Cuộc đua vào “ghế nóng” tại Venezuela, diễn ra hôm nay (28/7), thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận quốc tế khi chứng kiến màn so tài của 10 ứng cử viên tham gia. Theo các cuộc thăm dò trước bầu cử, đương kim Tổng thống Nicolas Maduro, đại diện của đảng Xã hội Thống nhất Venezuela (PSUV), hiện là ứng cử viên hàng đầu. Nhờ những kinh nghiệm và thành tựu đạt được trong hai nhiệm kỳ dẫn dắt quốc gia Nam Mỹ, Tổng thống Maduro sở hữu những lợi thế nhất định trên đường đua.
Cuộc khảo sát mới nhất của Trung tâm đo lường và giải thích dữ liệu thống kê cho thấy, 56,8% số người được hỏi khẳng định sẽ bầu cho ông Maduro, trong khi 76% tin ông sẽ tái đắc cử. Trong khi đó, nhà ngoại giao kỳ cựu Edmundo Gonzalez đang nổi lên là ứng cử viên đối lập chính.
Giới phân tích nhận định, người giành chiến thắng trên đường đua sắp tới sẽ tiếp quản một đất nước Venezuela với những triển vọng sáng sủa. Thời gian qua, kinh tế Venezuela ghi nhận tín hiệu tích cực, cơ bản kiểm soát được tình trạng siêu lạm phát, duy trì đà tăng trưởng khá, chủ yếu nhờ vào sự phục hồi của ngành dầu khí và sản xuất trong nước.
Tổng thống Maduro khẳng định, tốc độ lạm phát của Venezuela đã giảm xuống mức thấp nhất trong 20 năm qua, đồng thời ghi nhận tăng trưởng GDP hơn 7% trong quý đầu năm nay. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo, GDP của Venezuela sẽ tăng trưởng 4% năm 2024.
Ngoài ra, thời gian qua Caracas không ngừng nỗ lực từng bước phá thế cô lập, cấm vận. Sau nhiều năm căng thẳng, quan hệ giữa Venezuela và Mỹ có những chuyển biến tích cực. Từ tháng 10/2023, Nhà trắng nới lỏng các lệnh trừng phạt đối với ngành dầu mỏ của Venezuela.
Mặc dù các lệnh trừng phạt được áp đặt trở lại từ tháng 4/2024, song hai bên vẫn duy trì đối thoại. Đầu tháng 7/2024, hai nước tổ chức đối thoại trực tuyến, nhất trí cùng nỗ lực cải thiện quan hệ và duy trì các cuộc trao đổi mang tính xây dựng và tôn trọng lẫn nhau. Đây được xem là bước đi mới nhất nhằm cài đặt lại mối quan hệ song phương vốn “cơm không lành, canh chẳng ngọt” trong nhiều năm.
Cùng việc tái khởi động quan hệ với Mỹ, Venezuela cũng sẵn sàng tìm kiếm một tương lai mới trong mối quan hệ với các nước phương Tây. Kể từ năm ngoái, quan hệ giữa Venezuela và Liên minh châu Âu (EU) dần được cải thiện.
Tuy nhiên, bên cạnh việc được kế thừa những thành quả phát triển đất nước, Tổng thống tiếp theo cũng sẽ đối mặt không ít thách thức để “chèo lái con thuyền Venezuela” vững bước trên con đường phát triển.
Mặc dù căng thẳng với Mỹ được xoa dịu phần nào, song tiến trình phá băng quan hệ song phương còn nhiều chông gai. Venezuela tiếp tục chịu tác động tiêu cực từ các biện pháp bao vây, cấm vận về kinh tế. Tổ chức khu vực Liên minh Bolivar cho châu Mỹ-Hiệp định thương mại của các dân tộc (ALBA-TCP) ước tính, thiệt hại kinh tế Venezuela phải chịu do các lệnh trừng phạt mà các nước phương Tây áp đặt từ năm 2015 lên đến hàng trăm tỷ USD.
Ngoài ra, mặc dù sở hữu trữ lượng khí đốt hàng đầu thế giới, song các lệnh trừng phạt kéo dài nhiều năm đã hạn chế nghiêm trọng đầu tư nước ngoài vào ngành công nghiệp dầu khí quan trọng của Venezuela, khiến Caracas không tận dụng được tối đa nguồn tài nguyên giàu có của mình. Trong bối cảnh đó, giới quan sát cho rằng, Tổng thống tiếp theo của Venezuela sẽ đối mặt thách thức phát triển ngành dầu khí quốc gia.
Mặc dù bị bủa vây bởi khó khăn, song thời gian qua Venezuela đã gặt hái nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế, xã hội. Đó là nền tảng quan trọng để Tổng thống tiếp theo dẫn dắt đất nước tiếp tục tiến lên, đáp ứng kỳ vọng của người dân quốc gia Nam Mỹ.