Hà Giang nỗ lực triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn

Từ ngày 8 đến sáng 10/6, trên địa bàn tỉnh Hà Giang có mưa to, đến rất to dẫn đến tình trạng sạt lở đất, ngập úng cục bộ, gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Các địa phương trong tỉnh đã huy động lực lượng tại chỗ, công an, quân đội thực hiện công tác cứu hộ, cứu nạn và giúp dân khắc phục hậu quả thiên tai.
0:00 / 0:00
0:00
Lực lượng công an hỗ trợ người dân phường Ngọc Hà, thành phố Hà Giang di chuyển đến nơi an toàn.
Lực lượng công an hỗ trợ người dân phường Ngọc Hà, thành phố Hà Giang di chuyển đến nơi an toàn.

Sớm ngày 10/6, nước từ thượng nguồn đổ về khiến mực nước sông Lô, sông Miện đoạn chảy qua địa bàn thành phố Hà Giang dâng cao, tràn vào các khu dân cư. Cả tám xã, phường đều xảy ra tình trạng ngập úng, nặng nhất là các xã, phường Nguyễn Trãi, Ngọc Hà, Trần Phú, Minh Khai, Phương Thiện.

Do thời điểm nước dâng vào sáng sớm cho nên nhiều hộ dân trở tay không kịp khiến nhiều hàng hóa, đồ dùng bị hư hỏng. Anh Nguyễn Văn Tầm, tổ 7, phường Ngọc Hà, cho biết: "Khoảng 5 giờ sáng, khi cả gia đình đang ngủ thì nghe thấy nhiều người trong khu phố hô hoán di dời đồ đạc do nước sông Miện dâng cao. Nước dâng rất nhanh nên gia đình tôi chỉ kịp di dời những vật dụng có giá trị. Còn nhiều giấy tờ quan trọng, đồ dùng sử dụng điện ngập trong nước bị hư hỏng".

Còn tại cánh đồng thôn Nà Dọc, xã Phương Ðộ, thành phố Hà Giang, lúa vụ Xuân đã chín. Những ngày vừa qua, mưa kéo dài nên người dân chưa thu hoạch. Sáng 10/6, nước sông Lô dâng cao đã tràn vào đồng ruộng, nhiều diện tích lúa, ngô bị ngập úng.

Anh Nguyễn Tiến Dụng, thôn Tha, xã Phương Ðộ cho biết: "Nhà tôi có một sào lúa đã chín, do thời tiết không thuận lợi nên gia đình đợi mấy ngày nữa nắng lên sẽ gặt. Nhưng sáng nay nước sông dâng cao nhấn chìm cả ruộng lúa. Hy vọng nước rút sớm để không bị ảnh hưởng đến năng suất". Chỉ tay sang mấy thửa ruộng bên cạnh, anh Nguyễn Tiến Dụng cho biết, nhiều hộ dân đã gặt từ chiều hôm trước, nhưng chủ quan vẫn để lúa đã gặt ngoài đồng, sáng nay nước dâng cho nên bị trôi mất lúa.

Ngay sau khi nhận được thông tin nước dâng cao, chính quyền địa phương đã huy động lực lượng xuống các điểm trọng yếu để thực hiện công tác cứu hộ, cứu nạn. Chủ tịch UBND thành phố Hà Giang Nguyễn Danh Hùng, cho biết: "Nước dâng cao khi người dân còn đang ngủ, do đó công việc đầu tiên các địa phương triển khai là huy động lực lượng tại chỗ báo thức cho nhân dân biết để chủ động ứng phó, đồng thời hướng dẫn người dân đến nơi trú tránh an toàn, phối hợp cùng với các lực lượng công an, quân đội di chuyển đồ đạc cho người dân, các trường học".

Ðại tá Lê Anh Tuấn, Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh cho biết, khoảng 2 giờ 30 phút sáng 10/6, nhận được thông tin, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh đã huy động gần 300 cán bộ, chiến sĩ và hàng chục ô-tô, thuyền máy đến các điểm ngập sâu trên địa bàn ba phường Ngọc Hà, Nguyễn Trãi, Minh Khai để đưa người dân đến nơi an toàn, hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả.

Thượng tá Phan Minh Học, Phó Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, Công an tỉnh Hà Giang cho biết: "3 giờ sáng, gần 100 cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị đến các điểm ngập lụt nghiêm trọng trên địa bàn thành phố Hà Giang. Chúng tôi đã sử dụng các phương tiện chuyên dụng để đưa người dân đến nơi an toàn, giúp di chuyển đồ đạc. Tại khu vực Bệnh viện Lao và Phổi, giáp sông Lô, thuộc phường Minh Khai, nước chảy mạnh, dâng nhanh khiến gia đình anh Khiết, chị Giang cùng hai con nhỏ không kịp thoát ra ngoài, phải lên gác xép. Nước dâng lên đến nửa nhà, tình thế rất nguy hiểm, tôi cùng anh em trong đơn vị khi nắm bắt thông tin đã bơi thuyền tiếp cận ngôi nhà, trèo lên phá mái nhà để đưa 4 người trong gia đình đến nơi an toàn".

Ðến chiều 10/6, các điểm ngập úng trên địa bàn thành phố Hà Giang nước rút dần. Các xã, phường cử lực lượng xuống phối hợp với người dân quét dọn đường phố, bảo đảm vệ sinh môi trường sau ngập úng. Ðồng thời cử cán bộ xuống các hộ dân bị ngập úng kiểm đếm thiệt hại, tuyên truyền người dân tiếp tục theo dõi diễn biến thời tiết để chủ động ứng phó thiên tai.

Không chỉ ở thành phố Hà Giang, các địa phương trong tỉnh cũng xảy ra tình trạng sạt lở đất, ngập úng gây thiệt hại lớn về người và tài sản của nhân dân. Có 3 người chết tại các huyện Hoàng Su Phì, Quản Bạ, nguyên nhân do bị lũ cuốn trôi, bị đất đá vùi lấp do sạt lở đất. Chính quyền đã huy động lực lượng tìm kiếm nạn nhân, thăm hỏi, động viên, hỗ trợ kinh phí cho các gia đình có người bị nạn.

Cơ sở hạ tầng giao thông được ghi nhận thiệt hại nặng nề, hàng chục tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ, đường liên xã trên địa bàn toàn tỉnh bị sạt lở, ngập úng, hư hỏng với khối lượng đất đá lên đến hàng chục nghìn mét khối. Ðiển hình như tại huyện Mèo Vạc, tuyến đường từ Quốc lộ 4C xuống điểm du lịch lòng hồ thủy điện Nho Quế và đi 3 xã biên giới Sơn Vĩ, Thường Phùng, Xín Cái vẫn đang tiếp tục bị sạt lở, đường hư hỏng nặng do nước suối chảy xiết.

Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Cù Duy Man cho biết, có những điểm mới thông đường mấy hôm trước, mưa lớn lại tiếp tục xảy ra tình trạng đất đá sạt lở gây nguy hiểm cho người và phương tiện tham gia giao thông. Sở Giao thông vận tải khuyến cáo người dân, các chủ phương tiện khi di chuyển qua các tuyến đường cần phải theo dõi, quan sát và chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông. Hiện tại, các địa phương huy động máy móc, nhân lực để san gạt, tu sửa những điểm sạt lở, hư hỏng nhằm thông các tuyến đường trong thời gian nhanh nhất.