Dồn sức khôi phục hạ tầng điện, đường, viễn thông

Bão số 3 (Yagi) quét qua miền bắc gây thiệt hại nặng nề cho các tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,... Hầu hết công trình hạ tầng như giao thông, điện, viễn thông bị thiệt hại nghiêm trọng, đường giao thông phải phong tỏa, sân bay đóng cửa, nhiều khu vực bị mất điện trên diện rộng, điện thoại nghẽn mạch, khiến liên lạc bị ảnh hưởng.
Cán bộ, nhân viên Viettel khắc phục sự cố mạng lưới thông tin liên lạc do bão tại Hải Phòng.
Cán bộ, nhân viên Viettel khắc phục sự cố mạng lưới thông tin liên lạc do bão tại Hải Phòng.

Ngay khi gió bão còn chưa ngớt, lực lượng cán bộ, công nhân ngành giao thông, điện lực, viễn thông,... đã tỏa đến các “điểm nóng”, những vị trí xung yếu, nơi xảy ra sự cố để nhanh chóng khắc phục, nhằm “thông mạch” điện, đường, thông tin một cách nhanh chóng nhất.

Phục hồi mạng lưới điện-viễn thông

Các nhà mạng viễn thông đã lập tức lên kế hoạch phối hợp, triển khai dịch vụ chuyển vùng di động (roaming) miễn phí, giúp thuê bao của mạng di động bị gián đoạn thông tin có thể tự động kết nối để thực hiện cuộc gọi, nhắn tin SMS trên hạ tầng của nhà mạng khác và ngược lại. Động thái này đã hỗ trợ chính quyền, người dân bảo đảm thông tin tại những vùng bị cô lập khi mạng viễn thông đang sử dụng gặp sự cố, không có sóng liên lạc.

Tập đoàn VNPT đã điều động gần 200 nhân lực và phương tiện hỗ trợ tỉnh Quảng Ninh và thành phố Hải Phòng. Đến trưa 8/9, VNPT cơ bản khôi phục liên lạc trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Tại thành phố Hải Phòng, do điện lưới mất trên diện rộng, cây đổ và ngập lụt nhiều nơi, việc khôi phục thông tin liên lạc vẫn gặp nhiều khó khăn. VNPT đã huy động hàng trăm cán bộ, công nhân viên từ các đơn vị lân cận cùng VNPT Hải Phòng tập trung xử lý sự cố, đến cuối ngày 8/9 cũng đã khôi phục liên lạc.

Trong sáng 8/9, nhiều đoàn cán bộ kỹ thuật của MobiFone tỏa đi các “điểm nóng” để kịp thời ứng cứu thông tin, phục vụ khách hàng khắc phục hậu quả sau bão. Trung tâm mạng lưới MobiFone miền bắc huy động tối đa lực lượng từ tất cả các địa bàn khác ứng cứu khu vực trọng điểm.

Tập đoàn Viettel cũng dồn toàn bộ nguồn lực kỹ thuật tinh nhuệ nhất để ứng cứu thông tin, gần 500 đội ứng cứu thông tin với quân số kỹ thuật khoảng 8.000 người đã được tăng cường cho các địa phương bị ảnh hưởng. Đến 5 giờ sáng ngày 8/9, Viettel khắc phục 1.710 vị trí mất điện, khôi phục 25 link truyền dẫn, 5 vị trí đứt cáp trục, cáp nhánh.

Bão số 3 gây thiệt hại nặng nề cho hệ thống điện, cả lưới điện truyền tải và lưới điện phân phối; 10 nhà máy điện phải dừng một số tổ máy để bảo đảm an toàn (5 đường dây 500 kV, 31 đường dây 220 kV, 97 đường dây 110 kV bị thiệt hại, 10 nhà máy phải dừng, giảm công suất). Đến 6 giờ ngày 8/9, phụ tải không cung cấp được ở miền bắc là 63%, nặng nhất là tại Quảng Ninh lên tới 99% và tại Hải Dương 98%.

Tổng Giám đốc Tổng công ty Điện lực miền bắc Nguyễn Đức Thiện khẳng định, nhiệm vụ quan trọng nhất của ngành điện hiện nay là nhanh chóng khắc phục sự cố để cấp điện trở lại sớm nhất cho khách hàng, trong đó đặc biệt ưu tiên cấp điện cho các phụ tải thiết yếu quan trọng và trạm bơm tưới tiêu, thoát úng.

Đến 22 giờ 30 phút ngày 7/9, các đơn vị điện lực đã đóng điện lại cho tất cả trạm biến áp và đường dây 220 kV bị ảnh hưởng và tiếp tục kiểm tra an toàn đường dây 110 kV để đóng điện trở lại. Bên cạnh đó, 3/10 nhà máy nhiệt điện đã được phục hồi, các nhà máy khác đang được khẩn trương khắc phục.

Sáng 8/9, lưới điện miền bắc, nơi bão đi qua vẫn vô cùng ngổn ngang, Quảng Ninh và Hải Phòng bị ảnh hưởng nặng nề nhất chưa thể thống kê chính xác thiệt hại. Về lưới điện 110 kV, đến 6 giờ 30 phút sáng 8/9, toàn miền bắc đang vận hành 275/353 trạm biến áp và 561/650 đường dây 110 kV, trong đó Công ty Điện lực Quảng Ninh đã khắc phục được 5 trạm biến áp và 7 đường dây; Hải Phòng khôi phục 12 trạm biến áp và 6 đường dây; riêng hệ thống lưới điện trung, hạ áp chưa có con số chính thức.

Bảo đảm giao thông thông suốt

Theo Cục Đường bộ Việt Nam, tính đến 3 giờ 50 phút ngày 8/9, Cục đã nhận được báo cáo nhanh của các khu quản lý đường bộ I, II, III và sở giao thông vận tải các tỉnh miền bắc chịu ảnh hưởng bão. Nhìn chung, giao thông trên các tuyến quốc lộ vẫn được bảo đảm an toàn, thông suốt, chưa có thiệt hại về tính mạng và tài sản do mất an toàn giao thông. Các tuyến đường cao tốc như Pháp Vân-Cầu Giẽ, Cầu Giẽ-Ninh Bình, Hà Nội-Hải Phòng, Cao Bồ-Mai Sơn và hầm Tam Điệp không xảy ra thiệt hại đáng kể.

Giám đốc Khu Quản lý đường bộ I Đinh Trung Thành cho biết, trên đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng, có 4 biển báo chỉ dẫn vào đường Tân Vũ-Lạch Huyện (Hải Phòng) bị hư hỏng. Trong bão, cầu Đình Vũ, cầu Bãi Cháy (Quảng Ninh) và cầu Kiền trên Quốc lộ 10 qua thành phố Hải Phòng đã phải phong tỏa, cấm toàn bộ người và phương tiện lưu thông qua để bảo đảm an toàn. Cầu Đình Vũ được thông xe lúc 22 giờ ngày 7/9.

Chiều 7/9, tuyến đường cao tốc Hạ Long-Vân Đồn gặp một số sự cố, đơn vị vận hành quyết định phong tỏa đoạn đường, tạm ngừng lưu thông để bảo đảm an toàn cho người dân. Đại diện đơn vị vận hành (Công ty cổ phần BOT Biên Cương và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đầu tư và phát triển hạ tầng Vân Đồn) cho biết, lực lượng bảo trì, khai thác các tuyến đường đã huy động phương tiện và nhân lực “xuyên đêm” trong bão khắc phục sự cố.

Đến đêm 7/9, đường cao tốc Hạ Long-Vân Đồn lưu thông an toàn trở lại. Tuy nhiên, mưa lớn kéo dài đêm 7/9 và hoàn lưu sau bão dự báo gây mưa lớn tới 400 mm đe dọa ngập úng, sạt trượt, có thể gây nguy hiểm cho người và phương tiện lưu thông. Do đó, đơn vị vẫn tiếp tục cử nhân sự trực 100% nhằm sẵn sàng ứng phó.

Theo Cục Hàng không Việt Nam, khoảng 120 chuyến bay (103 chuyến bay nội địa và 17 chuyến bay quốc tế) bị hủy do bão số 3. Do chủ động phòng chống, bão không gây thiệt hại đáng kể tại Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài, không ảnh hưởng đến hoạt động bay.

Hiện tại, các sân bay Nội Bài, Vân Đồn và Cát Bi đã mở cửa khai thác trở lại. Lúc 23 giờ 49 phút ngày 7/9, Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài đã tiếp thu, khai thác tàu bay. Đến 0 giờ 5 phút ngày 8/9, chuyến bay VJ959 của hãng Vietjet (chặng Fukuoka, Nhật Bản-Hà Nội) hạ cánh an toàn tại Nội Bài. Trong ngày 8/9, cảng phục vụ 514 lượt chuyến bay.

Đại diện Cảng Hàng không quốc tế Vân Đồn cho biết, sân bay Vân Đồn chịu thiệt hại nặng nề về cơ sở vật chất, tuy nhiên không ghi nhận bất kỳ sự cố, tai nạn nào liên quan người, phương tiện, trang thiết bị bảo đảm hoạt động bay.

Trong đêm 7/9, ngay sau khi gió giảm bớt cường độ, cán bộ nhân viên của cảng nhanh chóng bắt tay vào khắc phục sự cố, dồn toàn lực sửa chữa, gia cố nhằm bảo đảm điều kiện bay an toàn. “Đây là lần đầu, sân bay Vân Đồn ứng phó một sự cố thiên tai gây thiệt hại nghiêm trọng như vậy. Chúng tôi sẽ hoàn thiện quy trình ứng phó thiên tai, bảo đảm thích ứng trong mọi tình huống”, ông Hoàng Văn Dũng, Giám đốc Cảng Hàng không quốc tế Vân Đồn khẳng định.

Đến sáng 8/9, hầu hết sự cố do bão số 3 gây ra được ngành đường sắt khôi phục, giải tỏa thông suốt, bảo đảm an toàn công trình, an toàn chạy tàu. Ông Trần Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, đến 8 giờ ngày 8/9, hầu hết các tuyến đường sắt đã được thông suốt, bảo đảm an toàn công trình, an toàn chạy tàu.

Chung tay chia sẻ khó khăn với người dân Quảng Ninh, Hải Phòng, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã quyết định hỗ trợ vé khứ hồi cho chương trình tình nguyện của Hiệp hội Doanh nghiệp Huế phối hợp Đoàn Thanh niên các tỉnh, chở miễn phí các tình nguyện viên từ tỉnh Thừa Thiên Huế đến Quảng Ninh, Hải Phòng hỗ trợ khắc phục hậu quả. Dự kiến, 100 tình nguyện viên sẽ lên tàu SE4, xuất phát tại Ga Huế lúc 15 giờ 32 phút ngày 9/9.