Theo thống kê, từ đầu năm 2024 đến nay, thiên tai đã làm 104 người chết và mất tích. Phần lớn người chết và mất tích là do sạt lở đất hoặc bị lũ cuốn. Thiệt hại kinh tế hơn 2.000 tỷ đồng. Chỉ tính riêng trong tháng 7 vừa qua, mưa lớn gây ra lũ quét, sạt lở đất ở các tỉnh Sơn La, Điện Biên làm hơn 40 người chết và mất tích.
Điển hình là vụ sạt lở đất trên Quốc lộ 34 khiến 11 người chết. Ngoài ra, mưa lớn cũng gây ngập lụt ở đô thị và một số khu dân cư ở các tỉnh, thành phố như Hà Nội, Thái Nguyên, Lạng Sơn...
Theo nhận định của Trung tâm dự báo Khí tượng-Thủy văn quốc gia, hiện tượng La Nina sẽ tác động đến nước ta từ tháng 8/2024, nguy cơ xảy ra bão mạnh, mưa lớn, lũ lụt, lũ quét, sạt lở đất, mất an toàn hồ đập là rất cao, đe dọa nghiêm trọng đến sản xuất, sinh hoạt, tính mạng và tài sản của người dân.
Để chủ động phòng chống thiên tai, giảm thiệt hại về người và tài sản những tháng cuối năm và mùa mưa, bão kế tiếp, cùng với sự chỉ đạo quyết liệt, từ sớm, từ xa của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai đã ban hành chương trình, kế hoạch, phân công nhiệm vụ cho các thành viên Ban Chỉ đạo phụ trách địa bàn; thành lập và tổ chức 23 đoàn công tác đi kiểm tra công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của các tỉnh, thành phố.
Trong những năm qua, Ban Chỉ đạo đã hoàn thành xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy hoạch phòng chống thiên tai và thủy lợi thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; điều chỉnh Quy hoạch phòng chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình; Nghị quyết 28/NQ-CP ngày 1/3/2023 của Chính phủ ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 30/8/2022 của Bộ Chính trị về phòng thủ dân sự đến năm 2030 và những năm tiếp theo; Chiến lược quốc gia phòng thủ dân sự đến năm 2030 và những năm tiếp theo; Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược quốc gia phòng thủ dân sự; Đề án phát triển, nâng cao năng lực ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đến năm 2030; Kế hoạch triển khai thực hiện Luật Phòng thủ dân sự...
Ban Chỉ đạo đẩy mạnh công tác dự báo, cảnh báo, cung cấp kịp thời các bản tin dự báo khí tượng-thủy văn, cảnh báo về các hiện tượng thời tiết nguy hiểm phục vụ công tác chỉ đạo, phòng tránh, giảm nhẹ rủi ro thiên tai và chủ động kế hoạch sản xuất, kinh doanh. Các địa phương lắp đặt bổ sung các trạm đo mưa tự động phục vụ công tác dự báo, cảnh báo thiên tai. Với tổng số trạm chuyên dùng tính đến tháng 3/2024 là 2.552 trạm.
Bên cạnh những chuyển biến tích cực, công tác tham mưu, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai vẫn còn một số hạn chế kéo dài chưa xử lý dứt điểm và hạn chế mới phát sinh cần sớm khắc phục. Cụ thể, vẫn còn thiệt hại đáng tiếc về người trong thiên tai do chủ quan, bất cẩn như đánh cá, vớt củi, di chuyển qua ngầm tràn, khu vực ngập sâu...
Việc thực hiện phương châm “4 tại chỗ” ở một số nơi còn mang tính hình thức, hiệu quả chưa cao. Một vấn đề nữa là khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng nói chung, công trình phòng chống thiên tai nói riêng còn thấp; phương tiện, trang thiết bị còn hạn chế.
Thêm vào đó, việc xây dựng kế hoạch phòng chống thiên tai, phương án ứng phó thiên tai của các địa phương chưa cập nhật thường xuyên, chưa bám sát thực tiễn, nhất là các tình huống mưa đặc biệt lớn trong thời gian ngắn. Việc thành lập đội xung kích phòng chống thiên tai cấp xã có nơi còn hình thức, trang thiết bị, công cụ, dụng cụ, phương tiện cho lực lượng xung kích chưa đáp ứng yêu cầu.
Ngoài ra, công tác dự báo, cảnh báo sớm, đối với một số hình thái thiên tai cực đoan như lũ quét, mưa lớn cực đoan, lốc, sét còn hạn chế; thông tin cảnh báo sớm đến người dân ở khu vực xảy ra ngập sâu, lũ quét, sạt lở đất trong một số trường hợp chưa kịp thời, đầy đủ. Nguồn lực cho công tác này còn hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu. Tiến độ triển khai công tác khắc phục hậu quả ở một số địa phương còn chậm.
Để làm tốt hơn nữa vai trò là “chỗ dựa” cho người dân vùng thiên tai, nhất là trong bối cảnh Luật Phòng thủ dân sự có hiệu lực thi hành, thời gian tới, Ban Chỉ đạo cần tập trung triển khai nghiêm túc, hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết, chính sách, pháp luật nhằm tạo ra bước chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của các cấp ủy đảng, chính quyền, nhất là người đứng đầu cũng như người dân, cộng đồng; xác định công tác phòng chống thiên tai là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.