Theo AP, nhà khí hậu học người Venezuela Maximiliano Herrera cho biết, sông băng Humboldt của Venezuela đã thu nhỏ diện tích chỉ còn 2 ha và ngừng di chuyển, khiến nó trở thành một “cánh đồng băng”. Sông băng Humboldt, còn được gọi là La Corona, là sông băng cuối cùng còn sót lại ở Venezuela. Sông băng này từng bao phủ diện tích 450 ha, nhưng hiện nay đã tan chảy gần hết. Trong vòng một thế kỷ qua, nước này đã mất ít nhất 5 sông băng khác do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.
Theo Cơ quan Khảo sát địa chất Mỹ, không có tiêu chuẩn toàn cầu nào về kích thước tối thiểu của một sông băng, song 10 ha là số liệu được chấp nhận phổ biến. GS Mark Maslin tại Trường đại học College London (Anh) cho rằng: “Sông băng là một khối băng đủ lớn và di chuyển dưới trọng lượng của chính nó. Với diện tích nhỏ như hiện nay, Humboldt không còn là sông băng”.
Một nghiên cứu từ năm 2020 cho thấy, diện tích băng ở Venezuela đã giảm 98% từ năm 1952 đến năm 2019. Tốc độ băng tan tăng từ năm 1998 đã lên mức cao nhất. Các nhà nghiên cứu cũng cho biết, các sông băng có mối liên hệ mật thiết và sẽ ảnh hưởng tới mọi vận động trong khu vực, đồng thời sự biến mất nhanh chóng của sông băng cũng là nguyên nhân dẫn đến mực nước biển dâng cao.
Chính phủ Venezuela vào tháng 12/2023 đã khắc phục tình trạng tan băng bằng cách phủ những tấm che để giữ nhiệt và bảo vệ mặt băng khi thời tiết ấm hơn. Tuy nhiên, các nhà khoa học giải thích sông băng trên núi cần đủ băng để phản chiếu tia nắng mặt trời và giữ không khí mát mẻ trong những tháng hè. “Hiện sông băng Humboldt đã mất nhiều băng đến mức không có cách nào trực tiếp để đảo ngược tình trạng tan chảy”, GS Mark Maslin cho biết.
Các nhà nghiên cứu cũng cảnh báo, một số quốc gia nằm gần xích đạo và các tảng băng ở vùng trũng thấp dễ bị tổn thương hơn trước sự nóng lên toàn cầu như Indonesia, Mexico và Slovenia là những quốc gia tiếp theo có nhiều khả năng phải đối mặt nguy cơ “tuyệt chủng” sông băng.