Cùng dự có đại diện Vụ Pháp chế Bộ Quốc phòng; Sư đoàn bộ binh 330 (Quân khu 9), Bộ Chỉ Huy quân sự tỉnh An Giang, Sở Tư pháp tỉnh, đại diện các ban, ngành, đoàn thể các huyện, thị, thành vùng biên giới tỉnh An Giang; các tôn giáo chức sắc, người dân vùng biên giới…
Phát biểu đề dẫn tọa đàm, Đại tá Ngô Anh Thu, Phó Tổng Biên tập Báo Quân đội Nhân dân cho biết, phổ biến, giáo dục pháp luật là một bộ phận của công tác giáo dục chính trị tư tưởng, là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của mỗi cấp ủy, tổ chức đảng, của các cơ quan, đơn vị.
Đây là bước đầu tiên của quá trình hình thành ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân. Nhận thức được tầm quan trọng của công tác này, Bộ Quốc phòng đã triển khai toàn diện, đồng bộ các nội dung đề án “Phát huy vai trò của lực lượng Quân đội Nhân dân tham gia công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, vận động nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở giai đoạn 2021-2027” phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và đặc thù của các cơ quan, đơn vị.
Nhờ đó, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đã có nhiều chuyển biến tích cực, ngày càng bài bản và đi vào nền nếp; ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân ngày càng được nâng cao.
Tọa đàm là dịp để trao đổi kinh nghiệm, cách làm sáng tạo, hiệu quả trong phát huy vai trò của lực lượng Quân đội Nhân dân tham gia công tác phổ biến, giáo dục pháp luật vận động nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở.
Từ đó, làm cơ sở đẩy mạnh tuyên truyền, nhân rộng các mô hình, cách làm mới trong thực hiện đề án “Phát huy vai trò của lực lượng Quân đội Nhân dân tham gia công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, vận động nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở giai đoạn 2021-2027” trên các phương tiện thông tin đại chúng trong và ngoài quân đội.
Đây cũng là dịp để tỉnh An Giang nói riêng và cả nước nói chung tiếp tục triển khai có hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trong thời gian tới, góp phần lan tỏa mạnh mẽ tinh thần “thượng tôn pháp luật” cho nhân dân.
Buổi tọa đàm rất có ý nghĩa vì An Giang là địa bàn có đường biên giới dài khoảng 100km, tiếp giáp với hai tỉnh Takeo và Kandan (Vương quốc Campuchia). An Giang có khu vực biên giới gồm 18 xã, phường, thị trấn thuộc 5 huyện, thị xã, thành phố biên giới.
Trong năm qua, được sự quan tâm, chăm lo của cấp ủy, chính quyền địa phương, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân trên khu vực biên giới ngày càng được cải thiện và nâng cao.
Tuy nhiên, một bộ phận đời sống vẫn còn nhiều khó khăn, phải đi làm thuê kiếm sống hằng ngày, nên chưa quan tâm nhiều đến việc tìm hiểu pháp luật, mặt khác trình độ nhận thức của người dân khu vực biên giới không đồng đều…
Tại tọa đàm, các đại biểu khách mời đã trao đổi, thảo luận những thuận lợi, khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật giáo dục tại đơn vị mình công tác; đồng thời nêu lên những kết quả nổi bật, những mô hình tuyên truyền, phổ biến pháp luật giáo dục đã triển khai và đạt hiệu quả cao trong thời gian qua.
Ngoài ra, tại tọa đàm, các đại biểu đã được lắng nghe những chia sẻ của đại diện Sở Tư pháp; các ban, ngành, đoàn thể, tôn giáo, chức sắc để làm rõ thêm về những mô hình, cách làm, giải pháp của cơ quan chức năng trong triển khai các kế hoạch tuyên truyền trên địa bàn biên giới, đặc biệt tại những địa bàn nóng về tội phạm buôn bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép chất ma túy và các loại tội phạm khác.
Đồng thời, các đại biểu cũng đưa ra một số kiến nghị, đề xuất để công tác phối hợp tuyên truyền giữa các đơn vị bảo đảm thống nhất, đạt hiệu quả cao nhất trong thời gian tới.