Sau phiên khởi sắc đầu tuần, đóng cửa phiên giao dịch hôm qua, giá hai mặt hàng cà-phê đồng loạt giảm lần lượt 1,63% với Arabica và 2,18% với Robusta. Chỉ số USD-Index tăng 0,13% khiến tỷ giá USD/BRL tăng 0,12%, quay lại mức cao nhất trong hơn 2 năm qua. Sức mạnh đồng USD tăng so đồng Real đã kích thích nhu cầu bán cà-phê của nông dân Brazil, từ đó gây sức ép lên giá.
Ngoài ra, báo cáo tiến độ cho thấy Brazil vẫn đang đẩy mạnh hoạt động thu hoạch cà-phê. Theo hãng tư vấn Sfras&Mercado, tính đến ngày 17/7, Brazil đã thu hoạch 74% sản lượng cà-phê vụ 2024-2025, cao hơn mức 66% của cùng kỳ năm ngoái và 70% của trung bình 5 năm gần nhất.
Diễn biến đáng chú ý khác trên thị trường nguyên liệu công nghiệp, giá đường 11 cũng nối dài đà giảm sang phiên thứ 6 liên tiếp, về mức giá thấp nhất trong gần 2 năm. Thị trường tiếp tục neo theo triển vọng nguồn cung đường tích cực hơn tại Ấn Độ và Thái Lan, thay vì những tín hiệu kém về mùa vụ mía tại Brazil. Giới phân tích đang có xu hướng nâng triển vọng nguồn cung đường vụ 2024-2025 tại Ấn Độ do thời tiết tại nước này đang khá thuận lợi.
Trong khi đó, Trung tâm Công nghệ Mía Brazil (CTC) cho biết, tháng 6, năng suất nông nghiệp đã giảm 1,5% so mùa trước. Dự kiến sản lượng cũng sẽ giảm hơn nữa. Ngoài ra, giới môi giới đã hạ dự báo sản lượng đường niên vụ 2024-2025 tại Brazil do phân bổ mía để sản xuất đường thấp hơn dự kiến và chất lượng mía kém.
Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), đóng cửa giao dịch hôm qua (23/7), lực bán áp đảo đã quay lại thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới. Chỉ số MXV-Index giảm 0,98% xuống còn 2.160 điểm chỉ sau một ngày giá phục hồi tích cực. Trong đó, chỉ số giá hàng hóa nhóm nguyên liệu công nghiệp sụt giảm mạnh nhất. Đồng USD mạnh lên đã tạo sức ép lớn lên không chỉ thị trường cà-phê mà còn cả thị trường kim loại quý.