Giá dầu bật tăng trước lo ngại nguồn cung bị thắt chặt
Theo MXV, giá dầu quay đầu đi lên trong phiên giao dịch hôm qua khi nguồn cung dầu tại Libya tiếp tục bị gián đoạn và kế hoạch giảm sản lượng ở Iraq làm dấy lên lo ngại về sự thắt chặt hơn nữa trên thị trường toàn cầu. Kết phiên, giá dầu thô Brent tăng 1,29 USD, tương đương 1,6%, lên mức 79,94 USD/thùng. Dầu thô WTI tăng gần 1,9%, lên 75,91 USD/thùng.
Gián đoạn nguồn cung dầu ở Libya đã kéo dài sang ngày thứ 5, khiến sản lượng dầu của nước này sụt giảm hơn một nửa, trong khi hoạt động xuất khẩu đã bị tạm ngưng. Theo tính toán của Reuters, hoạt động khai thác của nước này đang chịu ảnh hưởng, ước tỉnh khoảng 700.000 thùng dầu mỗi ngày trên tổng số công suất hơn 1 triệu thùng/ngày. Rủi ro nguồn cung từ Libya qua đó thúc đẩy đà tăng đối với giá trong bối cảnh thị trường vốn đã thắt chặt dưới tác động đến từ chính sách cắt giảm sản lượng của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+).
Thêm vào đó, Iraq có kế hoạch giảm sản lượng dầu vào tháng 9 như một phần của kế hoạch bù đắp cho việc sản xuất vượt quá hạn ngạch 4 triệu thùng/ngày đã thỏa thuận với OPEC+. Theo Reuters, Iraq - quốc gia đã sản xuất 4,25 triệu thùng/ngày trong tháng 7 sẽ giảm sản lượng xuống còn từ 3,85 triệu đến 3,9 triệu thùng/ngày vào tháng tới.
Kỳ vọng nhu cầu nhập khẩu dầu thô của châu Á trong tháng 8 cũng là động lực thúc đẩy đà tăng trên thị trường. Cụ thể, theo dữ liệu do LSEG Oil Research tổng hợp, tổng nhập khẩu trong tháng 8 dự kiến là 26,74 triệu thùng/ngày, tăng so với mức 24,56 triệu thùng/ngày của tháng 7. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng mức tăng 2,18 triệu thùng/ngày so với tháng trước được thiết lập sau khi nhập khẩu của châu Á giảm xuống mức thấp nhất trong vòng hai năm trong tháng 7.
Kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ bắt đầu cắt giảm lãi suất vào tháng tới cũng hỗ trợ đà tăng đối với giá dầu. Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Atlanta Raphael Bostic trong một phát biểu mới nhất đã đề cập đến việc cắt giảm lãi suất, với quan điểm lạm phát đã phần nào được kiểm soát và tỷ lệ thất nghiệp tăng mạnh hơn dự đoán.
Giá đậu tương tăng vọt sau báo cáo xuất khẩu của Mỹ
Đóng cửa phiên giao dịch ngày hôm qua, 6 trên 7 mặt hàng nhóm nông sản đồng loạt tăng giá. Trong đó, ba mặt hàng đậu tương đóng vai trò dẫn dắt xu hướng của nhóm hàng. Sau phiên suy yếu trước, giá đậu tương hợp đồng tháng 11 tăng trở lại với mức 1,59%. Lực mua chiếm ưu thế gần như áp đảo trong phần lớn thời gian giao dịch. Tâm điểm chú ý của thị trường là kết quả xuất khẩu tích cực của Mỹ trong tuần vừa rồi.
Trong báo cáo Bán hàng Xuất khẩu (Export Sales) tối qua, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho biết doanh số bán đậu tương niên vụ 2024-2025 của nước này trong tuần kết thúc ngày 22/8 đạt tổng cộng 2,61 triệu tấn, tăng mạnh so với mức 1,67 triệu tấn một tuần trước đó và vượt ngoài khoảng dự đoán của thị trường là 1,5-2,5 triệu tấn. Trong đó, 870.000 tấn đậu tương được bán cho Trung Quốc và 845.600 tấn được bán cho các nước giấu tên. Điều đó cho thấy nhu cầu đối với đậu tương Mỹ đã tăng nóng trở lại và đã tác động theo hướng tăng giá lên các mặt hàng này.
Ở chiều ngược lại, triển vọng thời tiết thuận lợi hơn ở Mỹ đã giới hạn đà tăng của giá đậu tương trong phiên hôm qua. Sau khi mưa xuất hiện ở khu vực Midwest, dự báo thời tiết cho thấy nhiệt độ sẽ ôn hòa hơn trong cuối tuần này và hỗ trợ cho cây trồng trong giai đoạn phát triển cuối cùng. Điều này đã xoa dịu tâm lý lo ngại của thị trường về triển vọng sản lượng đậu tương năm nay của Mỹ.
Sắc xanh cũng bao phủ bảng giá hai mặt hàng thành phẩm của đậu tương trong phiên 29/8. Giá khô đậu tương hợp đồng tháng 12 diễn biến khá giằng co. Giá khởi sắc ngay sau khi mở cửa và theo sát với diễn biến giá của đậu tương, nhưng nhanh chóng suy yếu vào cuối phiên trước áp lực chốt lời của thị trường. Tuy vậy, giá khô đậu vẫn ghi nhận mức tăng gần 1% sau khi kết phiên. Trong khi đó, dầu đậu tương là mặt hàng tăng mạnh nhất cả nhóm trong phiên hôm qua với mức tăng lên tới 3,46%.