Gia tăng trẻ khám và điều trị do mắc bệnh ho gà

NDO - Theo các chuyên gia Bệnh viện Nhi Trung ương, bệnh ho gà đang có dấu hiệu quay trở lại khi tỷ lệ trẻ đến khám vì bệnh lý này gia tăng. 
0:00 / 0:00
0:00
Bệnh nhi điều trị ho gà tại Bệnh viện Nhi Trung ương.
Bệnh nhi điều trị ho gà tại Bệnh viện Nhi Trung ương.

Gia tăng trẻ mắc bệnh ho gà

Từ đầu tháng 7/2024 đến nay, Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiếp nhận gần 400 trẻ mắc bệnh ho gà đến khám và điều trị. Trong đó, phần lớn các trường hợp mắc là trẻ em dưới 1 tuổi chưa tiêm phòng hoặc tiêm chưa đủ mũi vaccine phòng bệnh.

Hiện tại, Trung tâm đang điều trị cho gần 40 trẻ mắc bệnh ho gà, trong đó có một bệnh nhi nặng cần phải thở máy.

Trường hợp nhập viện mới đây nhất là bé gái (24 ngày tuổi, ở Lạng Sơn) nhập viện trong tình trạng ho nhiều cơn, trong cơn ho có tím mặt, trớ ra nhiều đờm trắng quánh dính.

Trước khi nhập viện 20 ngày, mẹ của bệnh nhi có triệu chứng ho nhưng không đi khám và vẫn chăm sóc trẻ.

Khoảng một tuần trước khi nhập viện, trẻ xuất hiện ho húng hắng, không sốt. Sau đó trẻ xuất hiện ho nhiều cơn rũ rượi, trong cơn ho có tím mặt và trớ ra nhiều đờm trắng quánh dính nên gia đình đã đưa trẻ đến Bệnh viện Nhi Trung ương thăm khám và điều trị.

Tại đây, các bác sĩ đã tiến hành lấy mẫu dịch đường hô hấp để xét nghiệm. Kết quả, trẻ được chẩn đoán mắc bệnh ho gà. Hiện sau 5 ngày điều trị, tình trạng trẻ đã cải thiện đáng kể, trẻ giảm ho, ăn ngủ được, dự kiến ra viện trong một vài ngày tới.

Mức độ nguy hiểm của bệnh ho gà ở trẻ

Tiến sĩ, bác sĩ Trần Thị Thu Hương, Trưởng khoa Khám và Điều trị ban ngày, Phó Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, ho gà là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính đường hô hấp, thường gặp ở trẻ nhỏ.

Vi khuẩn Bordetella Pertussis là tác nhân gây bệnh ho gà ở trẻ. Đây là một vi khuẩn gram âm ( – ), thuộc họ Bordetella, có dạng trực khuẩn hai đầu nhỏ, kích thước rất nhỏ, không di động. Vi khuẩn không có nguồn gốc từ động vật hay môi trường bên ngoài, khó nuôi cấy, sẽ bị chết sau khoảng một giờ dưới tác dụng trực tiếp của nhiệt độ, ánh sáng mặt trời hay dung dịch khử khuẩn. Đặc biệt, loại khuẩn này được ghi nhận là phát triển tốt trong môi trường Bordet – Gengou có thạch máu với các khuẩn lạc điển hình.

"Khởi đầu của bệnh có thể không sốt hoặc sốt nhẹ, có viêm long đường hô hấp trên, mệt mỏi, chán ăn và ho. Cơn ho ngày càng nặng và trở thành cơn ho kịch phát trong 1-2 tuần, kéo dài 1-2 tháng hoặc lâu hơn. Bệnh có thể gây biến chứng nguy hiểm thậm chí tử vong nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời", bác sĩ Hương cho hay.

Theo Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Anh Duy Tùng, Trung tâm Thông tin Y khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, bệnh ho gà được điều trị chính bằng thuốc kháng sinh. Thuốc không chỉ rút ngắn thời gian nhiễm trùng mà còn giúp ngăn chặn bệnh lây lan sang người khác.

Theo chuyên gia này, khi trẻ có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh ho gà, cha mẹ cần đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám và điều trị kịp thời. Trẻ điều trị càng sớm, càng nhanh khỏi bệnh và ít có nguy cơ bị biến chứng.

Trẻ mắc bệnh, đặc biệt trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, cần được nhập viện để được điều trị tích cực khi có các triệu chứng nặng như khó thở, ngưng thở, mất nước hay có nguy cơ mắc các bệnh nghiêm trọng khác liên quan đến hệ hô hấp khác như viêm phổi. Tại bệnh viện, trẻ có thể sẽ được hút mũi để thông đường thở, theo dõi chặt chẽ diễn biến của bệnh và hỗ trợ thở oxy khi cần thiết. Đối với trẻ có dấu hiệu mất nước, khó ăn uống, bác sĩ có thể chỉ định truyền dịch vào tĩnh mạch (IV).

Đối với các trường hợp điều trị bệnh ho gà tại nhà, bố mẹ lưu ý tuân thủ đúng theo chỉ định điều trị của bác sĩ, không tự ý cho trẻ dùng thuốc, dùng sai liều hay ngưng thuốc khi không có sự đồng ý của bác sĩ. Thuốc trị ho không có tác dụng trong điều trị bệnh ho gà, đặc biệt không dùng cho trẻ dưới 6 tuổi nhằm tránh các tác dụng phụ cho trẻ.

Trong quá trình hồi phục và điều trị bệnh, trẻ cần được nghỉ ngơi nhiều hơn trong không gian thoáng mát, yên tĩnh, tránh tiếp xúc với khói bụi, đặc biệt là khói thuốc lá. Để giúp trẻ cảm thấy thoải mái hơn, bố mẹ có thể dùng máy tạo độ ẩm để làm mát không khí, giúp làm dịu phổi và giảm kích thích đường thở.

Ho gà có thể khiến trẻ nôn nhiều, khó ăn uống. Do đó, bố mẹ nên chia nhỏ các bữa ăn hàng ngày cho trẻ và khuyến khích trẻ uống nhiều nước hơn. Trong trường hợp trẻ nôn mửa liên tục, có dấu hiệu mất nước như khát nước, lưỡi khô, mắt trũng sâu, khó chịu, khóc không có nước mắt… bố mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện để được hỗ trợ tích cực.

Ho gà ở trẻ em khi không được điều trị kịp thời và đúng cách, bệnh có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như ngừng thở, viêm phổi, sụt cân thứ phát, tăng bạch cầu quá mức, tăng áp động mạch phổi, suy hô hấp, co giật, bệnh não, tử vong.