Phát huy vai trò cấp ủy trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu

Huyện Yên Mô (Ninh Bình) hiện đã hoàn thành tất cả các tiêu chí huyện nông thôn mới nâng cao, thu nhập bình quân năm 2023 đạt gần 61 triệu đồng/người, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo giảm còn 1,97%. Thực tế cho thấy, yếu tố quan trọng để xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu là phát huy được vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền, tạo được sự đồng thuận trong nhân dân.
0:00 / 0:00
0:00
Ðường giao thông ở xã Yên Lâm, huyện Yên Mô. (Ảnh ANH TUẤN)
Ðường giao thông ở xã Yên Lâm, huyện Yên Mô. (Ảnh ANH TUẤN)

Khai thác đúng tiềm năng

Ðến huyện Yên Mô, chúng tôi cảm nhận sự phấn khởi của người dân trước kết quả xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. Anh Phùng Văn Lanh, Trưởng xóm 1, thôn Phúc Lại, xã Yên Từ, chia sẻ khi dẫn chúng tôi thăm khu sản xuất dưa lưới của gia đình: "Ðược cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện và nhiều đảng viên trong chi bộ thôn động viên, hướng dẫn, mời tham gia các lớp tập huấn, tôi đã mạnh dạn thuê 4 ha đất và mượn thêm 3 ha đất ruộng của bà con để đầu tư trồng các loại dưa lưới, dưa chuột và một số cây rau vụ đông. Trong đó, riêng sản phẩm dưa lưới năm 2023 của gia đình đạt gần 28 tấn, thu về 222 triệu đồng".

Từ mô hình của anh Phùng Văn Lanh, nhiều hộ dân trên địa bàn đã học hỏi và nhân rộng, trở thành cách làm kinh tế gia đình hiệu quả ở vùng quê giàu tiềm năng này. Toàn huyện Yên Mô hiện có năm vùng sản xuất đã được cấp mã số vùng trồng; hai vùng sản xuất đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về an toàn thực phẩm.

Mỗi xã đều có sản phẩm nông nghiệp chủ lực, sản xuất theo hướng hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, bảo đảm an toàn thực phẩm. Nhiều mô hình tổng hợp kết hợp trồng cây ăn quả với chăn nuôi, thủy sản cho thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng.

Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nguyễn Thị Len, việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện trước đây tuy có bước tiến, nhưng sản xuất nông nghiệp phần lớn quy mô nhỏ, giá trị sản xuất và hiệu quả kinh tế chưa cao, thiếu ổn định, chưa tương xứng tiềm năng, lợi thế của địa phương. Việc thu hút đầu tư và nguồn lực vào nông thôn còn hạn chế.

Làm thế nào để phát huy tiềm năng và lợi thế của địa phương trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu là nỗi trăn trở của các đồng chí lãnh đạo các cấp và là vấn đề được bàn sâu trong nhiều cuộc họp của Ban Thường vụ Huyện ủy Yên Mô.

Phát huy vai trò chủ thể, tính chủ động, tích cực của người dân là nền tảng động lực trong thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu của huyện. Xác định rõ mục tiêu, Huyện ủy đã ban hành nghị quyết chuyên đề về phát triển nông nghiệp hàng hóa theo hướng hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, bảo đảm an toàn thực phẩm và xây dựng nông thôn mới đến năm 2025, trong đó nhấn mạnh trọng tâm là đề cao vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy và cả hệ thống chính trị.

Ðồng chí Cao Trường Sơn, Bí thư Huyện ủy Yên Mô cho biết, Huyện ủy phân công rõ ràng trách nhiệm, địa bàn phụ trách đối với từng đồng chí trong Ban Thường vụ, Ban Chấp hành trong việc cùng cấp ủy, chính quyền cơ sở xác định nội dung, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để thực hiện chỉ đạo xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu; yêu cầu cao đối với người đứng đầu về trách nhiệm kiểm tra, giám sát, cũng như tăng cường hoạt động đối thoại ở cơ sở, tích cực chủ động đồng hành cùng người dân và doanh nghiệp.

Đề cao vai trò cấp ủy

Yên Đồng là một trong những địa phương có xuất phát điểm thấp nhất toàn huyện. Nhưng lại là địa phương được chọn để xây dựng nông thôn mới nâng cao.

Theo Bí thư Ðảng ủy xã Trần Xuân Ðông, quá trình lãnh đạo tổ chức thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao, Ðảng ủy phân công rõ trách nhiệm từng cá nhân, trước hết là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền phải thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, kiểm đếm những việc làm được, chưa được để đưa ra các giải pháp phù hợp nhằm thực hiện đạt hiệu quả. Thực tế ở Yên Ðồng cho thấy, các đồng chí cấp ủy viên, đảng viên đang công tác đã gần dân hơn, nắm rõ tâm tư, nguyện vọng của người dân, chủ động cùng người dân bàn cách làm ăn, xây dựng nếp sống văn hóa; đề xuất, tham mưu cho chi bộ thôn, xóm những vấn đề người dân quan tâm. Qua đó, người dân thêm tin cán bộ, đảng viên, tự giác học tập đảng viên, đoàn kết phát triển kinh tế gia đình, xây dựng thôn, xóm ngày thêm giàu đẹp, văn minh. Xã đã từng bước phát huy được thế mạnh, tiềm năng của mình với nhiều mô hình có hiệu quả kinh tế cao, như: nuôi ếch Thái Lan, nuôi bò sinh sản, nuôi cá trạch sụn, cá trê đồng, nuôi cá nước ngọt theo hướng thâm canh ứng dụng công nghệ cao, nuôi gà thả vườn...

Bí thư Huyện ủy Yên Mô Cao Trường Sơn chia sẻ: Cùng với đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, phải thật sự coi trọng đổi mới phương thức lãnh đạo, nêu cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu các cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát,... trên cơ sở phân công, phân nhiệm rõ ràng. Các đồng chí cấp ủy, chính quyền có đi sâu, đi sát cơ sở, trực tiếp đối thoại với cán bộ, đảng viên và nhân dân, nâng cao chất lượng tiếp xúc cử tri,... thì mới có căn cứ để xác định đúng, trúng các vấn đề trọng tâm, khâu then chốt, những vấn đề bức thiết do cuộc sống đặt ra, từ đó xây dựng thành công chương trình hành động thiết thực, hiệu quả. Các cấp, các ngành tập trung giải quyết rốt ráo những kiến nghị, nguyện vọng chính đáng của nhân dân, kịp thời định hướng, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo môi trường đầu tư thuận lợi thông qua ban hành và thực hiện tốt các cơ chế, chính sách thì mới tạo được sự đồng thuận, tích cực tham gia của người dân và doanh nghiệp.

Thực tiễn cho thấy, những giải pháp này đã giúp huyện thực hiện thắng lợi nhiều nhiệm vụ chính trị, được đa số nhân dân đồng tình. Ðến nay, huyện Yên Mô đã hoàn thành tất cả các tiêu chí huyện nông thôn mới nâng cao. Bình quân giá trị sản xuất nông nghiệp năm 2023 đạt 150 triệu đồng/một héc-ta đất canh tác.

Bên cạnh đó, trên địa bàn huyện hiện có hai cụm công nghiệp đang hoạt động, chín làng nghề, thu hút hơn 13.000 lao động. Năm 2023, doanh thu từ công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp của huyện đạt hơn 1.835 tỷ đồng. Thu nhập bình quân năm qua đạt gần 61 triệu đồng/người, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo giảm còn 1,97%.