Giá cà-phê tăng mạnh, ca-cao giảm sâu

NDO - Kết thúc phiên giao dịch ngày 24/6, giá ca-cao trên Sở ICE US đánh mất hơn 11% trong phiên hôm qua, về mức thấp nhất trong 1 tháng qua.
0:00 / 0:00
0:00
Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)
Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)

Giới quan sát cho rằng, sự suy yếu của giá ca-cao trong phiên đầu tuần chủ yếu đến từ sự bán tháo của các nhà đầu cơ sau hoạt động yếu kém của hợp đồng cacao kỳ hạn vào tuần trước.

Trong khi đó, tình trạng thiếu hụt nguồn cung ca-cao vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Các nhà xuất khẩu mặt hàng này ước tính, đến ngày 23/6, lượng ca-cao đến các cảng Bờ Biển Ngà ở mức 1,577 triệu tấn, giảm 27,70% so cùng kỳ mùa trước. Thị trường vẫn đang cực kỳ thắt chặt, tỷ lệ tồn kho trên tiêu thụ vào cuối vụ hiện tại là mức thấp nhất kể từ trước đến nay.

Giá cà-phê tăng mạnh, ca-cao giảm sâu ảnh 1

Trái lại, giá cà-phê Arabica tăng mạnh 5% lên 5.208,41 USD/tấn, là mức cao nhất trong 2 tháng. Giá cà-phê Robusta cũng tăng 3,6% lên 4.252 USD/tấn, đẩy giá giao dịch hiện tại lên mức cao nhất 3 tuần. Lo ngại gián đoạn nguồn cung cà phê tại Việt Nam và Brazil, hai quốc gia sản xuất cà-phê hàng đầu thế giới là nguyên nhân quan trọng hỗ trợ giá tăng.

Theo nguồn tin từ Reuters, sản lượng cà-phê Việt Nam niên vụ 2024-2025 có thể giảm tới 16% so vụ hiện tại do nắng nóng cực độ tại vùng trồng cà-phê Tây Nguyên từ tháng 3 đến đầu tháng 5. Như vậy, sản lượng vụ mới khả năng cao sẽ là mức thấp nhất trong 13 năm trở lại đây.

Trong khi đó, khó khăn vụ hiện tại vẫn đang hiện diện khi lượng xuất khẩu giảm dần do tình trạng khan cà-phê xảy ra sớm. Thống kê từ Hải quan, lũy kế từ đầu năm đến ngày 15/6, Việt Nam đã xuất khẩu 862.426 tấn cà-phê, giảm 8,37% so cùng kỳ năm ngoái.

Tại Brazil, lo ngại sương giá xuất hiện vào đầu tháng 7 tại vùng trồng cà-phê chính của nước này cũng là một trong những tâm điểm của thị trường. Trong 10 ngày tới, một đợt không khí lạnh dự kiến sẽ tấn công vào khu vực cà-phê đang thu hoạch tại phía nam và Đông Nam. Nhiệt độ giảm sâu kết hợp cùng độ ẩm trong không khí làm gia tăng cảnh báo sương giá xuất hiện.

Bên cạnh đó, tỷ giá USD/BRL giảm sâu từ mức đỉnh 1 năm rưỡi gây tâm lý lo ngại nông dân Brazil sẽ hạn chế bán cà-phê do thu về ít ngoại tệ hơn. Điều này có thể làm thu hẹp nguồn cung trên thị trường trong bối cảnh tình trạng ùn tắc kéo dài tại các cảng xuất khẩu cà-phê của nước này. Theo Hiệp hội những nhà xuất khẩu cà-phê Brazil (CECAFE), tính đến 24/6, Brazil mới cấp phép xuất khẩu cho 2,65 triệu bao cà-phê, giảm khoảng 27% so cùng kỳ tháng trước.

Theo số liệu từ Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV), đóng cửa phiên giao dịch 24/6, thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới diễn biến phân hóa.

Giá cà-phê tăng mạnh, ca-cao giảm sâu ảnh 2

Trong đó, nhóm nguyên liệu công nghiệp biến động rất mạnh. Nhóm năng lượng và nông sản phần lớn tăng giá, hỗ trợ chỉ số MXV-Index chốt phiên tăng nhẹ 0,21% lên 2.283 điểm.