Triển khai kế hoạch thi hành Luật Thủ đô năm 2024

Tại hội nghị giao ban công tác quý II năm 2024 giữa Thường trực Hội đồng nhân dân (HĐND) thành phố với Thường trực HĐND các quận, huyện, thị xã và HĐND thành phố Hà Nội đã quán triệt nội dung và triển khai kế hoạch của Thường trực HĐND thành phố về thi hành Luật Thủ đô năm 2024. Theo quy định tại Luật Thủ đô năm 2024, HĐND thành phố sẽ thực hiện tăng thêm hơn 80 nội dung nhiệm vụ, quyền hạn. Cùng với đó, số lượng đại biểu chuyên trách cũng được tăng thêm nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả, chất lượng hoạt động của HĐND các cấp; bảo đảm thực chất, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ mới.
0:00 / 0:00
0:00

Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, để triển khai Luật Thủ đô năm 2024, HĐND, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố sẽ rà soát các nhiệm vụ theo thẩm quyền để đề xuất Trung ương sớm ban hành các văn bản hướng dẫn.

Về phía thành phố, HĐND thành phố sẽ tổ chức các kỳ họp chuyên đề, ban hành các nghị quyết triển khai thực hiện Luật. Các sở, ngành cần tham mưu các nội dung được phân cấp, ủy quyền bảo đảm chất lượng. Các quận, huyện, thị xã theo chức năng, nhiệm vụ triển khai công việc, Mặt trận Tổ quốc cùng cấp có kế hoạch tổng thể liên quan đến phản biện xã hội.

Luật cũng quy định tổ chức chính quyền ở Hà Nội theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Tại Luật Thủ đô năm 2024, việc không tổ chức HĐND cấp phường tại thành phố Hà Nội đã được luật hóa.

Theo Điều 8 (quy định về Tổ chức chính quyền đô thị), chính quyền địa phương ở thành phố Hà Nội (gọi là Thành phố), huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc Thành phố, xã, thị trấn là cấp chính quyền địa phương gồm: HĐND và ủy ban nhân dân. Chính quyền địa phương ở phường là ủy ban nhân dân phường. Ủy ban nhân dân phường là cơ quan hành chính nhà nước, được tổ chức và thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định.

Theo đó, chính quyền địa phương ở thành phố Hà Nội, huyện, quận, thị xã, xã, thị trấn gồm HĐND, ủy ban nhân dân. Chính quyền địa phương ở phường tại Hà Nội là ủy ban nhân dân phường.

Phó Chủ tịch HĐND quận Bắc Từ Liêm Nguyễn Thị Thủy cho biết, cán bộ và nhân dân quận Bắc Từ Liêm mong chờ luật được hiện thực hóa, thực thi những chính sách đặc thù để đáp ứng yêu cầu quản lý đô thị. Để Luật sớm phát huy hiệu quả, các cơ quan, đơn vị mong muốn sớm cụ thể hóa các quy định của luật (Khoản 6, Điều 14; các Điều 15, 17, 18, 19).

Đáng chú ý, khi không còn HĐND phường, chức năng giám sát của HĐND phường do HĐND quận thực hiện. Việc tăng lượng cán bộ chuyên trách (thêm một phó chủ tịch và hai ủy viên các ban của HĐND) là phù hợp. Phó Chủ tịch HĐND quận Bắc Từ Liêm Nguyễn Thị Thủy cho biết, Thường trực HĐND quận mong muốn sớm có hướng dẫn nội dung này vì nhu cầu công việc hiện nay rất lớn.

Bí thư Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Tây Hồ Lê Thị Thu Hằng đánh giá, Luật Thủ đô năm 2024 được ban hành, đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền. Luật Thủ đô cho HĐND thành phố cơ chế kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực trong thực hiện nhiệm vụ được phân cấp, ủy quyền, để tránh lạm dụng ủy quyền tràn lan. Luật có nêu việc tăng số lượng đại biểu chuyên trách các cấp HĐND thành phố, quận, huyện. Để Luật đi vào đời sống, quận mong muốn kịp thời có hướng dẫn thực hiện bố trí cán bộ, biên chế, vị trí việc làm, cũng như định hướng nhân sự tham gia cấp ủy trong nhiệm kỳ tới.

Phó Bí thư Thường trực Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Ba Đình Nguyễn Công Thành cho rằng, để triển khai Luật Thủ đô một cách chất lượng, hiệu quả, thành phố cần sớm ban hành kế hoạch và hướng dẫn cho các quận, thị xã về mô hình tổ chức; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến nội dung Luật; rà soát từng lĩnh vực để xác định các nhiệm vụ xây dựng văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết và quy định theo thẩm quyền được giao. Các hướng dẫn triển khai kế hoạch cần phải chặt chẽ, đồng bộ, bảo đảm tính khả thi cao, nhất là các chính sách liên quan đến công tác cán bộ, phát triển đô thị, đầu tư công, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Theo quy định tại Luật Thủ đô năm 2024, HĐND thành phố được bầu 125 đại biểu, tăng 30 đại biểu so với hiện tại, trong đó có ít nhất 25% đại biểu chuyên trách. Thường trực HĐND thành phố Hà Nội hoạt động chuyên trách có không quá 11 thành viên, gồm chủ tịch, không quá ba phó chủ tịch; tăng một phó chủ tịch và bốn thành viên thường trực HĐND thành phố. Các ban của HĐND thành phố được thành lập không quá sáu ban, tăng tối đa hai ban so với nhiệm kỳ này. HĐND quận, thị xã có hai phó chủ tịch, tăng một phó chủ tịch. Tổng số đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách không quá chín người do HĐND quận, thị xã, thành phố quyết định, tăng ba người so với số tối đa theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương...