Vòng 2 bầu cử Quốc hội Pháp: Ngày quan trọng đối với chính trường Pháp

NDO - Hôm nay (7/7), cử tri Pháp đi bỏ phiếu vòng 2 cuộc bầu cử Quốc hội có tính quyết định để chọn đại diện đảng phái lãnh đạo chính phủ. Nước Pháp đang lo lắng chờ đợi kết quả và những kịch bản hậu bầu cử.
0:00 / 0:00
0:00
Khoảng 30 nghìn cảnh sát và hiến binh được huy động để bảo đảm an ninh cho vòng 2 bầu cử Quốc hội Pháp. (Ảnh: MINH DUY)
Khoảng 30 nghìn cảnh sát và hiến binh được huy động để bảo đảm an ninh cho vòng 2 bầu cử Quốc hội Pháp. (Ảnh: MINH DUY)

Theo kết quả thăm dò trước ngày bầu cử do hãng Ifop-Fudicial thực hiện, đảng cực hữu RN và liên minh có thể giành được từ 210-240 ghế, mức tăng ngoạn mục so 88 nghị sĩ RN sắp mãn nhiệm. Trong khi đó, liên minh cánh tả Mặt trận Bình dân Mới có thể được từ 170-200 ghế và liên minh của Tổng thống Emmanuel Macron được từ 95-125 ghế.

Còn Ipsos dự báo đảng cực hữu RN và liên minh có thể giành được từ 175-205 ghế. Tiếp đó là 145-175 ghế cho liên minh cánh tả Mặt trận Bình dân Mới và 118 đến 148 ghế cho liên minh của Tổng thống Emmanuel Macron.

Ở vòng 1, đảng cực hữu RN và liên minh đã dẫn đầu với tỷ lệ phiếu bầu lên tới 33,35% so 28,28% của liên minh cánh tả và 21,79 của liên minh cầm quyền. Không kể đồng minh cánh hữu, RN giành được được 29,3 % (hơn 9,4 triệu phiếu), một kỷ lục trong các lần bầu cử của Nền cộng hòa V. Hơn nữa, trong số 76 ứng viên đắc cử ngay, có tới 39 người thuộc phe cực hữu.

Kết quả của vòng 1 đã hé mở cánh cửa quyền lực cho phe cực hữu, lần đầu tiên kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai. Tuy nhiên diễn biến trong những ngày sát vòng 2 cho thấy mục tiêu giành đa số quá bán (289/577 ghế) của phe cực hữu "chưa trong tầm tay" vì một số lý do.

Cũng như những lần bầu cử trước Mặt trận Cộng hòa là "hàng rào truyền thống" đã được huy động để ngăn cản phe cực hữu thông qua việc vận động cử tri và dồn phiếu. Ngay sau vòng 1 cuộc bầu cử Quốc hội Pháp trước thời hạn, hơn 210 ứng cử viên lọt vào vòng hai tự nguyện rút lui để dồn phiếu bầu cho đối thủ của ứng viên phe cực hữu nhằm ngăn chặn đảng này về đầu hoặc có đa số tuyệt đối tại Quốc hội.

Theo đó, cánh tả trong liên minh Mặt trận Bình dân Mới đã rút 130 ứng viên, còn liên minh của đảng cầm quyền Phục hưng rút 82 ứng viên tại các nơi có các cuộc đấu tay ba để dồn phiếu cho các ứng cử viên đối đầu với phe cựu hữu. Như vậy, tại vòng 2, số lượng các cuộc đấu tay ba chỉ còn 99 thay vì 311 sau vòng 1 vào 30/6.

Kết quả của vòng 1 cho thấy phần lớn các cuộc đấu tay ba còn lại diễn ra tại các địa điểm, nơi các ứng cử viên của liên minh Mặt trận Bình dân Mới và của liên minh cầm quyền đã giành được tỷ lệ phiếu bầu cao hơn các ứng viên cực hữu.

Thực tế này đặt phe cực hữu vào tình thế khó khăn trong tham vọng giành đa số quá bán tại Quốc hội. Ngoài ra, có khoảng 16 triệu cử tri bỏ phiếu trắng ở vòng một và chính họ cùng với những cử tri có thể thay đổi ý định bầu sẽ là những người quyết định kết quả.

Đây là một trong những cuộc bỏ phiếu lịch sử của nền Cộng hòa thứ Năm tại Pháp. Liệu phe cực hữu có giành được đa số tại Quốc hội (Hạ viện) hay việc hơn 200 ứng viên lọt vào vòng hai rút lui để dồn phiếu ngăn chặn RN sẽ mang lại hiệu quả?

Dù phe cực hữu hay phe cánh tả chiếm đa số, các phe phái sẽ phải thỏa thuận liên kết để có đa số tuyệt đối thì Quốc hội không rơi vào tình trạng đình trệ và chia rẽ như 2 năm vừa qua.

Dù kịch bản nào xảy ra, tình hình chính trường tại Pháp sẽ còn nhiều rối ren sau cuộc bỏ phiếu vòng hai. Chỉ có cục diện mới và tích cực hơn nếu phe cầm quyền liên kết với liên minh cánh tả và đảng cánh hữu truyền thống để chính phủ thoát khỏi tình trạng "bế tắc".

Thực tế, liên minh của đảng cầm quyền cũng như cánh hữu truyền thống không "ưa" đảng cực tả Nước Pháp bất khuất của ông Jean Luc Mélanchon, được dự báo sẽ chiếm được nhiều ghế nhất, và ngược lại.

Vì vậy, sự lựa chọn của cử tri trong ngày bầu cử vòng 2 Quốc hội mới ở Pháp sẽ khó khăn và kết quả khó đoán định.