuần không kích khiến hàng trăm người thiệt mạng.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc ra tuyên bố nhấn mạnh Bắc Kinh hết sức lo ngại tình hình hiện tại giữa Liban và Israel, cũng như diễn biến căng thẳng khu vực tiếp tục leo thang do các hành động quân sự liên quan.
Trong khi đó, Nga đã kêu gọi Israel rút quân khỏi Liban, cảnh báo chiến dịch tấn công sẽ khiến bạo lực tiếp tục leo thang ở Trung Đông.
Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố: “Nga cực lực lên án chiến dịch tấn công vào Liban và kêu gọi Israel lập tức chấm dứt hành động thù địch, rút quân khỏi lãnh thổ Liban và tham gia tìm kiếm các giải pháp hòa bình thực sự để giải quyết xung đột Trung Đông".
Trong phản ứng của mình, người phát ngôn Văn phòng Nhân quyền Liên hợp quốc (UNHRO), bà Liz Throssell, cảnh báo, cuộc tấn công trên bộ quy mô lớn của Israel vào Liban “sẽ chỉ dẫn đến nhiều đau khổ hơn".
Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA) cũng bày tỏ "vô cùng quan ngại" về cuộc tấn công trên bộ của Israel.
Người phát ngôn của OCHA, ông Jens Laerke kêu gọi tất cả các bên ưu tiên bảo vệ dân thường, tuân thủ luật nhân đạo quốc tế và tham gia vào các biện pháp giảm leo thang ngay lập tức để ngăn chặn thêm thương vong và đau khổ.
Trước đó cùng ngày, OCHA và Thủ tướng Liban đã đưa ra lời kêu gọi khẩn cấp 426 triệu USD để giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo tại quốc gia này trong 3 tháng tới.
Theo ông Laerke, số tiền này nhằm giúp 1 triệu người ở Liban, song ông cảnh báo rằng với những diễn biến mới nhất, "mọi thứ có thể trở nên tồi tệ hơn".
Theo bà Throssell, hàng chục nghìn ngôi nhà trên khắp Liban đã bị hư hại hoặc phá hủy, các cơ sở y tế đã bị hư hại, với 10% trung tâm y tế ở Liban đã đóng cửa.
Kể từ tháng 10/2023, có 41 nhân viên y tế ở Liban đã thiệt mạng và 111 người bị thương, trong đó có 14 người thiệt mạng chỉ trong 2 ngày qua.
Bà Throssell cũng cho biết thêm, hơn 60.000 người đã phải di dời ở Israel trong bối cảnh Hezbollah bắn tên lửa trong năm qua, đồng thời kêu gọi tất cả các bên trong cuộc xung đột "làm mọi cách có thể để bảo vệ mạng sống của thường dân".
Tuyên bố của Chính phủ Italy, nước đang giữ chức Chủ tịch luân phiên nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7), cho biết, Italy sẽ tiếp tục nỗ lực nhằm giảm căng thẳng tại Trung Đông.
Thủ tướng Giorgia Meloni đã điện đàm với người đồng cấp Liban, ông Najib Mikati và khẳng định nỗ lực đạt một thỏa thuận ngừng bắn và một giải pháp ngoại giao cho cuộc xung đột này.
Về phần mình, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ba Lan, ông Pawel Wronski cho biết nước này sẽ giảm số nhân viên tại Đại sứ quán ở Beirut và sẽ tổ chức đưa công dân Ba Lan rời Liban.