Thời gian qua, nhiều nước, khu vực trên thế giới ghi nhận số vụ lừa đảo trực tuyến tăng đột biến. Chỉ trong sáu tháng đầu năm 2024, Cơ quan Thị trường tài chính Bỉ đã tiếp nhận hơn 1.300 báo cáo về các vụ lừa đảo trực tuyến, tăng gần 50% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi đó, kết quả cuộc khảo sát được công bố cuối tháng 8 vừa qua cho thấy, tội phạm mạng khiến các doanh nghiệp Đức chịu thiệt hại khoảng 300 tỷ USD trong 12 tháng qua, tăng 29% so với năm trước đó.
Tại châu Á, Bộ Kỹ thuật số Malaysia cho biết, nước này đã thiệt hại khoảng 700 triệu USD do lừa đảo trực tuyến liên quan gần 96.000 nạn nhân trong giai đoạn từ năm 2021 đến tháng 4/2024. Tuy nhiên, con số này có thể chỉ là "phần nổi của tảng băng chìm" bởi nhiều nạn nhân không muốn báo cáo với các nhà chức trách.
Singapore cũng cảnh báo, tình hình tội phạm chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng ngày càng diễn biến phức tạp khi số vụ lừa đảo trong sáu tháng đầu năm 2024 tăng 16,3% so với cùng kỳ năm trước, với mức thiệt hại gần 300 triệu USD.
Khu vực Mỹ Latin ghi nhận số vụ tấn công mạng vào điện thoại thông minh cao kỷ lục. Báo cáo mới nhất của công ty an ninh mạng Kaspersky cho biết, người dùng điện thoại thông minh tại Mỹ Latin hứng chịu 3,9 triệu vụ tấn công mạng từ tháng 8/2023 đến 7/2024, mức cao nhất từng được ghi nhận tại đây.
Lý giải nguyên nhân tình trạng mất an ninh mạng và lừa đảo trực tuyến gia tăng đột biến, Bộ trưởng Kỹ thuật số Malaysia Gobind Singh Deo nhận định, đây là vấn đề hậu đại dịch Covid-19 mà hầu hết các nước gặp phải, khi tội phạm lợi dụng xu hướng người dân chuyển sang làm việc trực tuyến để tăng cường hoạt động trên không gian mạng. Ngoài ra, các nền tảng kỹ thuật số như mạng xã hội và ứng dụng nhắn tin cũng là mảnh đất màu mỡ để tội phạm mạng khai thác.
Chuyên gia tại Kaspersky cho biết, ngày càng có nhiều nạn nhân bị lừa đảo do người dùng mạng xã hội vô tư chia sẻ thông tin cá nhân trên mạng, đồng thời, việc mua bán thông tin trên nhiều diễn đàn chưa được ngăn chặn triệt để.
Trong bối cảnh đó, nhiều nước trên thế giới đang mạnh tay triển khai các biện pháp bảo đảm an ninh mạng và ngăn chặn các vụ lừa đảo trực tuyến. Sáu tháng đầu năm nay, cảnh sát Singapore đã chặn đứng các âm mưu lừa đảo chiếm đoạt hơn 204 triệu USD, đồng thời xóa 2.700 tài khoản người dùng và quảng cáo có dấu hiệu lừa đảo.
Thái Lan cũng phát động chiến dịch nâng cao nhận thức, trang bị các kỹ năng giúp người dân nhận diện và xử lý các trường hợp lừa đảo trực tuyến. Trong khi đó, Malaysia dự kiến yêu cầu các nền tảng trực tuyến, ứng dụng như Facebook, X, TikTok, WhatsApp đăng ký và gia hạn giấy phép hằng năm, nhằm bảo đảm một hệ sinh thái trực tuyến an toàn và bảo mật cho người dân.
Mới đây, Ủy ban chuyên trách của Liên hợp quốc đã thông qua dự thảo Công ước Liên hợp quốc về phòng chống tội phạm mạng. Giám đốc điều hành Văn phòng Liên hợp quốc về chống ma túy và tội phạm Ghada Waly nhận định, đây là bước tiến lịch sử trong hợp tác đa phương phòng chống tội phạm. Nếu được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua, công ước sẽ trở thành văn kiện pháp lý mang tính toàn cầu đầu tiên hướng tới trấn áp các hành vi phạm tội trên không gian mạng.