Xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao ở Yên Mô

Là vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa và đấu tranh cách mạng, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Yên Mô đã nêu cao tinh thần đoàn kết, đồng lòng vượt qua khó khăn, nỗ lực, phấn đấu hoàn thành các tiêu chí huyện nông thôn mới nâng cao, được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện nông thôn mới nâng cao năm 2024.
0:00 / 0:00
0:00
Mô hình trồng nho trong nhà màng tại gia đình anh Nguyễn Văn Quyên, xóm Quán, xã Yên Phong, huyện Yên Mô.
Mô hình trồng nho trong nhà màng tại gia đình anh Nguyễn Văn Quyên, xóm Quán, xã Yên Phong, huyện Yên Mô.

Yên Mô là địa phương có xuất phát điểm thấp khi bắt đầu thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Nhưng với tinh thần quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, đến nay, toàn bộ 16 xã đạt chuẩn nông thôn mới; số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao là 8 xã, đạt tỷ lệ 50%...

Thời gian qua, huyện tập trung cơ cấu lại ngành nông nghiệp; triển khai mạnh mẽ Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm nông nghiệp. Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao như mô hình trồng nho, dưa lưới, khoai lấy ngó, chạch sụn..., đang mang lại giá trị và thu nhập cao cho người nông dân.

Anh Nguyễn Văn Quyên, xóm Quán, xã Yên Phong chia sẻ, trước đây gia đình anh chuyên canh cây lúa, hằng năm, tuy rất nỗ lực nhưng giá trị mang lại rất thấp, phụ thuộc vào thời tiết. Sau khi tìm hiểu và học hỏi nhiều nơi, được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, gia đình anh chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cây ăn quả trong nhà màng, nhà lưới. Đến nay, gia đình anh đã có hơn 8.000 m2 nhà màng trồng dưa lưới và nho cho thu nhập gấp hàng chục lần so với trồng lúa.

Hiện nay, mô hình ứng dụng công nghệ cao (lắp đặt nhà màng, hệ thống tưới tiết kiệm) bình quân giá trị thu nhập trên 1 ha canh tác ước đạt 3-3,5 tỷ đồng, cao gấp 10-15 lần so với trồng lúa hay canh tác truyền thống (sản xuất ngoài trời), tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng, đáp ứng yêu cầu người tiêu dùng.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nguyễn Thị Len cho biết, quá trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, bên cạnh sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở đã nhận được sự đồng thuận của người dân. Bên cạnh tiếp tục huy động nguồn vốn để tập trung nâng cao chất lượng các tiêu chí về giao thông hạ tầng, cơ sở vật chất, người dân cũng nhiệt tình hưởng ứng trong việc tập trung cải thiện cảnh quan môi trường, vệ sinh phân loại rác thải, hướng tới nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Giai đoạn từ năm 2021-2024, huyện Yên Mô có tốc độ tăng trưởng kinh tế tương đối cao và ổn định so với mặt bằng chung của cả nước, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng công nghiệp, thương mại, dịch vụ. Thu nhập bình quân năm 2024 đạt 71,06 triệu đồng/người/năm.

Bí thư Huyện ủy Cao Trường Sơn chia sẻ, hiện nay, huyện đang đẩy mạnh kết nối hạ tầng, nhất là giao thông với các địa phương trong và ngoài tỉnh. Khi hệ thống giao thông của Yên Mô được kết nối tốt, sẽ kéo theo sự phát triển kinh tế-xã hội cũng như mở rộng không gian dư địa phát triển mới cho địa phương.

Thời gian tới, huyện tiếp tục tập trung huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng, nâng cấp các công trình trọng điểm về giao thông, thủy lợi, phát triển cơ sở hạ tầng đồng bộ nhằm kết nối và phục vụ phát triển kinh tế-xã hội. Song song với đó, huyện tiếp tục đầu tư nâng cấp, xây mới hệ thống đường giao thông đồng bộ, hiện đại, phù hợp với quy hoạch bảo đảm thuận tiện kết nối vùng, liên vùng đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.

Sau hơn 3 năm triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh, sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, cùng với sự đồng thuận tích cực tham gia của các tầng lớp người dân, Chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao của huyện Yên Mô đã đạt được những kết quả hết sức nổi bật. Hạ tầng kinh tế-xã hội được hoàn thiện, đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của người dân được cải thiện và nâng cao, hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, các giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn và phát huy.