Con người văn hóa là trọng tâm của chiến lược phát triển văn hóa

Cuốn sách "Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc" là tài liệu giá trị, thể hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam.
0:00 / 0:00
0:00
Con người văn hóa là trọng tâm của chiến lược phát triển văn hóa

Ngay bài đầu tiên "Quyết tâm chấn hưng và xây dựng thành công một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc" (bài phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Ðại hội XIII của Ðảng, ngày 24/11/2021), Tổng Bí thư đã có những nhận định, đánh giá sâu sắc, toàn diện, đồng thời gợi mở nhiều vấn đề quan trọng.

Nêu những bất cập, yếu kém tồn tại trong lĩnh vực văn hóa, Tổng Bí thư chỉ rõ: Vai trò của văn hóa trong xây dựng con người chưa được xác định đúng tầm, còn có chiều hướng nặng về chức năng giải trí. Phát triển các lĩnh vực văn hóa chưa đồng bộ, còn phiến diện, nặng về hình thức, chưa đi vào chiều sâu, thực chất. Thiếu những tác phẩm văn hóa, văn học, nghệ thuật lớn, tầm cỡ, phản ánh được tầm vóc của sự nghiệp đổi mới, có tác dụng tích cực đối với việc xây dựng đất nước, xây dựng con người. Chất lượng và số lượng đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác văn hóa chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển văn hóa trong thời kỳ mới.

Công tác giới thiệu, quảng bá văn hóa Việt Nam ra nước ngoài chưa mạnh; tiếp nhận tinh hoa văn hóa nhân loại còn hạn chế; chưa coi trọng đúng mức và có biện pháp tích cực để giữ gìn, bảo vệ và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp, đặc sắc của dân tộc; nhiều khi bắt chước nước ngoài một cách nhố nhăng, phản cảm, không có chọn lọc... Từ đó, Tổng Bí thư chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương, đơn vị tập trung thực hiện tốt sáu nhiệm vụ và bốn nhóm giải pháp.

Cả hệ thống chính trị đã vào cuộc, xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, trách nhiệm và biến thành hành động cụ thể, nhất là ở những cơ sở thực hiện nhiệm vụ phát triển văn hóa của đất nước.

Có thể nói, những nhận xét, đánh giá và chỉ đạo nói trên, nhất là khi được quán triệt trong một hội nghị toàn quốc đã tác động hiệu quả tới tư duy, nhận thức và tầm nhìn của cán bộ lãnh đạo các địa phương, cơ quan, đơn vị. Cả hệ thống chính trị đã vào cuộc, xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, trách nhiệm và biến thành hành động cụ thể, nhất là ở những cơ sở thực hiện nhiệm vụ phát triển văn hóa của đất nước. Toàn bộ 63 tỉnh, thành phố trên cả nước đều xây dựng chương trình hành động thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư. Ở các địa phương, đầu tư cho văn hóa tăng rõ rệt; hàng nghìn tỷ đồng từ nguồn vốn xã hội hóa, nguồn vốn hỗ trợ từ tổ chức UNESCO được đầu tư đã giúp hồi sinh nhiều di sản, tạo động lực phát triển kinh tế du lịch bền vững ở địa phương.

Là cán bộ cơ sở có thời gian gắn bó với văn hóa thôn bản, chúng tôi cảm động trước sự quan tâm cũng như sự sâu sát tình hình thực tế của đồng chí Tổng Bí thư, nhất là việc chỉ ra tình trạng tùy tiện, chắp vá trong bố trí cán bộ văn hóa, tình trạng ngân sách dành cho văn hóa còn thấp. Chúng tôi cũng nhận thấy, năng lực của đội ngũ cán bộ ở địa phương còn chưa đồng đều; quy định liên quan đến ngành văn hóa còn có sự chồng chéo, gây cản trở về quy trình, thời gian triển khai các đề án văn hóa.

Cán bộ làm công tác văn hóa ở xã, nhất là cán bộ trẻ hiện nay rất mong muốn được đào tạo bài bản và bố trí làm việc ổn định, tránh tình trạng đang làm ở một lĩnh vực khác thì được chuyển sang làm văn hóa, rồi khi vừa mới quen với công việc ở mảng văn hóa thì lại bị chuyển sang lĩnh vực mới. Lĩnh vực văn hóa là lĩnh vực chuyên biệt, ngoài việc phải có kiến thức chuyên sâu còn cần có tình yêu, tâm huyết mới có thể làm tốt nhiệm vụ. Ðây phải là vấn đề được cấp ủy, chính quyền thấu hiểu và quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo.

Chúng tôi cũng rất đồng tình với quan điểm: Con người là chủ thể sáng tạo, truyền bá, thụ hưởng văn hóa, là trung tâm của chiến lược phát triển. Xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp là trọng tâm, cốt lõi của phát triển văn hóa và mọi hoạt động văn hóa đều phải hướng tới xây dựng, phát triển con người. Tuy nhiên, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ ra: Vai trò của văn hóa trong xây dựng con người chưa được xác định đúng tầm, còn có chiều hướng nặng về chức năng giải trí.

Trong bối cảnh bùng nổ công nghệ thông tin hiện nay, ngay cả người dân vùng sâu, vùng xa cũng có thể lên mạng internet để thực hiện, đăng tải video, tiểu phẩm... Việc này có mặt tích cực nhưng cũng có nguy cơ lớn gây lệch chuẩn văn hóa trong công chúng. Vì vậy, các cấp ủy đảng, chính quyền và cả hệ thống chính trị cần rà soát kỹ tình hình thực tế, làm cơ sở xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam.

Các ngành, địa phương, đơn vị cần tiếp tục nghiên cứu, quán triệt nội dung bài phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư và tổ chức thực hiện hiệu quả; trong đó, cần đẩy mạnh nghiên cứu, xác định, tuyên truyền và triển khai thực hiện hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới. Lãnh đạo các địa phương, đơn vị cần gắn các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển văn hóa và xây dựng con người với các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của từng ngành, vùng, địa phương, từng cơ quan, đơn vị. Việc cải cách và hoàn thiện thể chế văn hóa cần được phát huy đồng bộ; nâng cao năng lực quản lý của Nhà nước và tăng quyền tự chủ cho tổ chức, cá nhân trong hoạt động văn hóa.